Thứ ba, 19/03/2024 09:18 (GMT+7)

Thái Nguyên: Dự án nước sạch nhiều tỷ đồng chậm tiến độ gây lãng phí

MTĐT -  Thứ hai, 23/11/2020 14:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án xây dựng hệ thống nước sinh hoạt xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên là công trình cấp IV được đầu tư trên 10,197 tỷ đồng, triển khai thi công chậm tiến độ khiến người dân bức xúc.

Thời gian qua người dân xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên búc xúc vì Dự án nước sạch hơn 10 tỷ đồng, do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư, triển khai thi công chậm tiến độ, lãng phí ngân sách nhà nước và tiền của đóng góp của nhân dân; gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nơi đây.

Ông Hoàng Quốc Nghĩa, Trưởng xóm Đồi Chè, xã Cổ Lũng chỉ cho phóng viên biết những chỗ đơn vị thi công đào chôn đường ống chưa được hoàn trả nguyên trạng khiến người dân bức xúc, lo lắng mất an toàn giao thông.

Dự án xây dựng hệ thống nước sinh hoạt xã Cổ Lũng là công trình cấp IV (thuộc Dự án mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn tỉnh Thái Nguyên) được đầu tư trên 10,197 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn: Nguồn vốn đầu tư Ngân hàng thế giới (WB); Vốn đối ứng ngân sách tỉnh Thái Nguyên; Vốn góp của người dân hưởng lợi. Tổng diện tích đất sử dụng 1.760m2. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2017-2018.

Dự án cấp nước 9 – Cấp nước sinh hoạt xã Cổ Lũng, được UBND tỉnh Thái Nguyên ký Quyết định phê duyệt đầu tư số 3465 ngày 07/11/2017, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư. Mục tiêu của Dự án nhằm cấp nước sinh hoạt phục vụ đời sống cho 519 hộ dân thuộc 07 xóm trên địa bàn xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên); đồng thời tăng cường tiếp cận bền vững tới nước sạch và vệ sinh nông thôn, tăng số người dân được được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Công trình nước sạch dang dở, cửa nhà dân bị đào bới lâu, ảnh hưởng ân toàn giao thông.

Nguồn vốn đầu tư Ngân hàng thế giới (WB) 9.016.050.600 đồng; Vốn đối ứng ngân sách tỉnh 680.891.700 đồng; Vốn góp của người dân hưởng lợi 500.891.700 đồng.

Đối với vùng nông thôn, Dự án cấp nước 9 – Cấp nước sinh hoạt xã Cổ Lũng, (thuộc dự án Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn tỉnh Thái Nguyên) là dự án “khủng”: Tổng mức đầu tư công trình trên 10,197 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 7,084 tỷ đồng; chi phí thiết bị 457.795.000 đồng; chi phí quản lý dự án 178.454.635 đồng; chi phí đầu tư xây dựng 1.692.524.045 đồng, chi phí giả phóng mặt bằng 180.000.000 đồng, chi phí khác 407.994.745 đồng, chi phí dự phòng 196.428.118 đồng.

Theo đề án, đến năm 2020 sẽ có 95% số người dân trên địa bàn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng đến nay đường nước... vẫn không có nước (!?).

Mục tiêu đặt ra là như vậy, thế nhưng sau nhiều năm triển khai thi công với tiến độ "rùa bò" đến nay công trình vẫn“be bét” trước cửa hàng trăm hộ dân rên địa bàn xã Cổ Lũng, nước sạch thì không có, đường bị đào bới mấp mô, bụi bẩn, khiến người dân bức xúc, nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng tại cuộc họp tiếp xúc cử tri trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay công trình xây dựng đường nước sinh hoạt xã Cổ Lũng vẫn "án binh bất động", gây lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là đối với các hộ ven quốc lộ 3.

Ông Hoàng Quốc Nghĩa, trưởng xóm Đồi Chè, xã Cổ Lũng, bức xúc phản ánh với phóng viên: Dự án nước sạch trên địa bàn xã được triển khai vào cuối năm 2017, trong quá trình thi công đã đào toàn bộ vỉa hè để hạ đường ống dẫn nước. Với mong muốn có nước sạch, người dân nơi đây tích cực hưởng ứng chủ trương, đóng góp tiền của, công sức ủng hộ. Thế nhưng sau thời gian dài triển khai thi công, nhiều hộ dân trong xóm chúng tôi vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Không những thế, toàn bộ hành lang, vỉa hè bị đào xới ngổn ngang chưa được trả lại hiện trạng như lúc ban đầu khiến người dân đi lại gặp khó khăn, đường sá nhếch nhác, mưa bẩn, nắng bụi, người dân phải chờ đợi và phản ánh ý kiến trưởng xóm.

Ông Nghĩa cho biết thêm: Lãnh đạo xóm đôn đốc thì dự án lại triển khai được vài ngày, sau đó lại dừng. Dự án chậm, kinh phí đầu tư không phát huy hiệu quả phục vụ sinh hoạt, người dân đã nộp tiền đóng góp kinh phí xây dựng, nhưng nước sạch không được dùng, khiến bà con bức xúc. Thiết bị cấp nước không được đưa vào vận hành, song vẫn khấu hao, xuống cấp, lãng phí tiền của nhà nước và người dân.

Ông Vũ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (bên trái ảnh) khẳng định, tiến độ dự án chậm đương nhiên gây lãng phí.

Để làm rõ nội dung trên, phóng viên Báo điện tử TN&MT vừa có bổi làm việc với ông Vũ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, ông Cương cho biết: Việc triển khai dự án chậm dẫn đến lãng phí ngồn vốn là điều chắc chắn. Trong quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian thực hiện dự án là 2017 - 2018, nhưng nay đã cuối năm 2020 mà vẫn chưa xong. Dự án Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên triển khai dự án chậm tiến độ là do khảo sát, khi thiết lập hồ sơ chưa tính toán kỹ, nhất là đối với việc hạ đường ống ven quốc lộ. Công trình chậm hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân trên địa bàn xã chưa có nước sạch để dùng, hành lang vỉa hè bị đào xới gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, cử tri ý kiến rất nhiều lần, xã cũng đã báo cáo cấp trên, song dự án vẫn dậm chân tại chỗ, xã chỉ là đơn vị thụ hưởng, quyền hạn có mức độ. Chính quyền xã Cổ Lũng kiến nghị cơ quan chức năng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công để công trình sớm đưa vào phục vụ đời sống dân sinh, tránh lãng phí ngân sách nhà nước, của nhân dân.

 Theo Nguyễn Kiều - Xuân Vũ/ Báo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Dự án nước sạch nhiều tỷ đồng chậm tiến độ gây lãng phí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Nam khai thác và phát huy lợi thế từ đa dạng sinh học
Năm 2021, Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là địa phương đầu tiên thực hiện Đề án Thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Năm 2024, Quảng Nam tiếp tục là địa phương đầu tiên được chọn đăng cai các hoạt động về đa dạng sinh học.
Thẩm định kế hoạch sử dụng đất tỉnh Thái Nguyên
Ngày 14/3, tại trụ sở Bộ TN&MT, Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã tổ chức thẩm định kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 -2025) của tỉnh Thái Nguyên.

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
Đặc sắc rừng dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Cây dó trầm mọc nhiều ở miền núi Hương Khê, nhưng người dân địa phương chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi nhóm người ngoại tỉnh đến mua. Điều này đã khơi dậy sự quan tâm về bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên.