Thứ năm, 28/03/2024 21:26 (GMT+7)

Mô hình thu trữ nước sinh hoạt

MTĐT -  Thứ bảy, 01/08/2020 11:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tận dụng những hạ tầng sẵn có và kết hợp những công nghệ mới trong thu trữ nước, các nhà khoa học ở Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã xây dựng thành công mô hình thu trữ nước sinh hoạt quy mô nhỏ.

Tận dụng những hạ tầng sẵn có và kết hợp với những công nghệ mới trong thu trữ nước, các nhà khoa học ở Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã xây dựng thành công mô hình thu trữ nước sinh hoạt quy mô nhỏ đáp ứng quy chuẩn chất lượng nước sinh hoạt của Bộ Y tế và đảm bảo nhu cầu cho người dân ở các tỉnh vùng Tây Bắc vào mùa khô.

Kiểm tra mô hình thu trữ, xử lý nguồn nước mưa tại trường mầm non Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Văn phòng Chương trình Tây Bắc.


Cứ mùa khô đến, những người dân ở xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) - nơi được coi là “Trường Sa trên cạn”, lại thức trắng đêm chờ đợi hứng nước ở các bể nước trung tâm hoặc đi bộ nhiều cây số để tìm các giếng, hố nước trong rừng. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này là vấn đề “đau đầu” với các địa phương nơi đây.

Với mong muốn khắc phục tình trạng này, Sở KH&CN tỉnh Lào Cai đã đặt hàng giải pháp cấp nước sinh hoạt cho người dân thông qua đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ và quản lý trong thu trữ nước mưa và nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc” (2017-2019) thuộc Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (chương trình Tây Bắc). “Mục tiêu của đề tài là đề xuất công nghệ thu trữ, xử lý nước phục vụ dân sinh Tây Bắc, đảm bảo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT. Đồng thời tìm ra mô hình quản lý phù hợp và bền vững, sau đó nhân rộng mô hình để áp dụng cho các địa phương khác trong vùng Tây Bắc”, ThS. Phạm Văn Ban, chủ nhiệm đề tài cho biết.

Mô hình thu trữ và xử lý nước quy mô nhỏ

Để nắm bắt được thực trạng các công trình thu trữ và xử lý nước ở vùng Tây Bắc, ThS. Phạm Văn Ban và các cộng sự ở Viện Khoa học thủy lợi đã tiến hành khảo sát thực tế ở 10 tỉnh vùng Tây Bắc. “Điều quan trọng nhất là mình phải biết hiện nay các địa phương áp dụng phương thức thu trữ, xử lý, quản lý như thế nào. Nếu họ làm tốt rồi thì mình cũng không đi vào nữa, chỉ tìm những khoảng trống để tiếp tục thôi”, ThS. Phạm Văn Ban cho biết.

Qua khảo sát thực tế, nhóm dự án nhận thấy, ở những vùng có nước mặt (nước chảy trên bề mặt đất) đã có sẵn công trình thu trữ nước như bể chứa nước tập trung, hồ treo,... khi thiết kế tính toán tương đối đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành công trình bị xuống cấp, quy mô giữ nguyên nhưng năng lực hoạt động giảm xuống. Về xử lý nước, các công trình chứa nước tập trung hiện nay thường dùng đá, cát, sỏi mang tính chất lọc thô, chưa xử lý được những thành phần hóa học gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vậy, để giải quyết các vấn đề này, nhóm dự án đã đề xuất những giải pháp mới để khắc phục hạn chế của những công trình thu trữ và xử lý nước sẵn có. “Với những vùng chưa có nước mặt, chúng tôi sẽ tìm nguồn nước ngầm tầng trên (vùng ẩm ướt, có nguồn nước bổ sung liên tục) để xây dựng đập ngầm”, ThS. Phạm Văn Ban nói.

Cụ thể, với hồ treo chứa nước, ThS. Phạm Văn Ban và các cộng sự đã dùng màng chống thấm bentofix (một loại vật liệu từ khoáng sét bentonite) thay thế cho bạt HPDE - thường dùng làm màng chống thấm ở các hồ treo chứa nước nhưng dễ bị rách trong quá trình sử dụng, tốn nhiều công sức và chi phí thay thế. Để thay thế cho phương pháp xử lý nước lọc thô, nhóm dự án đã thiết kế tủ lọc dạng khối, dễ dàng di chuyển và tùy chỉnh công suất theo nhu cầu sử dụng, cấp nước đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế về nước sinh hoạt.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự án là giải pháp đập ngầm thu nước ngầm tầng trên. “Giải pháp này có thể áp dụng ở nhiều địa phương khác nhau, với điều kiện có chênh lệch địa hình cao thấp, có nguồn nước ngầm ở tầng gần bề mặt, vùng đất ẩm. Chỉ cần đào xuống, đổ cát và đặt các băng thu nước khía rãnh gắn dọc theo ống PVC, đặt trong lớp cát là xong, nước sẽ dẫn về các bể chứa nước tập trung có sử dụng tủ lọc”, ThS. Phạm Văn Ban giải thích. “Việc áp dụng những công nghệ trong dự án này không mấy khó khăn, bởi đây đều là những giải pháp do Viện Khoa học thủy lợi phát triển, đã được ứng dụng trong thực tế rồi, chẳng hạn đập thu nước ngầm tầng trên là sáng chế của các nhà khoa học ở Viện Thủy công (Viện Khoa học thủy lợi) đã được cấp bằng từ năm 2012. Chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ của người dân trong quá trình thực hiện dự án, chẳng hạn họ tự nguyện hiến đất để đặt đường ống dẫn nước nên không mất kinh phí đền bù”.

Hiệu quả của các giải pháp trên đã được chứng minh qua 6 mô hình thu trữ nước quy mô hộ gia đình, nhóm dân cư và tổ chức (trường học, trạm y tế) áp dụng những công nghệ mà nhóm dự án đề xuất ở Lào Cai và Bắc Kạn. Lượng cấp nước đủ tiêu chuẩn 60 l/người trong một ngày đêm, giúp trường mầm non xã Nghĩa Hảo (huyện Na Rì, Bắc Kạn) và trạm y tế xã Tả Gia Khâu tiết kiệm được tiền mua nước sạch là 200.000 đồng/ngày trước đây. Thậm chí, có nơi còn cho kết quả hơn cả mong đợi của cả mọi người. “Ở trường mầm non Nghĩa Hảo, lượng nước thu được còn dư so với nhu cầu sử dụng, có thể cấp thêm cho cả trường cấp 1, cấp 2 bên cạnh, chúng tôi cũng thấy bất ngờ vì công nghệ đập ngầm này thu được khá nhiều nước”, ThS. Phạm Văn Ban kể lại.

Những băn khoăn còn lại

Cũng giống như những công trình cấp nước ở vùng Tây Bắc trước đây, khó khăn lớn nhất với nhóm dự án là tìm ra mô hình quản lý phù hợp để các công trình tiếp tục hoạt động hiệu quả trong tương lai. “Với hộ gia đình, trường học và trạm y tế, chúng tôi bàn giao trực tiếp cho người dân, hướng dẫn quy trình để họ tiếp tục sử dụng, có vấn đề gì liên quan đến công nghệ mà không xử lý được thì gọi trực tiếp cho chúng tôi. Với cụm dân cư, chúng tôi đưa ra sổ tay hướng dẫn quy trình thành lập tổ chức quản lý, do trưởng công an ở mỗi bản phụ trách, những hộ dân trong đó đó sẽ là tổ viên, có trách nhiệm đi tuần, kiểm tra đường ống định kỳ và báo lại cho tổ trưởng. Tổ hợp tác sẽ thu phí khoảng 1000 đồng/m3/hộ để có kinh phí thay thế những vật liệu rẻ tiền, dễ hỏng như khóa hoặc van nước. Nếu hỏng hóc lớn, sẽ sử dụng quỹ ở các xã hoặc huy động nguồn lực địa phương”, ThS. Phạm Văn Ban cho biết. “Để thuyết phục người dân, chúng tôi cũng phải họp hành nhiều lần vì trước đây họ dùng nước không mất tiền, bây giờ lại tự dưng thu phí. Nhưng khi chúng tôi phân tích về ảnh hưởng của nguồn nước đến sức khỏe, kết hợp với lợi ích của mô hình thu trữ và xử lý nước trong thực tế, bản thân bà con cũng nhận thấy điều đó nên chấp nhận”.

Mặc dù kết quả thực hiện đề tài được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và được các xã đặt mô hình thử nghiệm đề nghị tiếp tục nhân rộng song ThS. Phạm Văn Ban vẫn muốn hoàn thiện hơn nữa. “Giải pháp băng thu nước ngầm chỉ phù hợp với quy mô nhỏ, hộ gia đình, cụm dân cư hoặc trường học, nếu muốn áp dụng ở quy mô toàn xã hoặc liên xã thì phải đặt rất nhiều băng thu nước ngầm, sẽ rất tốn kém. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng có thể đề xuất những dự án mới thông qua những chương trình của Bộ KH&CN trong thời gian tới để tiếp tục thử nghiệm, tối ưu công nghệ này”, ThS. Phạm Văn Ban nói.

Theo Thanh An/ Khoa Học Phát Triển

Bạn đang đọc bài viết Mô hình thu trữ nước sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.