Thứ năm, 18/04/2024 14:18 (GMT+7)

Thử đi tìm nguyên nhân ngập lụt ở TP.HCM

Kiêm Hào -  Thứ tư, 01/11/2017 09:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP.HCM có các quy hoạch chống ngập úng như Quy hoạch 752 từ năm 2001 đến 2020 (Quyết định số 752/QĐ-TTg, “Phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 19/6/2001); Quy hoạch 1547 năm từ 2008 do Thủ tướng chính phủ ban hành (Quyết định số 1547/QĐ-TTg, “Phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 28/10/2008).

Vốn bạc chục ngàn tỷ: Ngập vẫn ngập?

Tổng mức đầu tư để thực hiện đầy đủ các nội dung theo Quy hoạch 1547 là hơn 65.000 tỷ đồng, Quy hoạch 752 có thể lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Đến hết năm 2015 số vốn đã được đầu tư cho các dự án là 28.778 tỷ đồng. Các dự án thuộc quy hoạch 752, tổng vốn đã bố trí khoảng 24.300 tỷ đồng. Ngoài ra TP.HCM dự kiến chi hơn 71 nghìn tỷ đồng cho dự án chống ngập.

Đến đầu năm 2017, thành phố còn 171 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường hoặc hẻm phân cấp quận, huyện quản lý; 40 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường lớn phân cấp Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố quản lý và 9 điểm ngập do triều cường.

TP.HCM có địa hình tương đối bằng phẳng và thấp với một số gò triền phía Tây-Bắc và Đông-Bắc, độ cao mặt đất có xu hướng giảm dần từ phía Tây-Bắc về phía Nam và Đông Nam.

Khu vực có dạng gò triền lượn sóng phân bố lớn ở các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, phía Bắc quận Thủ Đức, Quận 9, phía Bắc huyện Bình Chánh. Cao độ từ 4-10m chiếm khoảng 19% tổng diện tích; vùng có độ cao trên 10m chiếm 11% tổng diện tích.

Khu vực địa hình dạng thấp phân bổ ở nội thành phố, phần đất của huyện Hóc Môn, quận Thủ Đức nằm dọc theo sông Sài Gòn và phần phía Nam huyện Bình Chánh. Cao độ thay đổi từ 2-4m chiếm khoảng 15% diện tích.

Khu vực địa hình dạng trũng thấp tạo thành một vệt kéo dài từ phía Nam huyện Củ Chi. Cao độ từ 0-2m chiếm khoảng từ 55% diện tích đất (cao độ Quốc gia).

Xét về điều kiện thủy văn: Nằm ở vùng lưu vực hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, chế độ thủy văn - thủy lực của kênh rạch, sông ngòi không những chịu ảnh hưởng của địa hình thành phố (phần lớn thấp dưới 2m) chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều biển đông mà còn chịu tác động rất rõ nét của việc khai thác các hồ bậc thang ở thượng lưu hiện nay và trong tương lai như các hồ chứa Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ…

Hệ thống sông rạch chằng chịt với tổng chiều dài 7.955 km. Tổng diện tích mặt nước chiếm 16%. Phần địa hình thấp trũng có độ cao dưới 2m và mặt nước chiếm 61% diện tích tự nhiên, lại nằm trong vùng cửa sông với nhiều công trình điều tiết lớn ở thượng nguồn nên nguy cơ ngập úng lớn.

Tổng lượng mưa trung bình TP.HCM khá cao từ 1.800mm đến 2.700mm, tập trung vào 7 tháng, từ tháng Năm đến tháng Mười một chiếm tới 90% lượng mưa.

Do trong năm có 2 mùa chính mùa mưa và mùa khô, nên chế độ dòng chảy ở 2 hệ thống sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cũng hình thành 2 chế độ dòng chảy tương ứng. Đồng thời do tác động của  biển Đông nên các sông rạch của vùng nội thành TP.HCM chịu ảnh hưởng triều cường một cách mạnh mẽ và quanh năm. Đây là chế độ bán nhật chiều thể hiện qua các dao động:

Dao động ngày: Ngày 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống, đỉnh triều lùi so với ngày trước là 50 phút.

Dao động tuần trăng: Trong tháng có 2 lần triều lên (ngày 27 tháng trước và ngày mùng 5 tháng sau và từ 13-18 Âm lịch).

Dao động mùa: Chiều cường vào mùa Xuân (các tháng 10,11,12,1 Dương lịch) thời kỳ này được tăng cường bởi dòng lũ mùa mưa trên địa bàn nội thành, nên triều cường thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 1 Dương lịch.

Về tình hình lún sụt tại TP.HCM: Qua tổng hợp kết quả đo kiểm mốc độ cao khu vực TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014, 2015 của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy:

Vùng đất tại TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra tình trạng lún sụt nguyên nhân chính là: Nhóm nguyên nhân tự nhiên như dịch chuyển của mảng kiến tạo, quá trình nền đất cố kết tự mất nước và co ngót tự nhiên của lớp trầm tích holocen trẻ.

Nhóm nguyên nhân do con người tác động như khai thác nước ngầm, quá trình đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu, rung động do các hoạt động giao thông.

Dựa trên sơ đồ phân vùng lún cho thấy TP.HCM đang diễn ra với tốc độ lún lớn trên 10cm trong vòng 10 năm tại quận Bình Chánh, Nam quận Bình Tân, Quận 8, Quận 7, Đông Quận 12, Tây quận Thủ Đức, Bắc huyện Nhà Bè với tổng diện tích 239 km2. Từ năm 2005-2015, cá biệt có những nơi lún tới 73cm/10 năm (Tại mốc trên sân Trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao tại phường An Lạc quận Bình Tân) và 44cm/10 năm (Tại mốc sân Trung tâm Y tế Bình Chánh, xã Tân Túc, huyện Bình Chánh).

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, số liệu trong giai đoạn 1993-2014 như sau:

- Mực nước biển trung bình toàn biển đông có xu hướng tăng (4,05 ± 0,6mm/năm);

- Mực nước trung bình khu vực ven biển Việt Nam có xu hướng tăng 3,5 ± 0,7mm/năm;

- Mực nước biển khu vực Trung bộ mạnh nhất (5,6mm/năm);

- Mực nước biển khu vực ven biển Vịnh bắc bộ có mức tăng thấp nhất 2.5mm/năm.

Qua nghiên cứu tình hình về điều kiện khí hậu, thủy văn khu vực TP.HCM; kết quả quan trắc hiện tượng lún sụt, kịch bản nước biển dâng tại Việt Nam; có thể nói cuối thế kỷ này toàn bộ những vùng đất có độ cao nhỏ hơn 4m tại TP.HCM có nguy cơ ngập nước và những phần diện tích xây dựng không thuận lợi chiếm tới 60-70% tổng diện tích tự nhiên của thành phố.

Hệ thống thoát nước không đồng bộ

Hệ thống cống thoát nước của TP.HCM cũ kỹ, chắp vá, đường kính cống nhỏ, xuống cấp chỉ có thể đáp ứng được 25% thoát nước của Thành phố. Nhiều tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước như Quốc Lộ 1A, hoặc có nhưng bị tắc nghẽn bởi rác, chất thải nên khi mưa xuống đường biến thành kênh thoát nước, nhiều nơi biến thành những dòng sông ngay trong lòng phố thị…

Nhiều nơi lấp kênh rạch bằng cống hộp cũng cho thấy sai lầm. Nước mưa tràn đổ xuống kênh và thoát ra sông rất nhanh bởi diện tích chảy tràn lớn. Khi thay thế bằng cống hộp, nước mưa phải đi qua hệ thống cống thoát nước như là các miệng hố ga chống hôi có thiết kế rất phức tạp, tiết diện nhỏ, chỉ một trận mưa là rác lấp đầy khiến nước mưa không chảy kịp vào cống.

Quy hoạch xây dựng tràn lan, không tính toán

Trong công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị của thành phố  buông lỏng cho Lợi ích nhóm tự tung tự tác. Các vùng đất nông nghiệp, nơi có nền đất yếu và thấp giá rẻ, được phù phép thành các đô thị mới, các vùng ven sông lại phát triển đô thị, kênh rạch bị lấp hàng loạt… Điều đó dẫn đến hệ quả là hàng nghìn ha diện tích chứa nước bị biến mất, nước mưa từ mái nhà chảy xuống không lối thoát, tất nhiên sẽ biến đường thành sông.

TP.HCM muốn chống ngập, ngoài việc thực hiện các Quy hoạch mà Thủ tướng đã chỉ đạo còn phải phối hợp đồng từng ban ngành giao thông, xây dựng, thoát nước, kiến trúc để tìm đường cho nước chảy mới mong hết lụt sau mỗi trận mưa.

Bạn đang đọc bài viết Thử đi tìm nguyên nhân ngập lụt ở TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.