Thứ năm, 25/04/2024 07:42 (GMT+7)

Sử dụng nước và nhận thức của người dân ở vùng ĐB Sông Cửu Long

MTĐT -  Thứ năm, 07/09/2017 15:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện trạng sử dụng nước và nhận thức của người dân ở vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long

Tóm tắt:
Hiện nay, tại các vùng nông thôn và ven đô thị, người dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt và ăn uống. Các nguồn nước được khai thác chủ yếu là nguồn nước ngầm (giếng khoan) và nguồn nước mưa. Nước ngầm được khai thác từ các giếng khoan hộ gia đình, phục vụ cho tắm giặt và nước mưa được thu gom sử dụng cho ăn uống. Tuy nhiên, các biện pháp thu gom, xử lý, vận hành các công trình cấp nước tại các hộ gia đình chưa đáp ứng được chất lượng nước theo các quy chuẩn hiện hành. Qua quá trình điều tra, khảo sát tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã cho thấy một bức tranh sinh động về việc khai thác, xử lý, sử dụng các nguồn nước tại các hộ gia đình khu vực nông thôn cũng như cung cấp nhiều thông tin hữu ích về nhận thức của người dân trong việc xử lý, sử dụng nước. Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu cũng đưa ra một số các biện pháp giúp người dân tiếp cận với các biện pháp thu gom, lưu trữ, xử lý nguồn nước một cách hợp lý, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng nước.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn năm 2013 [1], tỷ lệ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 82,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng nước đạt QCVN 02/2009/BYT đạt 38,7%. Tại Hà Nam, tỷ lệ dân sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ đạt 77%, thấp hơn so với trung bình chung của cả nước (82%) và của khu vực Đồng bằng sông Hồng (87%). Tại một số địa phương của tỉnh Hà Nam, các nguồn nước được người dân sử dụng là nước ngầm và nước mưa. Nguồn nước mặt bị ô nhiễm nặng từ quá trình sinh hoạt của con người, nguồn nước máy tại một số địa phương chưa được cung cấp. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều tỉnh khác thuộc Đồng bằng sông Hồng, nước ngầm tại Hà Nam nằm trong khu vực bị ô nhiễm sắt, asen nồng độ cao (Trần Hồng Côn và các cộng sự, 2012 [6]). Người dân chỉ sử dụng nước ngầm cho tắm rửa, giặt giũ và dùng nước mưa cho các mục đích ăn uống. Trên thế giới, thu gom nước mưa vẫn được khuyến khích thay thế hoặc bổ sung cho nguồn cung cấp nước hộ gia đình ở các vùng nhiệt đới (Thomas & Martinson, 2007 [12]). Tuy nhiên việc thu gom, xử lý và lưu trữ nước mưa tại các hộ gia đình chủ yếu vẫn dựa vào thói quen, nếp sống lâu đời, chưa có các khảo sát, nghiên cứu đánh giá đúng mức hiện trạng dùng nước và thu gom, xử lý, lưu trữ nước mưa tại địa phương. Nhận thức, hiểu biết của người dân trong quá trình thu gom, xử lý và lưu trữ nước mưa, chất lượng nước mưa vẫn còn nhiều hạn chế. Để tìm hiểu các vấn đề còn tồn tại, chúng tôi đã tiến hành điều tra, đánh giá điều kiện kinh tế - xã hội, hiện trạng, các thói quen dùng nước của người dân, đánh giá chất lượng nguồn nước, điều kiện vệ sinh trong khai thác xử lý, lưu trữ và sử dụng các nguồn nước tại các hộ gia đình, nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước ở các hộ gia đình tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Từ đó chỉ ra các biện pháp giúp mgười dân nâng cao nhận thức, kỹ năng vận hành hệ thống nước mưa tại hộ gia đình hiện nay.
2. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Phạm vi và đối tượng nghiên cứu: Hiện trạng sử dụng nước tại 234 hộ gia đình thuộc 2 xã Ngọc Sơn (185) và Đại Cương (49), Huyện Kim Bảng, Tỉnh Hà Nam trong khoảng thời gian từ tháng 5 - 12/2015. Khu vực nghiên cứu là khu vực sản xuất nông nghiệp truyền thống, người dân trồng lúa, cây màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô hộ gia đình đặc trưng cho khu vực nông thôn Đồng bằng sông Hồng. Hiện trạng cấp nước của hai xã còn nhiều hạn chế, các hộ gia đình chưa được tiếp cận với nguồn nước máy của thành phố hay các trạm cấp nước tập trung nông thôn, 100% nguồn nước sử dụng chính của các hộ gia đình được lấy từ hai nguồn là nước ngầm và nước mưa.
Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng phương pháp khảo sát thực địa bằng bộ câu hỏi phỏng vấn trực tiếp tại các hộ gia đình, tiến hành lấy mẫu đo đạc các chỉ tiêu hiện trường bao gồm: pH, TDS, DO, ToC, EC; lấy mẫu và phân tích trong phòng thí nghiệm các chỉ tiêu vi sinh Ecoli và Coliform , sử dụng các phương pháp chuẩn xét nghiệm nước và nước thải (SMEWW) hoặc các tiêu chuẩn Việt Nam tương đương (TCVN).
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Thông tin chung về các đối tượng nghiên cứu
Tổng số hộ gia đình khảo sát là 234 hộ, tập trung tại hai xã Ngọc Sơn (185 hộ) và Đại Cương (49 hộ). Đối tượng phỏng vấn đều trên 18 tuổi, trong đó phần lớn là trên 40 tuổi (83,76%), đây cũng là thành viên chính trong hộ gia đình được khảo sát. Có đến 78,63% người được hỏi có thời gian sống ở địa phương trên 40 năm. 51,28% người được hỏi đã tốt nghiệp cấp 2 trở lên, trong khi đó số người chưa hoàn thành chương trình cấp 2 và không trả lời là 42 người (17,95%).
3.2. Hiện trạng sử dụng nước
a. Hiện trạng sử dụng nước sinh hoạt
Các mục đích dùng nước sinh hoạt của người dân bao gồm: tắm giặt, vệ sinh, rửa xe, rửa sân, tưới cây, tắm cho gia súc, tưới rau… Nguồn nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt của các hộ gia đình chủ yếu lấy từ nguồn nước ngầm bằng việc sử dụng giếng khoan (59,4%) và giếng khơi (34,62%). 31,20% số hộ sử dụng nước mưa cho mục đích sinh hoạt, trong khi đó nguồn nước sông có 18 hộ (7,69%), duy nhất có 01 hộ sử dụng nguồn nước bình cho mục đích sinh hoạt. Trong số các hộ khảo sát có 71 hộ sử dụng đồng thời nhiều nguồn nước cho mục đích sinh hoạt, chiếm 30,34%.

Bảng 1. Các nguồn nước dùng cho sinh hoạt và phương pháp xử lý

--

Lý do các hộ gia đình lựa chọn nguồn nước cho sinh hoạt chủ yếu do thói quen sử dụng, truyền thống “từ xưa đến nay” vẫn dùng (chiếm 53,85%) và mọi người “xung quanh đều sử dụng” mang tính cộng đồng (14,53%), điều này cho thấy người dân vẫn chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của chất lượng nước. Trong khi đó chỉ có 37 người được hỏi (15,81 %) lựa chọn nguồn nước do thấy nước “sạch và an toàn” và 4,27% người được hỏi lựa chọn nguồn nước do giá thành rẻ, không phải đóng phí sử dụng nước hàng tháng mà chỉ mất chi phí khoan giếng và tiền điện chạy máy bơm.
Bảng 2. Lý do lựa chọn nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt và nguồn nước mong muốn được sử dụng

--

Qua khảo sát, 80,77% hộ gia đình mong muốn sử dụng nguồn nước máy - nước sạch và 13,25% hộ hài lòng với nguồn nước đang sử dụng và không muốn chuyển sang sử dụng nguồn nước khác. Từ kết quả khảo sát có thể thấy hầu hết các hộ vẫn chưa hài lòng, chưa tin tưởng vào chất lượng nguồn nước đang sử dụng.
b. Hiện trạng sử dụng nước cho mục đích ăn uống
Nguồn nước dùng cho mục đích ăn uống và phương pháp xử lý nước cho mục đích ăn uống được mô tả ở bảng 3.
Bảng 3. Nguồn nước sử dụng cho ăn uống và phương pháp xử lý

--

Nguồn nước được sử dụng cho ăn uống của các hộ gia đình chủ yếu được lấy từ nguồn nước mưa, có tới 223/234 hộ sử dụng nguồn nước mưa cho mục đích ăn uống, chiếm tới 95,3%. Chỉ có 9 hộ sử dụng nguồn nước giếng khoan và 4 hộ sử dụng nước đóng bình, chiếm lần lượt 3,85% và 1,71%. Nếu so sánh các con số này với một nghiên cứu, khảo sát tương tự tại 619 hộ dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2011 của Semra Özdemir và cộng sự [11] thì tỉ lệ các hộ sử dụng nước mưa cho mục đích uống là 85% và nấu ăn 78%, chỉ có 9% và 17% hộ gia đình sử dụng nước giếng khoan cho mục đích uống và nấu ăn. Như vậy tại Kim Bảng, Hà Nam có tỉ lệ người dân sử dụng nước mưa cao hơn nhiều so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Có 73 hộ chiếm 31,2% sử dụng nước mưa cho sinh hoạt nhưng có tới 223 hộ chiếm 95,3% sử dụng nước mưa cho ăn uống, như vậy có thể thấy ưu tiên của người dân là sử dụng nước mưa cho ăn uống.
Phương pháp xử lý nước cho mục đích ăn uống được người dân sử dụng phổ biến là đun sôi rồi sử dụng (88,03%). Đây là phương pháp xử lý có giá thành rẻ và hiệu quả trong xử lý vi trùng, vi khuẩn có mặt trong nước và đã được người dân áp dụng từ lâu. Theo các khuyến cáo của Bộ Y tế [2], việc đun sôi nước ở 105oC và duy trì đun trong 10 phút có thể tiêu diệt hoàn toàn các vi khuẩn có mặt trong nước. Bên cạnh đó, một phương pháp xử lý quen thuộc khác là sử dụng bể lọc cát cũng được nhiều hộ gia đình sử dụng chiếm 14,96%, 13,25% hộ sử dụng máy lọc nước và 21,79% số hộ sử dụng đồng thời nhiều phương pháp để xử lý nước cho ăn uống. Có thể thấy, hầu hết người dân nhận thức được cần phải có biện pháp xử lý nước trước khi sử dụng cho ăn uống để đảm bảo các điều kiện vệ sinh. Chỉ có 11 người sử dụng hình thức uống trực tiếp nước mà không qua xử lý chiếm 4,7%, nguồn nước họ sử dụng là nguồn nước mưa, việc họ không sử dụng biện pháp xử lý liên quan tới thói quen sử dụng nước và điều kiện kinh tế của gia đình.
Để đánh giá chất lượng các nguồn nước dùng cho mục đích ăn uống, chúng tôi đưa ra bộ câu hỏi để người dân đánh giá một cách định tính về các nguồn nước giếng khoan, nước mưa, nước đóng bình, nước lọc qua máy lọc và nước máy. Kết quả đánh giá được thể hiện ở Hình 1. Nguồn nước máy là nguồn được người dân đánh giá có chất lượng cao nhất khi có 21,8% đánh giá bình thường, 46,6% và 17,1% đánh giá là sạch và rất sạch, đây là nguồn nước người dân chưa được sử dụng và mong muốn được chuyển sang sử dụng nhiều nhất. Khi được hỏi, người dân hầu hết đều tin tưởng vào chất lượng nguồn nước máy. Chất lượng nguồn nước được lọc qua máy lọc cũng được người dân đánh giá cao khi có tới 51,3% ý kiến đánh giá sạch, 11,1% đánh giá là rất sạch và 21,8% đánh giá bình thường, tuy nhiên vẫn có 2,1% đánh giá là bẩn. Có thể thấy, nguồn nước máy và nguồn nước qua máy lọc là hai nguồn được người dân tin tưởng và đánh giá cao nhất.

--Hình 1. Đánh giá của người dân về các nguồn nước dùng cho mục đích ăn uống

Các nguồn nước còn lại bao gồm nước giếng khoan, nước mưa và nước đóng bình chủ yếu được người dân đánh giá là bình thường, tỷ lệ lần lượt 51,3% với nguồn nước máy, 45,3% với nguồn nước mưa, 46,7% đối với nguồn nước bình có giá dưới 30000 VNĐ và 45,7% với nguồn nước bình có giá trên 30000 VNĐ. Nguồn nước mưa được người dân đánh giá có chất lượng cao hơn so với nguồn nước giếng khoan, chỉ có 19,7% và 0,9% đánh giá nguồn nước giếng khoan là sạch và rất sạch trong khi đó có 41,9% và 0,4% đánh giá nguồn nước mưa là sạch và rất sạch. Nước giếng khoan là nguồn nước được đánh giá thấp nhất khi có 3,4% và 24,8% ý kiến đánh giá là rất bẩn và bẩn, nguồn nước bình giá rẻ (dưới 30000 VNĐ) cũng không được người dân đánh giá cao khi có 1,3% và 13,7% đánh giá là rất bẩn và bẩn, không có ý kiến nào đánh giá nguồn nước mưa là rất bẩn, có 12% đánh giá nguồn nước mưa là bẩn.
Như vậy trong 7 nguồn nước được người dân đánh giá thì chất lượng nước mưa xếp ở vị trí thứ 4, xếp sau nguồn nước máy, nước sau máy lọc và nước bình có giá trên 30000 VNĐ. Nhưng thực tế, nếu chỉ xét trên những nguồn nước đang sử dụng thì nguồn nước mưa đứng thứ 2 chỉ sau nguồn nước sau máy lọc.
c. Hiện trạng sử dụng nguồn nước mưa
Trong số 234 hộ được khảo sát có tới 98,29% số hộ có thu hứng nước mưa, chỉ có 1,71% số hộ không thu hứng nước mưa. Nước mưa được thu hứng từ các mái ngói, mái tôn, trần bê tông rồi đưa vào các bể chứa xây gạch trát vữa bê tông, nước mưa được lưu trữ và sử dùng dần. Các hộ gia đình sử dụng nước mưa cho hai mục đích chính là làm nước uống (94,35%) và để nấu ăn (99,13%), các mục đích sử dụng khác có tỷ lệ tượng đối thấp, cụ thể sử dụng nước mưa để rửa mặt, tắm có 10,43% hộ sử dụng, cho mục đích giặt giũ và vệ sinh lần lượt là 6,96% và 4,35%.

--

--Hình 2: Tần suất vệ sinh bể nước mưa và mái thu nước mưa 

Bể chứa lưu trữ nước mưa được người dân vệ sinh định kỳ, tần suất 1 năm/lần chiếm tỷ lệ cao nhất 64,78%, tần suất 2 năm/lần có tỷ lệ 13,48%, tần suất 1 năm 2 - 3 lần có tỷ lệ 14,78%. Thông thường trước khi mùa mưa bắt đầu hoặc khi bể cạn, các hộ gia đình tiến hành thau rửa bể, phơi bể, chờ mùa mưa sắp đến. Theo khảo sát, các bể chứa lưu trữ nước mưa thường dùng bể xây gạch, đáy và mái đổ bê tông, trát vữa bê tông các mặt, chống thấm bằng nước xi măng. Các bể có dung tích lớn 3m3- 5m3 đảm bảo lượng nước sử dụng cho ăn uống được cả năm, cá biệt có những bể có dung tích lên đến gần 10 m3 có thể tích trữ nước mưa đủ cấp cho ăn uống (30l/ngày) trong 2 năm cho một hộ gia đình 4 người.
23% hộ gia đình vệ sinh định kỳ mái thu nước mưa 2 - 3 lần/năm, 20% vệ sinh 1 lần/năm, 18% vệ sinh 1 tháng/lần. Tất cả các hộ đều có thói quen vệ sinh mái thu nước mưa để thu được chất lượng nước mưa tốt hơn. Hình thức vệ sinh mái của các hộ chủ yếu là quét dọn, thu rác và lá cây trên mái và máng thu.
Các trận mưa đầu mùa, trái mùa, nước mưa đợt đầu đều được hầu hết các hộ gia đình loại bỏ. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy mái nhà thường bị ô nhiễm với nhiều các chất ô nhiễm như các hạt bụi trong khí quyển, phân chim, lá và các mảnh vụn khác (Cunliffe, 1998 [8]; Fewkes, 2006 [9]). Khi trời mưa, một số các chất ô nhiễm từ bề mặt thu gom bị cuốn theo dòng nước mưa chảy tràn. Cường độ mưa và số ngày khô trước một trận mưa ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng của nước mưa chảy tràn, với thời gian dài khô kéo dài dẫn đến tăng tải lượng các chất ô nhiễm trong nước mưa từ các bề mặt thu gom (Gould & Nissen-Peterson, 1999 [10]). Chính vì thế việc loại bỏ nước mưa đợt đầu sẽ giúp thu được nước mưa có chất lượng tốt nhất. Các hộ gia đình không sử dụng các thiết bị tách nước mưa đợt đầu mà chủ yếu lấy theo thời gian loại bỏ nước mưa đợt đầu bằng cách điều chỉnh đường ống đưa nước mưa vào bể hay không đưa vào bể, thời gian loại bỏ nước mưa đợt đầu của các hộ gia đình được mô tả cụ thể tại hình 3.
Từ hình 3 có thể thấy, 30% các hộ được hỏi dành tới trên 30 phút để loại bỏ nước mưa đợt đầu, 13% dành từ 20 - 30 phút, 14% dành từ 15 - 20 phút, 12% dành từ 10 - 15 phút. Tuy nhiên, 17% số hộ không biết/không trả lời cho câu hỏi, cho thấy một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa biết đến những ảnh hưởng xấu, chất lượng không tốt của nước mưa đợt đầu .

--Hình 3: Thời gian loại bỏ nước mưa đợt đầu tại các hộ gia đình

d. Chất lượng nước mưa và nước ngầm sau lọc cát lưu trữ trong bể chứa
Nước ngầm khai thác lên từ giếng khoan được các hộ gia đình lọc qua bể lọc cát nhỏ sau đó chứa vào các bể gạch 0,5 - 1m3 rồi bơm lên các két inox đặt trên mái. Trong khi đó, nước mưa được thu từ mái theo máng dẫn đưa vào lưu trữ tại các bể gạch - bê tông có dung tích lớn từ 3 - 5 m3. Chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu nước tại các bể chứa để phân tích các chỉ tiêu pH, TDS, độ đục, Coliform và Ecoli, kết quả được mô tả tại các hình 4.
pH của nước mưa có chỉ số tương đối cao dao động từ 7,55 - 9,62, trung bình là 8,30, trong khi đó pH của nước ngầm ổn định hơn dao động từ 6,61 - 7,68, trung bình là 7,19. pH của nước mưa cao hơn của nước ngầm, nguyên nhân có thể do nước mưa được lưu trữ lâu trong các bể chứa bê tông có dung tích lớn, tiếp xúc với bề mặt bê tông trong một thời gian dài 6 - 12 tháng, vì thế có thể diễn ra các quá trình hòa tan đá vôi và làm tăng pH của nước mưa (theo Cunliffe, D.A. 1998 [8]), trong khi đó nước ngầm được lưu trữ trong các bể inox, và bể gạch nhỏ thời gian lưu trữ ngắn 1- 2 ngày, chính vì thế pH nước ngầm tương đối ổn định và thấp hơn so với pH của nước mưa lưu trữ trong bể.

--Hình 4. Chất lượng nước mưa và nước ngầm lưu trữ trong bể chứa

Hàm lượng các chất hòa tan - TDS của nước mưa dao động từ 33 - 118 mg/l và trung bình là 78,57 mg/l thấp hơn rất nhiều so với TDS của nước ngầm (dao động từ 120 - 931 mg/l và trung bình là 468,78 mg/l), cho thấy trong nước mưa có hàm lượng chất rắn hòa tan thấp, tinh khiết hơn so với nước ngầm. So với QCVN01: 2009/BYT [5] quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước cho ăn uống thì chỉ tiêu TDS trong nước mưa cũng thấp hơn và hoàn toàn đảm bảo (< 500 mg/l).
Độ đục của nước mưa tương đối thấp trung bình là 0,65 FTU (dao động từ 0,24 - 2,07 FTU), của nước ngầm là 0,89 FTU (dao động từ 0,17 - 3,45 FTU), độ đục trong nước mưa tương đối ổn định và thấp hơn nước ngầm, chỉ có duy nhất 1 mẫu nước mưa có giá trị là 2,07 FTU lớn hơn giá trị quy định trong QCVN01: 2009/BYT [5] là 2mg/l, trong khi đó có tới 3 mẫu nước ngầm có độ đục vượt quá 2 mg/l.
Qua phân tích, tất cả các mẫu nước bao gồm cả nước mưa và nước ngầm lưu trữ trong bể chứa đều bị nhiễm bẩn vi sinh chỉ tiêu coliform, mức độ nhiễm bẩn của nước mưa cao hơn nước ngầm, nguyên nhân có thể là do nước mưa tiếp xúc với mái nhà và không khí nhiều hơn. Đặc biệt một số mẫu nước ngầm và nước mưa còn bị nhiễm bẩn Ecoli. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các hộ gia đình đều nuôi gia cầm, khoảng cách giữa các chuồng gia cầm và bể chứa tương đối gần, một số bể chứa không có nắp đậy, nắp đậy hở, đây có lẽ cũng là nguyên nhân gây nhiễm bẩn vi sinh trong các bể chứa. Theo nghiên cứu của Amin, M.T., Han, M.Y năm 2009 [7], việc sử dụng ánh sáng mặt trời có thể tiêu diệt được phần lớn các vi khuẩn sống trong nước. Người dân có thể sử dụng các lắp đậy bể chứa chế tạo bằng các vật liệu trong như kính hoặc mica để ánh sáng mặt trời có thể đi vào trong bể chứa và bố trí bể chứa tại những vị trí nhận được nhiều ánh sáng mặt trời, tuy nhiên cũng cần đề phòng đến sự phát triển của rêu trong bể chứa.
4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Nguồn nước sử dụng của các hộ gia đình tập trung chủ yếu từ nguồn nước ngầm khai thác từ các giếng khoan và nguồn nước mưa thu từ mái. Nguồn nước ngầm và nguồn nước mưa được sử dụng phổ biến tại khu vực nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ, khi có tới 93 % các hộ gia đình sử dụng nguồn nước ngầm cho mục đích sinh hoạt, trong khi đó 95,3% các hộ gia đình sử dụng nguồn nước mưa cho mục đích ăn uống. Người dân đánh giá nguồn nước mưa tốt hơn so với nguồn nước ngầm, tuy nhiên 80,77 % người dân mong muốn được sử dụng nước máy thay thế cho các nguồn nước đang sử dụng.
Các hộ gia đình lưu trữ nước mưa trong các bể có dung tích lớn để sử dụng quanh năm. 100% người dân có ý thức trong việc vệ sinh mái thu nước và bể chứa nước mưa định kỳ, tần suất vệ sinh mái là 1 năm vệ sinh 1 đến 2 lần, tần suất vệ sinh bể chứa là khoảng 1 năm 1 lần. Các hộ gia đình cũng có nhận thức trong việc không thu gom các trận mưa đầu mùa, cũng như loại bỏ nước mưa đợt đầu vì chất lượng nước các trận mưa đầu mùa và nước mưa đợt đầu là không tốt. Việc loại bỏ nước mưa đợt đầu của người dân chủ yếu căn cứ theo thời gian mưa, khoảng thời gian loại bỏ nước mưa đợt đầu tập trung chủ yếu là trong khoảng thời gian từ 10 phút đến trên 30 phút. Phương án dịch chuyển đường ống hoặc máng dẫn nước mưa vào bể để tách bỏ nước mưa là phương án được các hộ sử dụng, các thiết bị tách nước mưa đợt đầu chưa được áp dụng tại khu vực.
Theo đánh giá một số chỉ tiêu đo nhanh là pH, độ đục, TDS và chỉ tiêu vi sinh thì nước mưa lưu trữ trong bể chứa có chất lượng tốt hơn, sạch hơn so với nước ngầm, tuy nhiên cả nước mưa và nước ngầm đều bị nhiễm bẩn vi sinh, cần thiết phải đung sôi, khử trùng nước trước khi sử dụng cho ăn uống.
Hầu hết người dân khi được khảo sát đã có những nhận thức đúng đắn trong việc sử dụng nước tuy nhiên vẫn có một bộ phận không nhỏ (từ 17% - 20%) các hộ gia đình còn không biết, không trả lời trong các câu hỏi đánh giá về chất lượng nước, hay việc cần thiết phải loại bỏ nước mưa đợt đầu, từ đó cho thấy họ còn thiếu các hiểu biết về sử dụng nước an toàn. Trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu đã dành thời gian giải thích, tuyên truyền, phổ biến thêm các kiến thức về chất lượng nước, các kiến thức về sử dụng nước an toàn tại hộ gia đình./.
Các tác giả:
1Trần Hoài Sơn, 1Đào Anh Dũng, 1Đinh Viết Cường, 2Yonghwan Kim, 1Nguyễn Việt Anh
Khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng
2 Trung tâm Nghiên cứu nước mưa, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Báo cáo kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn năm 2013 .
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sổ tay Hướng dẫn cấp nước và trữ nước an toàn hộ gia đình, 2014 .
3. Ngô Hoàng Giang, Nghiên cứu đề xuất giải pháp thu gom và tái sử dụng nước mưa bền vững cho các đô thị Việt Nam, 2012 .
4. Bộ Y Tế. Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt. QCVN 02:2009/BYT.
5. Bộ Y Tế. Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống. QCVN 01:2009/BYT.
6. Trần Hồng Côn và các cộng sự, Bản đồ các khu vực nhiễm Asen (thạch tín) trên toàn quốc, 2012 .
7. Amin, M.T., Han, M.Y.,2009. Roof-harvested rainwater for potable purposes: application of solar collector disinfection (SOCODIS). Water Research 43, 5225-5235.
8. Cunliffe, D.A. (1998). Guidance on the use of rainwater tanks. National Environmental Health Forum Monographs, Water Series No. 3. Openbook Publishers, Australia.
9. Fewkes, A. (2006). The technology, design and utility of rainwater catchment systems. In: Butler, D. & Memon, F.A. (Eds). Water Demand Management. IWA Publishing. London. pp27-61.
10. Gould, J. & Nissen-Peterson, E. (1999). Rainwater catchment systems for domestic supply: design, construction and implementation. Intermediate Technology Publications, London.
11. Semra Özdemir và cộng sự. Rainwater harvesting practices and attitudes in the Mekong Delta of Vietnam. 2011
12. Thomas, T. & Martinson, D. B. Roofwater harvesting: A handbook for practitioners No. 49. IRC International Water and Sanitation Centre, Delft, The Netherlands, 2007.

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng nước và nhận thức của người dân ở vùng ĐB Sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành