Thứ sáu, 29/03/2024 08:28 (GMT+7)

Tăng cường hợp tác xử lý nước thải giữa Nhật Bản - Việt Nam

Thanh Hằng -  Thứ tư, 31/03/2021 15:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm.

Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Việc thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải, nhiều hệ thống xử lý công nghệ chưa phù hợp đã dẫn tới tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường, đe dọa đến môi sinh và trở thành thách thức lớn cho các đô thị ở Việt Nam.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý chỉ đạt khoảng 13%.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội,tính đến hết năm 2019, Hà Nội có khoảng 5.735,44 km cống rãnh; 254,2 km mương, sông, kênh; 40.407 ga thu; 110.025 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính. Hiện nay thành phố đã có 6 nhà máy xử lý nước thải đưa vào hoạt động gồm: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long – Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000 m3/ ngày đêm). Các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường.

Cuộc họp định kỳ lần thứ 14 về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực thoát nước ,xử lý nước thải giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) diễn ra tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến.

Đã có rất nhiều ý kiến tham luận bàn về lĩnh lực nói trên tại cuộc họp định kỳ lần thứ 14 về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) theo hình thức trực tuyến vừa diễn ra ngày 25-3-2021.

PGS.TS Mai Thị Liên Hương cho biết, từ năm 2010, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT đã ký Biên bản hợp tác trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải với các mục tiêu ưu tiên về hỗ trợ hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy hoạch thoát nước, chống ngập úng đô thị, công nghệ xử lý nước thải, bùn thải… Trên cơ sở Biên bản hợp tác, hai Bộ đã tổ chức 13 cuộc họp song phương định kỳ để đánh giá các hoạt động đã thực hiện và thống nhất các kế hoạch hoạt động thời gian tiếp theo.

Bên cạnh đó, các dự án hợp tác song phương giữa chính quyền các địa phương (TP. Hải Phòng và TP. Kitakyushu; TP. Hồ Chí Minh và TP. Osaka; TP. Hà Nội và TP. Yokohama; tỉnh Kiên Giang và TP. Kobe; tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Shiga) đã được triển khai và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và ông UEMATSU Ryuji - Cục trưởng Cục quản lý thoát nước và xử lý nước thải MLIT ký kết Biên bản hợp tác tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận và đánh giá các kết quả hợp tác liên quan đến 5 lĩnh vực ưu tiên đã được thống nhất trong Biên bản hợp tác gần nhất được ký kết ngày 6/3/2017, gồm có: hỗ trợ xây dựng và thực thi hệ thống văn bản pháp luật; ứng phó với những thách thức trong công tác quy hoạch và triển khai hệ thống thoát nước, xử lý nước thải; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác giữa các thành phố, doanh nghiệp 2 nước; triển khai Dự án Trung tâm Thoát nước Việt Nam. Theo đánh giá của các đại biểu dự họp, 5 lĩnh vực ưu tiên này đã được các bên liên quan phối hợp triển khai tích cực và đạt được những mục tiêu đề ra.

Trong thời gian tới, từ tháng 4/2021 - 3/2022, hai bên nhất trí sẽ tăng cường phối hợp và tập trung thực hiện các hoạt động trọng tâm sau: Dự thảo Thông tư quy định các công trình hạ tầng kỹ thuật để thu gom và thoát nước thải tại các đô thị và khu dân cư tập trung; nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực thoát nước; tăng cường khung pháp lý tại Việt Nam, trong đó có Luật Thoát nước; chỉnh sửa Tiêu chuẩn Khoan kích ngầm dành cho Việt Nam (Sách Đỏ); đánh giá, hướng tới hình thành dự án tại TP. Vinh và các địa phương khác.

Bà Mai Thị Liên Hương cho biết: những kinh nghiệm về mặt kỹ thuật của các chuyên gia cùng với sự hỗ trợ về công nghệ, nguồn lực từ Nhật Bản sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy cải thiện hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và công tác quản lý thoát nước, xử lý nước thải, chống ngập úng cho các đô thị Việt Nam./.

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường hợp tác xử lý nước thải giữa Nhật Bản - Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.