Thứ tư, 17/04/2024 04:11 (GMT+7)

Đề xuất giải pháp phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ĐBSCL

MTĐT -  Thứ năm, 14/12/2017 14:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 14/12, tại Hà Nội, TT Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (VUSTA) tổ chức tọa đàm “Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng trong bối cảnh BĐKH ở ĐBSCL.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một khu vực trù phú, giàu tiềm năng và là trọng điểm kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.

TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra phức tạp và nhanh hơn các kịch bản dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào các nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, suy giảm và mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.

“Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tới năm 2030 dự kiến xây dựng 14 nhà máy nhiệt điện than ở các vùng ven sông và ven biển ở ĐBSCL cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến vấn đề BĐKH tại vùng đồng bằng này theo chiều hướng tiêu cực nếu không có các giải pháp hữu hiệu” – TS. Phạm Văn Tân cho biết thêm.

Theo TS. Phạm Văn Tân, thời gian qua, mối quan ngại về tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái của thủy điện ở thượng nguồn, nguy cơ ô nhiễm môi trường của nhiệt điện đã được thảo luận, tuy nhiên mối quan hệ giữa an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng trong bối cảnh BĐKH ở ĐBSCL chưa được phân tích kỹ lưỡng.

Quang cảnh tọa đàm

Dẫn chứng về nước ngầm ở ĐBSCL sụt giảm nhanh, ThS. Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia Phát triển Bền vững ĐBSCL cho biết: Hiện có hơn 1 triệu giếng khoan nước ngầm, gây ra sụt giảm mực nước ngầm trung bình khoảng 26 cm/năm trên toàn đồng bằng, hơn 15 mét ở vùng Cà Mau từ năm 1990. Sự sụt lún đất 1,6 cm/năm và nếu tốc độ khai thác nước ngầm như hiện nay tiếp diễn, tổng sụt lún đến năm 2050 là 0,88 cm.

Để phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ở ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH, ThS. Nguyễn Hữu Thiện đề xuất thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ. Cụ thể, thích ứng thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, giảm lúa vụ ba, chuyển từ tư duy tăng gia sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp và không xây thêm nhà máy nhiệt điện than.

“Đồng thời, biến thách thức thành cơ hội; nước mặn không còn bị xem là kẻ thù; vùng nước lợ không bị xóa sổ; sông ngòi được chảy thông thoáng sẽ có khả năng tự làm sạch; nước sông ngòi được phục hồi, sử dụng; giảm sử dụng nước ngầm, giảm sụt lún đất” – ThS. Nguyễn Hữu Thiện kiến nghị.

Nhằm cân bằng an ninh nước – lương thực – năng lượng trong thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL, PGS. TS. Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH – Đại học Cần Thơ đề xuất các chính sách: Áp dụng tiếp cận tổng thể trong quy hoạch tích hợp Nước – Lương thực – Năng lượng nhằm tránh xung đột giữa các ngành; điều chỉnh quy hoạch năng lượng của ĐBSCL trong quy hoạch tổng thể với quy hoạch nước và lương thực; xem xét lại Quy hoạch điện, giảm thiểu tỷ trọng nhiệt điện than, trước hết là ngừng xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới; Chính phủ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng đồng thời không tác động tiêu cực tới an ninh nguồn nước…

Theo Báo Tài nguyên Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất giải pháp phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.