Thứ sáu, 29/03/2024 01:46 (GMT+7)

Kỷ niệm 110 năm thành lập Cty CP Cấp nước Huế - HueWACO

MTĐT -  Chủ nhật, 22/12/2019 09:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà máy nước Huế nay là Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) ra đời cách đây 110 năm. Đến nay, nhà máy đã trở thành đơn vị có hệ thống cấp nước thông minh, bền vững với công nghệ hiện đại.

Qua thăng trầm của lịch sử, nhà máy đã trở thành đơn vị có hệ thống cấp nước thông minh, đồng bộ, bền vững với công nghệ hiện đại ngang tầm với các đơn vị cấp nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhà máy nước Huế là một trong 3 nhà máy nước đầu tiên ở Việt Nam, ra đời năm 1909 với công suất 2.500m3/ngày đêm, phục vụ chủ yếu ở các công sở, khu phố Tây, các trại lính…

Đến năm 1975, nhà máy gần như không phát triển, thậm chí có lúc đình trệ do máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, lại bị tàn phá bởi chiến tranh. Đến tháng 4/1975, toàn hệ thống chỉ có 83,5km đường ống, cấp nước cho 3.500 đấu nối và 53 vòi nước công cộng với sản lượng nước thương phẩm 1,8 triệu m3/năm.

Sau giải phóng miền Nam, cả nước bước vào thời kỳ tái thiết đất nước, Nhà máy nước mới có những bước chuyển mình với việc khôi phục, cải tạo Nhà máy Vạn Niên - Quảng Tế; thi công 3,5km đường ống DN 400 Quảng Tế - Dã Viên chống mặn cho Nhà máy Dã Viên (1987); lắp đặt thêm 52,4 km đường ống từ DN 50 – 600, cấp nước cho các cơ sở sản xuất quan trọng của tỉnh như sợi Thủy Dương, xi măng Long Thọ, bia Huda…

Bước vào thời kỳ đổi mới, với tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực tranh thủ ngoại lực, công ty có những bước phát triển mang tính đột phá. Đến nay, tổng công suất nhà máy đạt 200.000m3/ngày đêm, mạng đường ống truyền tải và phân phối đạt 4.650km (DN50- DN1200), gấp 55 lần so với năm 1975; đưa nước sạch vượt đô thị, thị trấn, thị tứ đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ven biển và miền núi, với trên 1 triệu người sử dụng, đạt gần 89% dân số toàn tỉnh.

Nhà máy cũng khắc phục cơ bản tình trạng nước nhiễm mặn mùa hè, vẩn đục trong mùa lũ. Nước sạch được công bố an toàn và giữ vững ổn định hơn 10 năm nay, đang tiến tới nâng cấp chất lượng nước không chỉ an toàn mà còn đảm bảo tiêu chí ngon, vượt xa các tiêu chí về nước sạch của ngành y tế cũng như tổ chức y tế thế giới. Với những thành tích trong lĩnh vực cấp nước, đơn vị được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, Huân chương Độc lập hạng Nhì, cùng nhiều huân huy chương cho đơn vị và nhiều cá nhân xuất sắc.

Theo quy hoạch cấp nước toàn tỉnh, công ty phải sử dụng vốn tự có để nâng cấp, cải tạo các nhà máy cũ, vừa chào thầu lãi suất cạnh tranh vay ngân hàng thương mại gần 183 tỷ đồng (giảm 3,5% lãi suất tiền vay, từ 13% xuống 9,5%, tiết kiệm gần 16,7 tỷ đồng) để xây dựng các nhà máy; đầu tư, thi công mới trên 3.800 km đường ống từ DN50-1.000; đồng bộ với các dự án mở rộng đường phố, chỉnh trang đô thị của tỉnh; thực hiện dự án cấp nước thị trấn Phú Lộc, thị trấn Phong Điền và các xã phụ cận với tổng mức đầu tư 119 tỷ đồng… Nhờ vậy, hệ thống đường ống đi trước một bước, đô thị không bị đào xới bởi việc thi công nâng cấp phát triển mạng đường ống.

Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) kỷ niệm 110 năm thành lập.

HueWACO đã thực hiện thành công sáng kiến “phục hồi nâng cấp các ống gang thép cũ kém chất lượng”, từ năm 2000 đến nay vẫn phát huy tác dụng; thay mới trên 150km đường ống DN80-800, giảm nhanh tỷ lệ thất thoát nước. Cùng với giải pháp thông rửa hàng nghìn km đường ống bằng mút đặc chủng, loại bỏ hàng trăm tấn cặn lưu cữu, là cuộc cách mạng về đường ống, là nền tảng quan trọng giúp công ty thực hiện thành công cấp nước an toàn (CNAT) trong hơn 10 năm qua (8/2009).

Giai đoạn này, công ty đã thực hiện thành công chính sách “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong đầu tư công trình cấp nước, nối mạng về nông thôn. Lắp đặt đồng hồ nước trả góp, triển khai lắp đặt nước miễn phí (từ tháng 3/2009), miễn giảm tiền nước cho các hộ nghèo và cận nghèo, giúp tăng nhanh tỷ lệ người dân sử dụng nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng nước tăng cao của khách hàng và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, xem khoa học công nghệ là giá trị cốt lõi với 22 giải thưởng cấp tỉnh, 12 giải thưởng cấp Trung ương và 3 công trình được ghi vào sách vàng sáng tạo Việt Nam. Đổi mới công tác quản lý, giải quyết tốt và hiệu quả nhiều bài toán khó của ngành nước, ứng phó hiệu quả với các nguy cơ suy giảm nguồn nước và biến đổi khí hậu, đảm bảo cấp nước an toàn và an ninh nước cũng được triển khai.

Một thành công lớn, mang tính đột phá được khẳng định là thi công tuyến ống DN225 ngầm băng phá Tam Giang dài 3km (2009). Từ năm 2009 đến nay, công ty thi công 28 tuyến băng ngầm qua sông, hồ, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai dài 12,5km), thi công 51 điểm băng qua đường sắt, đường bộ và kênh thủy lợi lớn dài 1,5 km.

HueWACO là đơn vị đầu tiên và điển hình trong cả nước về cấp nước cho cả đô thị và nông thôn dù đầu tư cho nông thôn không hiệu quả về mặt kinh tế, do suất đầu tư cao gấp 3 lần, nhu cầu dùng nước chỉ 50% so với đô thị. Nhưng, nỗ lực của HueWACO lại phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tiến trình đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cấp nước toàn tỉnh

Năm 2011, tỉnh phê duyệt quy hoạch cấp nước toàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030 từ nguồn vốn vay ưu đãi ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) giai đoạn 1, thi công 720km đường ống; giai đoạn 2 sẽ không vay vốn mà bằng nguồn lực phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) 260 tỷ đồng và vốn khấu hao cơ bản của công ty để xây dựng Nhà máy Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1 sẽ có công suất 60.000m3/ngày đêm).

Sau hơn 1,5 năm triển khai, dự án vay vốn ADB đã thi công hoàn thành. Dự án đã đưa vào sử dụng 700 km đường ống từ DN50-DN1200 (gần 100%); mở rộng cấp nước cho 31 phường, xã, trong đó có 8 xã mới, tăng áp lực nước trên toàn mạng từ 1,8 đến 2,4 bar; 260.000 đấu nối, tương đương1 triệu dân (82% toàn tỉnh) được hưởng lợi; lắp đặt mới cho gần 20.000 hộ, cấp nước thêm cho gần 90.000 người, nhất là các vùng nông thôn khó khăn về nước sạch.

Đồng thời, công ty ngưng hoạt động các nhà máy ở hạ lưu có chất lượng nước nguồn suy giảm, giảm vận hành 47 trạm tăng áp, tiết kiệm 7,7 tỷ đồng/năm. Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý dự án, công ty không phải sử dụng khoản dự phòng phí (3,2 triệu USD) và sử dụng nguồn này để đầu tư thêm 22 km ống truyền tải D225-1200, được Bộ Xây dựng và Thanh tra Chính phủ đánh giá cao.

Đối với ngành nước, sự thiếu đồng bộ đồng nghĩa với sự lãng phí và thua lỗ, giá thành sẽ đội lên cao. Vì thế, trong điều hành phải hết sức linh hoạt, từ việc tổ chức đấu thầu quốc tế đến phát huy hiệu quả phương châm “Nhân dân và Nhà nước cùng làm, các doanh nghiệp cùng chia sẻ”, giúp công ty giải tỏa các áp lực về nguồn vốn.

Mặt khác, mở rộng hợp tác giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các nước tiên tiến trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan, Pháp, Đức, Mỹ, Úc, Phần Lan…, giúp công ty định vị được vị trí, trình độ của mình, vạch kế hoạch cải thiện cấp nước, phấn đấu vươn lên hội nhập với các nước tiên tiến trên thế giới. Nhờ vậy, những dự án đi sau, công nghệ đều được cải tiến, tiên tiến, hiện đại hơn những dự án trước đó. Chất lượng nước cũng đi theo lộ trình từ an toàn đến ngon.

Cùng với kỷ niệm 110 năm ngày thành lập HueWACO, công ty cũng khánh thành, đưa vào sử dụng dự án ADB. Dự án ADB hoàn thành, cùng với các dự án đầu tư công trung hạn được triển khai sẽ hiện thực hóa mục tiêu có trên 90% dân số toàn tỉnh sử dụng nước sạch vào năm 2020.

Từ đây, Thừa Thiên Huế sẽ có hạ tầng kỹ thuật cấp nước đồng bộ, hoàn chỉnh, thông minh theo quy hoạch cấp nước toàn tỉnh từ nguồn nước, nhà máy đến mạng lưới đường ống, cấp nước an toàn và ngon, đảm bảo an ninh nước trên toàn tỉnh. Qua đó, ngành nước cũng góp sức xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương, góp phần chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.

Bạn đang đọc bài viết Kỷ niệm 110 năm thành lập Cty CP Cấp nước Huế - HueWACO. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Bình Hồng

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.