Thứ sáu, 26/04/2024 05:37 (GMT+7)

Lấy nước thủy điện để đẩy mặn sông Hàn chẳng khác “đem muối bỏ biển”

MTĐT -  Thứ tư, 28/08/2019 09:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước đề xuất lấy nước thủy điện đẩy mặn sông Hàn, sông Thu Bồn, nhiều ý kiến cho rằng, chẳng khác "đem muối bỏ biển".

Theo Zing, ngày 27/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo về tình hình khai thác nước và cuộc họp giữa kỳ của Ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp chống hạn và chống xâm nhập mặn cho TP Đà Nẵng.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, hiện nay, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng do ít mưa, nắng nóng kéo dài.

So với cùng kỳ năm 2018, dòng chảy trên sông Vu Gia – Thu Bồn chỉ đạt từ 32-70%. Việc nước đổ về các sông thấp khiến tình trạng xâm nhập mặn tại hạ lưu tăng cao.

Tình trạng thiếu nước xảy ra nghiêm trọng ở Đà Nẵng. Ảnh: Internet. 

Theo nhận định, từ nay đến hết tháng 8, dòng chảy trên thượng lưu sông Vu Gia có khả năng thiếu hụt từ 70-80%, trên sông Thu Bồn thiếu hụt từ 20-30% so với các năm.

Theo đại diện Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng, việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất kinh doanh ở Đà Nẵng phụ thuộc rất lớn từ nguồn nước sông Vu Gia. Nguồn nước từ các hồ thủy điện ở thượng nguồn như hồ A Vương thấp hơn 6,97m, Sông Bung 4 từ cuối tháng 6 thấp hơn 3,48m so với mực nước tối thiểu.

Trong 6 tháng đầu năm 2019 tại vị trí cửa thu của nhà máy nước Cầu Đỏ có 119 ngày nhiễm mặn với độ mặn cao nhất là 3.448 mg/l (vượt 14 lần so với quy chuẩn cho phép).

Việc vận hành các hồ thủy điện có ảnh hưởng lớn đến độ mặn tại Cầu Đỏ, ảnh hưởng việc cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng. Báo cáo của công ty này cho thấy trước năm 2007 tại cầu Đỏ nhiễm mặn một số ngày trong năm nhưng thời gian nhiễm mặn không nhiều, mỗi đợt dưới 10 ngày, độ mặn dưới 2.000mg/l. Giai đoạn 2008-2014, thủy điện A Vương đưa vào hoạt động thì số ngày nhiễm mặn có xu hướng tăng.

Đến năm 2014 thủy điện Đăk Mi 4 phát điện làm tăng đột biến số ngày nhiễm mặn với đỉnh mặn 13.568mg/l. Từ năm 2014 đến nay số ngày nhiễm mặn tăng, đỉnh mặn cao, thời gian mặn kéo dài.

Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng đề xuất hai địa phương phối hợp giám sát vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết về từ các hồ chứa trong mùa cạn.

Đề nghị tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đà Nẵng không huy động nước của nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 (xả về sông Thu Bồn) nhằm giữ lại nguồn nước hiện có còn lại trong hồ chứa để chống hạn, nhiễm mặn, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia, gồm nước sinh hoạt cho Đà Nẵng và 4.000 ha lúa của hai địa phương này.

Ngoài ra yêu cầu thủy điện này xả nước về hạ du sông Vu Gia khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ dưới 1.000mg/l, và xả liên tục với lưu lượng 25m3/s khi độ mặn hơn 1.000mg/l.

Vị trí thu nước thô tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Ảnh: Internet.

Ông Trương Xuân Tý - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam - góp ý rằng hiện nay lượng nước các thủy điện thượng nguồn của tỉnh đều rất thấp, đừng nói đến câu chuyện dùng nước thủy điện để đẩy mặn nữa mà phải có giải pháp công trình, phi công trình.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Vạn Thắng - nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng - cho rằng việc xả nước thủy điện để chống mặn thì cực kỳ khó. Vì việc dùng nước thủy điện để đẩy mặn sông Hàn, sông Thu Bồn chẳng khác "đem muối bỏ biển".

"Giờ gần cuối mùa khô và thủy điện không còn nước để làm việc đó. Đà Nẵng cần phải nhận thức rõ là bây giờ thủy điện không cứu được xâm nhập mặn tại Cầu Đỏ"- ông Thắng nói.

Theo ông Hồ Minh Nam, Phó tổng giám đốc Dawaco, sau nhiều ngày thiếu nước sạch nghiêm trọng, hệ thống cấp nước TP.Đà Nẵng đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, hiện độ mặn trên sông Cầu Đỏ diễn biến phức tạp nên khi độ mặn dưới ngưỡng 1.000 mg/lít, Dawaco sẽ tranh thủ khai thác tối đa để lấy nước phát vào mạng lưới. Ông Nam cho biết qua theo dõi thời tiết, tuần này tại miền Trung không có mưa nên Dawaco vẫn đang theo dõi sát sao tình hình để ứng phó. Cũng theo ông Nam, hiện các thủy điện đầu nguồn vẫn xả theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa. Do các thủy điện này không còn nước tích trong hồ, nên nếu xả liên tục sẽ hết nước ngay mà lại không đẩy được mặn...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Lấy nước thủy điện để đẩy mặn sông Hàn chẳng khác “đem muối bỏ biển”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.