Thứ sáu, 29/03/2024 22:42 (GMT+7)

Sông Đáy - sông Nhuệ đang “oằn mình” gánh nước thải ô nhiễm

MTĐT -  Thứ năm, 20/08/2020 10:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm qua, sông Nhuệ- sông Đáy đang bị ô nhiễm nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong lưu vực.

Sông Nhuệ và sông Đáy hiện có nhiệm vụ quan trọng trong tiêu thoát nước lũ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, do hai con sông này bị ô nhiễm nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong lưu vực.

Nước sông ô nhiễm tác động xấu đến sản xuất

Hiện nay, mỗi ngày hàng chục nghìn mét khối nước thải, chất thải của làng nghề, hộ sản xuất, điểm công nghiệp... trên địa bàn các huyện: Hoài Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai... đổ trực tiếp ra sông Đáy mà không qua bất kỳ hệ thống xử lý nước thải nào. Hậu quả là người dân sinh sống ở vùng hạ lưu phải gánh chịu ô nhiễm nghiêm trọng.

Giống như sông Đáy, nguồn nước sông Nhuệ cũng oằn mình gánh lượng nước thải lớn khổng lồ đang bị ô nhiễm nặng từng ngày, từng giờ trong suốt nhiều năm qua mà chưa có bất cứ một giải pháp cụ thể nào để giải quyết tình trạng này.

Theo kết quả giám sát cuối năm 2019 của Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, nước sông Nhuệ có hàm lượng chất thải hữu cơ trong nước vượt quá giới hạn từ 2 đến 9 lần; hàm lượng amoni - gây suy giảm chất lượng nước, vượt quá giới hạn từ 0,4 đến 11 lần…

Giống như sông Đáy, nguồn nước sông Nhuệ cũng oằn mình gánh lượng nước thải lớn khổng lồ đang bị ô nhiễm nặng từng ngày, từng giờ trong suốt nhiều năm qua

Mới đây, theo Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả tính toán giá trị WQI (chỉ số chất lượng nước được tính theo thang điểm) trên 5 lưu vực sông khu vực phía Bắc đợt 4/ 2020 (tháng 5/2020) cho thấy chất lượng môi trường nước sông được cải thiện hơn so với cùng kỳ quan trắc năm 2019.

Trong số 185 điểm quan trắc trên 5 lưu vực sông, có đến 131/185 điểm (chiếm 71%) tổng số điểm quan trắc đạt mức tốt đến rất tốt, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác.

Có 15/185 điểm quan trắc bị ô nhiễm nặng (chiếm 8,1%), xác định tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực sông Cầu (2 điểm), lưu vực sông Nhuệ - Đáy (13 điểm). Nguyên nhân, do tiếp nhận nước thải sinh hoạt của Thành phố Hà Nội, Thành phố Thái Nguyên, Thành phố sông Công và nước thải làng nghề (tỉnh Bắc Ninh).

Đâu là nguyên nhân gây ô nhiễm dòng sông?

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lưu vực sông Nhuệ -  sông Đáy là một trong những lưu vực sông có chất lượng môi trường nước sông kém nhất trong số các lưu vực sông khu vực phía Bắc, có tới 62% số điểm quan trắc cho kết quả WQI

Đoạn sông Nhuệ chảy qua Thành phố Hà Nội không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2019, ô nhiễm cục bộ vẫn tiếp diễn từ điểm Phúc La tới điểm Cống Nhật Tựu (WQI: 10-25).

"Nguyên nhân, do tiếp nhận nước thải sinh hoạt cũng như nước thải làng nghề của Thành phố Hà Nội. Môi trường nước sông được cải thiện dần khi chảy qua địa phận tỉnh Hà Nam, tại đây, nước sông Nhuệ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác (WQI: 26-50)" - Tổng cục Môi trường cho hay.

Bảng quy đổi chỉ số chất lượng nước được tính theo thang điểm.

Với chỉ số này, nước sông Nhuệ - sông Đáy không thể dùng với mục đích sinh hoạt, tưới tiêu.

Vào tháng 3/2020, trao đổi với báo chí Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở đang phối hợp với các địa phương xác định mức độ ô nhiễm, đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về xả thải ra môi trường. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành siết chặt công tác thẩm định, cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thuộc lưu vực các sông… Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập đề án, tham mưu thành phố hỗ trợ kinh phí cho các làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhanh chóng xây dựng công trình xử lý nước thải đầu mối, thu gom nước thải tập trung…

Thành phố Hà Nội  đang tập trung hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, thực hiện việc tách nước thải để xử lý tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông. Trong đó, đối với sông Nhuệ và sông Đáy, thành phố Hà Nội triển khai từng bước chương trình thu gom và xử lý nước thải trên lưu vực sông.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Sông Đáy - sông Nhuệ đang “oằn mình” gánh nước thải ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới