Thứ sáu, 26/04/2024 05:28 (GMT+7)

Quảng Bình: Lời thề giữ rừng của tộc người từng sống trong hang đá

MTĐT -  Thứ bảy, 07/07/2018 14:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người A Rem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình bảo vệ rừng như bảo vệ hũ gạo của mình, họ đã thề “người A Rem còn là rừng còn”.

Năm 1956, có 18 nhân khẩu của tộc người này được phát hiện sống trong các hang đá Bồng Cù, Va, So Đũa cheo leo lưng chừng núi đá vôi Phong Nha Kẻ Bàng.

Đến năm 1992, khi Bộ đội Biên phòng cùng cán bộ huyện Bố Trạch đi tìm, vận động ra lập bản mới ven đường 20, dân số người A Rem mới tăng lên 98 người. Hiện nay, cả xã đã có 100 hộ tương đương với 560 nhân khẩu.

Một già làng ở Tân Trạch vào rừng để chăm sóc và bảo vệ cây cối.

Những ngày đầu trong hành trình hòa nhập với cộng đồng, nguy cơ quay trở lại hang đá, nguy cơ tuyệt chủng luôn rình rập, đau ốm, bệnh tật đe dọa triền miên. Người A Rem phải học nhiều thứ để có thể sinh tồn ở vùng đất mới.

Nhưng theo lời ông Đinh Lầu, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch thì có một điều mà người A Rem không thể nào quên khi đến với cuộc sống mới - đó là phải giữ rừng.

Cuộc sống của người A Rem gắn liền với núi rừng, bản Km39 của người A Rem nằm ngay trong vùng lõi di sản Rừng Phong Nha-Kẻ Bàng nơi mà sự đa dạng sinh học được bộc lộ rõ ràng nhất, ưu tú nhất.

Người A Rem hiện đang bảo vệ và chăm sóc 8,5 hecta rừng sưa.

Khi phát hiện một tổ ong mật, người A Rem không đánh cả tổ như người Kinh, họ chỉ cắt phần có mật còn gọi là tục mích, phần con non và nhộng họ chừa lại để ong có thể tiếp tục sinh sản và cho những lứa mật mới.

Nói thế để thấy rằng, người A Rem luôn biết gìn giữ sản vật từ rừng, nơi cung cấp nguồn thực phẩm, vật liệu duy trì cuộc sống của họ một thời.

Họ sống trong vùng lõi di sản Phong Nha Kẻ Bàng, nhưng người A Rem không phá rừng, ngược lại họ đang góp phần giữ gìn rừng di sản.

Theo ông Đinh Huy Trí, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thì hiện nay, Ban quản lý vườn đã tin tưởng giao giữ hơn 3.400 hecta rừng trong dự án Bảo vệ rừng đặc dụng.

Người Arem ghi tên vào thân cây để đánh dấu, phục vụ cho việc bảo tồn. 

Mỗi quý, BQL Vườn sẽ chi 100 triệu cùng xã mua gạo lên để cấp phát cho bà con.

Người dân ở đây đã bảo vệ được rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, bảo vệ được cả rừng Bách Xanh núi đá quý hiếm nhất Việt Nam nguyên vẹn.

Với người A Rem, rừng là máu thịt, là thần hộ mệnh giúp bà con vượt qua đói khát, bệnh tật. Rừng cho bà con cái ăn, cho cây thuốc chữa bệnh mỗi khi thất bát, bệnh tật nên người A Rem xem rừng là báu vật, mỗi năm làng cúng thần rừng một lần.

Không lấy của rừng làm của riêng

Ở xã Tân Trạch, ý thức bảo vệ rừng của người dân rất cao, ở đây còn có một tổ bảo tồn thôn bản gồm 12 người.

Mỗi lần các cán bộ Kiểm lâm đi tuần tra sẽ gọi thêm vài người ở tổ này đi cùng nên việc quản lý, phối kết hợp giữa bà con dân bản và kiểm lâm rất tốt.

Ngoài rừng tự nhiên, người A Rem cũng đang chung thủy với khu rừng huê (sưa đỏ) trồng vào năm 2003. Đó là thời điểm người A Rem đã ổn định với cuộc sống mới, từ giã hẳn cuộc sống hang đá.

Khi ở bản mới, địa hình bằng phẳng hơn nhưng ít cây cối, người A Rem buồn vì cảm thấy thiếu rừng. Vì thế nên huyện Bố Trạch quyết định xanh hóa bản làng, mang cây huê giống lên rồi hướng dẫn cho bà con trồng, che phủ đất trống với diện tích 8,5 hecta.

Rừng huê cách bản khoảng 3km, nằm giữa một thung lũng đất bằng phẳng, huê được trồng ngay hàng, thẳng lối. Xen giữa những gốc huê, thỉnh thoảng lại thấy những cây ớt chỉ thiên, vài gốc mít, dăm ba gốc cam quả sai trĩu cành.

Theo ông Nguyễn Văn Đại, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch: “Hiện nay có 78 hộ dân tham gia bảo vệ và chăm sóc rừng huê. Ban quản lý và bảo vệ rừng của xã trực tiếp phân lô, đếm cây, chủ hộ đứng ra nhận, có biên bản, có điểm chỉ hẳn hoi, sau này rừng huê cũng sẽ giao cho các hộ dân tự khai thác.

Rừng huê từ đây không chỉ tài sản chung của bản, mà còn là tài sản riêng từng hộ gia đình. Nhà nào làm mất, dù chỉ một gốc huê cũng bị phạt rất nặng”.

Trên mỗi gốc huê, bà con ghi tên mình bằng sơn đỏ vào để đánh dấu nên chỉ cần nhìn là biết khoảnh rừng đó thuộc quản lí của gia đình nào. Vào rừng huê, không khó để nhìn thấy những dòng tên bằng màu đỏ khắp rừng như Đinh Dinh, Đinh Lầu, Đinh Pin, Đinh Cất, Đinh Vinh...

Anh Đinh Cu bên những gốc sưa của gia đình quản lý.

Cách đây khoảng năm năm, khi gỗ huê lên cơn sốt, nhiều người đổ về A Rem ngã giá để được sở hữu những cây sưa đẹp nhất.

“Dù đắt cỡ nào chúng tôi nhất quyết không bán. Người A Rem chưa có ý định bán cánh rừng quý này bao giờ”, anh Đinh Linh, sở hữu hơn trăm gốc sưa cho biết.

“Nhiều năm qua, hàng nghìn hecta rừng giao cho bà con bảo vệ và chăm sóc nhưng chưa lần nào xảy ra mất mát. Người A Rem không lấy của rừng làm của riêng, đối với họ rừng là máu thịt. Rừng còn thì người A Rem còn”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, ông Nguyễn Văn Đại nói thêm.

Theo VietnamNet

Bạn đang đọc bài viết Quảng Bình: Lời thề giữ rừng của tộc người từng sống trong hang đá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.