Thứ tư, 24/04/2024 10:58 (GMT+7)

Hội thảo khoa học sản xuất và sử dụng sản phẩm PAC tại Việt Nam

KHÁNH AN -  Thứ năm, 14/09/2017 20:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 14/9/2017, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phối hợp cùng với Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã tổ chức chương trình “Hội thảo khoa học về sản xuất và sử dụng sản phẩm PAC tại Việt Nam”.

Hội thảo nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu, đồng thời nâng cao hơn nữa hoạt động cấp thoát nước ở Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có sự tham gia của ông Cao Lại Quang – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng; PGS, TS. Ngô Đại Quang – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam...cùng đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc các Bộ, ban, ngành Trung Ương; các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực hóa học và xử lý nước cùng các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và sử dụng PAC tại Việt Nam.

Ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng phát biểu tại buổi Hội thảo.

Trong buổi lễ Khai mạc tại Hội thảo, ông Cao Lại Quang – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng đã nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các quý vị đại biểu đã về tham dự “Hội thảo khoa học về sản xuất và sử dụng sản phẩm PAC tại Việt Nam”, cảm ơn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì đơn vị đăng cai là các nhà tài trợ cho Hội thảo đã luôn đồng hành và có nhiều đóng góp cho sự phát triển ngành nước và Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

Tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cũng đưa ra những khó khăn, thách thức và nhiều hạn chế bất cập mà ngành nước đang mắc phải như: Nguồn lực cho đầu tư, năng lực quản lý, ô nhiễm nguồn nước,… bên cạnh những khó khăn thách thức đó là các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng và hàng loạt các giải pháp thực hiện từ hoàn thiện thể chế chính sách, qui hoạch, đầu tư phát triển ngành nước đến đào tạo nguồn nhân lực… được đưa ra trong phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ “Điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng – Cao Lại Quang cũng hy vọng qua buổi Hội thảo này sẽ “chia sẻ được nhiều thông tin bổ ích, cũng như trao đổi đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả để phát triển ngành vật tư trong nước ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu ngành nước, thực hiện thắng lợi các chủ trương chính sách lớn của Đảng Nhà nước, góp phần xây dựng ngành nước phát triển bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.”

PGS, TS. Ngô Đại Quang – Phó TGĐ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng có bài phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hiện đang giữ vai trò chính trong phát triển thuộc lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hóa chất, và có 2 doanh nghiệp đang tham gia cung ứng cho thị trường trong nước là Công ty Cổ Phần Hóa chất Việt Trì (Phía Bắc) và Công ty Cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam (phía Nam), hiện tại thì hai công ty này cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu PAC trong lĩnh vực xử lý nước.

Phó TGĐ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng cho biết, mục tiêu Hội thảo hướng tới là: “Thứ nhất, giới thiệu vật liệu mới, bằng các luận cứ khoa học, làm rõ tính ưu việt của sản phẩm PAC để sử dụng trong sản xuất nước sạch và xử lý nước thải.

Thứ hai là xác định nhu cầu để tiếp tục quy hoạch mở rộng quy mô sản xuất tiến tới thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Và mục tiêu thứ ba là căn cứ kết quả Hội thảo, kiến nghị với Nhà nước có chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, xây dựng bộ tiêu chuẩn về PAC dùng trong sản xuất nước sạch và xử lý nước thải tại Việt Nam.”

PGS, TS. Ngô Đại Quang khẳng định: “Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cam kết sẽ ưu tiên đầu tư nguồn lực như: Khoa học công nghệ, tài chính để tiếp tục nghên cứu phát triển sản xuất PAC của Việt Nam đáp ứng yêu cầu của đất nước và đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân.

Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự quan tâm chia sẻ, hợp tác và đồng hành của Hội Cấp thoát nước Việt Nam; đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận, xem xét những khó khăn, những vấn đề còn vướng mắc của doanh nghiệp, để có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng PAC ổn định và bền vững.”

Tại Hội thảo, Ths. Văn Đình Hoan – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì đã có bài phát biểu về “Thực trạng sản xuất và sử dụng chất keo tụ Poly aluminium chloride (PAC) tại Việt Nam”. Theo ông Hoan, hiện nay có 2 nhà máy sản xuất sản phẩm chất keo tụ PAC với quy mô công nghiệp ở Việt Nam đó là: Nhà máy sản xuất PAC lỏng 10% Al2O3 công suất 25 nghìn tấn/năm, thuộc Công ty Cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam; hai là Nhà máy sản xuất PAC công suất 45 nghìn tấn/năm sản xuất hai loại PAC lỏng 17% Al2O3 và PAC bột 30% Al2O3 thuộc Công ty Cổ phần hóa chất Việt Trì.

Ths.Văn Đình Hoan nhận định: “Mặc dù PAC của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với PAC của Việt Nam sản xuất trong nước nhưng vẫn thâm nhập được vào thị trường Việt Nam là do: sản phẩm này đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ nhiều năm trước; hai là một số doanh nghiệp thương mại chưa nhận thức được đầy đủ, ham lợi đã tìm đủ mọi cách để đưa hàng này vào các nhà máy xử lý nước; thứ ba là do một số doanh nghiệp xử lý nước nhất là khu vực nông thôn chưa có điều kiện kiểm soát chất lượng của PAC nên đã tin cậy vào sự quảng bá của các nhà thương mại nêu trên.”

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì cũng kiến nghị: “Nhà nước nên áp thuế đối với sản phẩm PAC nhập khẩu, bởi sản phẩm PAC sản xuất trong nước đáp ứng được nhu cầu sử dụng (hiện nay thuế nhập khẩu bằng 0); Và Nhà nước cần thiết lập hàng rào kỹ thuật, có các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình kiểm tra, đánh giá chất lượng PAC nhập khẩu nhằm bảo vệ người tiêu dùng, và sản xuất trong nước.”

Tại buổi Hội thảo còn có bài phát biểu của Phó GS, TS. Lê Thị Mai Hương – Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam về “một số ưu điểm của PAC khi dùng trong xử lý nước” như: “tiêu hao hóa chất giảm 4-5 lần so với lượng sulfat nhôm; Không làm thay đổi độ pH của nước được làm sạch, cho phép chánh sử dụng các chất kiềm để trung hòa; Phạm vi hoạt động pH rộng hơn; hiệu quả lọc tách chất rắn lơ lửng, tạp chất hữu cơ và kim loại cao hơn; Giảm hoạt động ăn mòn của nước; Sử dụng tốt vào mùa đông có nhiệt độ nước thấp; Giảm ăn mòn thiết bị; vệ sinh công nghiệp tốt hơn và giảm mặt bằng kho chứa, giảm chi phí vận chuyển….”

Phó GS, TS. Lê Thị Mai Hương – Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu tại buổi hội thảo

Ths. Phạm Huy Đông – Phó Viện trưởng, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam cũng khẳng định, sử dụng PAC để thay thế phèn nhôm trong xử lý nước ngày càng nhiều bởi: An toàn cho sức khỏe con người; ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ; sinh ra ít bùn trong quá trình xử lý; tan trong nước tốt, nhanh, ít làm biến động độ pH trong nước; không làm đục nước khi dùng thừa hoặc thiếu; hiệu quả xử lý cao hơn; không chứa các kim loại nặng nguy hiểm,…..

Tại buổi Hội thảo, có bài Nghiên cứu khoa học về “xử lý nước bằng chất keo tụ” của các giảng viên trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội bao gồm PGS. La Thế Vinh, TS. Nguyễn Xuân Trường, TS. Trần Thượng Quảng đã đưa ra các phân tích, phản ứng hóa học, hình ảnh chứng minh về ưu nhược điểm của xử lý nước bằng chất keo tụ.

Ngoài ra, tại buổi Hội thảo còn có bài phát biểu của các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và sử dung PAC đó là Công ty TNHH Hóa chất và Môi trường Aureole Mitani và Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh.

Tham luận tại Hội thảo khoa học về sản xuất và sử dụng sản phẩm PAC tại Việt Nam, ông Hashimoto Hiyotaka – Tập đoàn Mitani Sangyo (Nhật Bản) đã đưa ra một số ý kiến: PAC được sử dụng phổ biến trong xử lý nước tại Nhật Bản và một số nước khác và có nhiều ưu điểm như các báo cáo khoa học đã trình bày. Tuy nhiên tại Việt Nam thì phèn sunfat vẫn được sử dụng nhiều và nhận xét cá nhân của tôi là PAC chưa được biết đến nhiều trên thị trường.

Và hiện nay trên thị trường Việt Nam có một số loại PAC sau: sản phẩm PAC của Ấn Độ: chất lượng tốt, nhưng giá thành cao; sản phẩm PAC của Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì sản xuất: chất lượng tương đương của Ấn Độ, nhưng giá thành thấp hơn; sản phẩm PAC nhập khẩu từ Trung Quốc: chất lương thấp, không đồng đều, nhưng giá rất rẻ.

“Là một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng rằng thị phần cho những sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam như của Hóa chất Việt Trì sẽ được phát triển mạnh mẽ trong tương lại” – ông Hashimoto Hiyotaka chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh đưa ra quản điểm tại Hội thảo: “Nhiệm vụ chính của chúng tôi là sản xuất nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cùng với các đơn vị cấp nước khác, chúng tôi luôn xác định đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu trong hoạt động cung cấp nước sạch. Vì vậy, khi lựa chọn các chế phẩm hóa chất xử lý nước, tiêu chí đầu tiên mà chúng tôi yêu cầu đó là: Thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng tới sức khỏe, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vị thế pháp lý của nhà sản xuất và ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

 Sau khi trình bày xong báo cáo khoa học của Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì và các tham luận của các nhà khoa học Việt Nam. Tham luận của đại diện các nhà sử dụng buổi Hội thảo đã có những ý kiến thảo luận, giải đáp thắc mắc, đánh giá các nội dung tham luận trên của các đại biểu Ban, ngành tham gia Hội thảo để góp phần hoàn thiện hơn nữa và phát triển sản xuất PAC mạnh mẽ. Đáp ứng yêu cầu của đất nước và đảm bảo an toàn sức khỏe người dân. Đưa sản phẩm PAC của các công ty sản xuất PAC của Việt Nam phổ biến rộng rãi trên thị trường Việt Nam với mục tiêu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo khoa học sản xuất và sử dụng sản phẩm PAC tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới