Thứ sáu, 29/03/2024 21:30 (GMT+7)

Nhà máy nước sạch sông Đuống của Shark Liên có gì đặc biệt?

MTĐT -  Thứ bảy, 19/10/2019 14:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày qua, sau khi nước sạch sông Đà xảy ra sự cố nhiều người dân Thủ đô lại quan tâm đến nhà máy nước mặt hay nước sạch sông Đuống.

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư 2869/QĐ-UBND của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016.

Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Ảnh: Zing.

Với công suất này, nhà máy đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Trên thực tế, từ khi đưa vào vận hành phân kỳ 1, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống của Shark Liên đã cung cấp nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm và khu vực phía Nam TP bao gồm: quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.

Đặc biệt, nước sạch sinh hoạt đã tới được các khu vực khó khăn cuối nguồn nước như Xa La tại quận Hà Đông, một số xã của huyện Thanh Trì dọc trên đường Quốc lộ 70 thông qua các Công ty cấp nước phân phối trên địa bàn Hà Nội như Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty CP VIWACO, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông… Trong đó, có những điểm thay thế chủ lực việc sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng như hệ thống giếng ngầm của các nhà máy nước phía Nam tại nút Pháp Vân.

Tiếp đó, khi khánh thành phân kỳ 2, Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ tiếp tục bổ sung cung cấp nước sạch cho các quận nội thành, khu vực trung tâm của thành phố Hà Nội; cung cấp nước sạch cho một số vùng bổ sung thuộc ngoại thành TP như huyện Ứng Hòa, Thanh Oai và khu vực phía Nam các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, các khu vực còn lại của huyện Đông Anh, Sóc Sơn… Bên cạnh đó, nhà máy còn bổ sung nước cho các xã thuộc huyện Văn Giang – Hưng Yên, Khu đô thị EcoPark, thị xã Từ Sơn, Khu đô thị công nghiệp VSIP (Bắc Ninh)…

Về chất lượng nước, đại diện nhà máy khẳng định họ đã tuân thủ các tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống). Bản thân tiêu chuẩn của Việt Nam cũng xây dựng theo nguyên mẫu tiêu chuẩn châu Âu. "Ở các nước, người ta có thể mở vòi ở trong bếp, toilet để lấy nước uống trực tiếp thì nước của chúng tôi cũng như vậy", ông Đỗ Văn Định tuyên bố.

Còn Chủ tịch HĐQT Đỗ Thị Kim Liên chia sẻ, để ra được giọt nước sạch theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế và đặc biệt được thế giới công nhận không hề đơn giản. "Nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết được giá trị của nước sạch, chưa phân biệt được nước thực sự vệ sinh và nước máy khác nhau thế nào. Bà con so nước sạch với nước ngầm sẽ bất công cho chúng tôi. Làm sao dùng nước sạch đúng nghĩa, đảm bảo sức khỏe mới là điều quan trọng", bà Liên nói.

Trong một văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Sở Tài chính thành phố cho biết giá nước tạm tính cho dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống là khoảng 10.246đ/m3. Cần lưu ý, đây không phải giá nước Nhà máy đang bán sỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch trực thuộc thành phố.

Hiện, chưa có thông tin về việc hệ thống cấp nước mạch Sông Đà và mạch Sông Đuống đã đấu nối với nhau. Trên thực địa, hệ thống cấp nước của hai doanh nghiệp này cũng tách rời nhau, do cấp cho hai khu vực khác nhau của Hà Nội. Thông báo của Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cũng không cho biết việc “mua tối đa nguồn từ nhà máy nước mặt Sông Đuống” là mua qua hệ thống ống cấp nước, hay mua bằng xe vận chuyển.

Trường hợp mua qua xe vận chuyển, với năng lực và số lượng xe chờ nước sạch của Hà Nội hiện nay, việc mua này là không khả thi. Do chi phí mua, vận chuyển quá cao, và cũng không giải quyết được nhu cầu tại các khu vực đang “khát nước”.  

Nhà máy nước mặt Sông Đuống vừa được khánh thành có công suất 300.000m3/ngày. Hiện, như bà Liên cho biết, Hà Nội mới mua được sản lượng nước tương đương 1/3 công suất mỗi ngày của nhà máy Sông Đuống. Như vậy, có thể thấy, nếu Hà Nội đấu nối liên thông được hệ thống cấp nước sạch, thì công suất cấp của Nhà máy nước mặt Sông Đuống thừa khả năng đáp ứng lượng thiếu hụt nước sạch do Sông Đà ngừng cấp (40.000m3/ngày).

Chất lượng nước đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế và châu Âu

Tập đoàn Aqua One được điều hành bởi Chủ tịch Hội đồng quản trị - bà Đỗ Thị Kim Liên (SN 1968, quê ở Vĩnh Phúc), hay còn gọi là Shark Liên, người biết đến trong thương vụ bạc tỷ và nhà sáng lập ứng dụng công nghệ bảo hiểm LIAN, cựu sáng lập bảo hiểm AAA…

Triết lý kinh doanh của Shark Liên là các dự án bà đầu tư có điểm chung ở tính nhân văn, duy trì các giá trị truyền thống. Bà đề cao những dự án về môi trường, vì cộng đồng cùng sự lan tỏa năng lượng tích cực.

Điểm đáng chú ý là dù được biết đến không nhiều, gần như kín tiếng, song Tập đoàn AquaOne đã và đang đầu tư nhiều dự án lớn với tổng rót vốn “khủng”, như: BOT Quốc lộ 14, BOT Quốc lộ 22&22B (hơn 4.000 tỷ đồng), nhà máy nước mặt Sông Hậu (2.000 tỷ đồng), nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình (mỗi dự án có vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng).

AquaOne của Shark Liên đồng thời là cổ đông chiến lược tại nhiều Công ty cấp thoát nước tại các tỉnh thành trên toàn quốc. Tập đoàn này đặt mục tiêu trở thành và không ngừng cải tiến để đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ môi trường tại Việt Nam.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy nước sạch sông Đuống của Shark Liên có gì đặc biệt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới