Thứ ba, 19/03/2024 15:47 (GMT+7)

Hội thảo hợp tác Việt Nam - Phần Lan: CTN và xử lý chất thải rắn

Đồng Anh -  Thứ ba, 07/11/2017 12:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 7/11/2016, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng phối hợp Bộ ngoại giao Phần Lan tổ chức "Hội thảo Hợp tác Phần Lan - Việt Nam về cấp nước, thoát nước và Xử lý chất thải rắn"

 Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi Sự kiện Triển lãm và Hội thảo quốc tế ngành nước Vietwater 2017 diễn ra trong từ ngày 8-10/11 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Sài Gòn.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ ngoại giao và Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, Hội Cấp thoát nước Việt Nam cùng rất nhiều các vị đại biểu đến từ các công ty cấp thoát nước, môi trường của Việt Nam, Phần Lan và nhiều vị khách quý.

Đại biểu tham dự Hội thảo phát biểu

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng nhau trao đổi về tình hình, cũng như nhu cầu đầu tư phát triển ngành nước, vệ sinh môi trường, kinh nghiệm thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn và kết quả đạt được.

Theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, tính đến nay cả nước ta có khoảng hơn 800 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt khoảng trên 36,6%, khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70-75% GDP.

Trong lĩnh vực cấp nước, cả nước có hơn 500 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất thiết kế đạt 7,65 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 83%; 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h, 30% còn lại cấp 8 -20h/ngày đêm; tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân 24,5%. Hiện có khoảng 20 đô thị đã lập và phê duyệt quy hoạch chuyên ngành cấp nước, riêng quy hoạch cấp nước TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 4 vùng kinh tế trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại biểu tham dự Hội thảo phát biểu

 Trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, hiện nay có khoảng 35 nhà máy xử lý nước thải tập trung đang hoạt động, công suất thiết kế 850.000m3/ngày đêm; Tỷ lệ thu gom nước thải đô thị 12-13%, tỷ lệ xử lý bùn thải khoảng 4%. 40 nhà máy xử lý nước thải đang trong giai đoạn xây dựng có tổng công suất 1.600.000m3/ngày đêm; 90% khu công nghiệp đang vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 50% số bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải; hầu hết trong số 5000 làng nghề trên cả nước chưa có trạm xử lý nước thải; bùn thải từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý hoặc chưa có công nghệ xử lý phù hợp.

Về quản lý chất thải rắn, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom hiện nay đạt 38.000 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý đạt khoảng 85%, hình thức xử lý chủ yếu là chôn lấp, trong đó 70% là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Tính đến năm 2016, cả nước có khoảng 35 cơ sở xử lý với tổng công suất đạt khoảng 7.500 tấn/ngày đã đi vào hoạt động, công suất trung bình của các cơ sở xử lý phổ biến ở mức 100-200 tấn/ngày chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

Trong giai đoạn 2016-2020, với việc triển khai Chương trình quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn, Chương trình đầu tư xử lý nước thải các đô thị lớn lưu vực sông và các quy hoạch quản lý chất thải rắn của các tỉnh/thành phố, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn của Việt Nam là rất lớn, trong đó, nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân và vốn ODA sẽ chiếm một phần quan trọng.

Vì vậy ngành cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, xử lý chất thải rắn của Việt Nam đang rất cần tiếp cận các công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm cũng như nguồn vốn đầu tư của Phần Lan trong các dự án sẽ được triển khai cụ thể.

Ông Trương Công Nam - Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo

 Hội thảo cũng đã được lắng nghe và tìm hiểu những kinh nghiệm thông qua các quy định về nước uống và cấp nước an toàn tại Phần Lan. Chia sẻ những kinh nghiệm của Phần Lan về cấp nước an toàn, Đại diện phía Phần Lan cho biết: cơ cấu quản lý và đảm bảo cấp nước an toàn ở Phần Lan bao gồm Bộ Y tế và xã hội (cơ quan lập pháp), Ủy ban giám sát quốc gia về an sinh và y tế và các cơ quan quản lý nhà nước theo khu vực, Cục Y tế đô thị và các trung tâm nghiên cứu như Trung tâm nghiên cứu an sinh và y tế quốc gia, Cục an toàn hạt nhân và phóng xạ. Là một thành viên của Liên minh châu Âu, Phần Lan có nghĩa vụ tuân thủ các Chỉ thị của Hội đồng châu Âu quy định về chất lượng nước sạch và cụ thể hóa, lồng ghép các nội dung của Chỉ thị này vào hệ thống pháp luật và xây dựng Kế hoạch cấp nước an toàn.

Hội thảo kết thúc với phần trao đổi, thảo luận sôi nổi,cởi mở của các đại biểu Việt Nam và Phần Lan hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác trong thời gian sắp tới.

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo hợp tác Việt Nam - Phần Lan: CTN và xử lý chất thải rắn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Nam khai thác và phát huy lợi thế từ đa dạng sinh học
Năm 2021, Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là địa phương đầu tiên thực hiện Đề án Thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Năm 2024, Quảng Nam tiếp tục là địa phương đầu tiên được chọn đăng cai các hoạt động về đa dạng sinh học.
Thẩm định kế hoạch sử dụng đất tỉnh Thái Nguyên
Ngày 14/3, tại trụ sở Bộ TN&MT, Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã tổ chức thẩm định kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 -2025) của tỉnh Thái Nguyên.

Tin mới

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.