Thứ sáu, 29/03/2024 12:40 (GMT+7)

Tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung

MTĐT -  Thứ hai, 24/08/2020 10:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo Điều tra đa dạng sinh học (ĐDSH) của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, KBTTN Nam Nung có hệ sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Đắk Nông, có diện tích tự nhiên là 23.289,86 ha, nằm phía Đông Bắc tỉnh Đắk Nông, thuộc 10 xã/3 huyện, bao gồm: Xã Quảng Sơn (huyện Đăk Glong); các xã: Đắk Hòa, Đắk Mol, Nâm N’Jang (huyện Đắk Song) và các xã: Đức Xuyên, Nâm N’Đir, Nâm Nung, Nam Đà, Đắk Sôr, Buôn Choah (huyện Krông Nô). Địa hình chủ yếu gồm nhiều dãy núi thấp và núi trung bình, điển hình là dãy Nam Nung có đỉnh Nam JerBri cao 1.578 m. Nơi đây có diện tích không lớn so với các Khu bảo tồn khác trong khu vực Tây nguyên, nhưng có hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú với các kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới và rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới. có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết nguồn nước cho dòng sông Krông Nô và lưu giữ nước cho các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo báo cáo Điều tra đa dạng sinh học (ĐDSH) của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, KBTTN Nam Nung có hệ sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Thực vật ở Khu BTTN Nam Nung có số lượng loài cây khá phong phú về số loài cây. Các loài cây điển hình như: Giổi xanh, Giổi xương, Trâm vỏ đỏ, Sồi ba cạnh, Tô hạp, Sao xanh, Kiền Kiền Vù hương, Dẻ gai, Quế trèn, Kháo trần, Trường, Xoan mộc, Thông nàng, Du sam,… luôn đi kèm với nhau. Đặc biệt rừng Khu BTTN Nam Nung có quần thể thực vật Sồi 3 cạnh.

Bên cạnh sự đa dạng về thực vật, khu hệ động vật ở đây khá phong phú về thành phần loài và có mật độ cao. So với một số VQG và Khu BTTN khác trong cả nước, tài nguyên động vật rừng Khu BTTN Nam Nung có tính đa dạng cao. Điều đáng lưu ý là động vật Khu BTTN Nam Nung mang tính chất đặc trưng cho hệ động vật vùng Nam Trung Bộ Việt Nam bởi sự có mặt của một số loài: Cheo cheo nam dương, vượn má hung, chà vá chân đen, nai cà toong…

Đặc biệt là có sự có mặt của một số loài đặc hữu của Việt Nam, một số loài có phạm vi phân bố hẹp, hiện được thế giới đặc biệt quan tâm như bò tót, vượn đen má vàng…

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở NN&PTNT và sự quan tâm của UBND tỉnh Đăk Nông cùng với nỗ lực của tập thể công chức, viên chức và người lao động  công tác bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được kết quả nhất định, diện tích rừng và các hệ sinh thái rừng tự nhiên của Khu bảo tồn đã được bảo vệ và phục hồi, phát triển tốt, hạn chế tối đa các hoạt động tiêu cực tác động trực tiếp, gián tiếp vào khu bảo tồn.

Từ năm 2017 đến nay, trên lâm phần đơn vị quản lý không để xảy ra tình trang phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Từ năm 2016 đến năm 2018, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã tổ chức vận động và tuyên truyền các hộ dân có đất xâm canh trái pháp luật trả lại đất và tham gia trồng rừng thay thế với diện tích hơn 100 ha. Các tình trạng vi phạm Luật lâm nghiệp được hạn chế.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng nhằm phát triển rừng bền vững, Ban Quản lý KBTTN Nam Nung đã đề ra một số giải pháp cần thực hiện như: Kiện toàn hệ thống các trạm bảo vệ, các tổ tuần tra rừng để giải quyết nhiệm vụ bảo vệ và phục hồi tài nguyên thực vật rừng; Đầu tư xây dựng hạ tầng và đặc biệt đầu tư cho công tác trồng rừng mới, bảo vệ phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Với các loài quý hiếm cần xây dựng chương trình điều tra giám sát cụ thể để đảm bảo cung cấp số liệu cập nhật cho công tác quản lý và bảo tồn loài, cần xây chương trình đánh giá hiện trạng buôn bán động vật hoang dã tại KBTNN. Hợp tác với các cơ quan ban ngành trong tỉnh, các cơ quan và tổ chức chuyên môn trong nước, các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý bền vững hệ sinh thái rừng, phát triển cộng đồng vùng đệm.

Tăng cường công tác tuần tra rừng, phân công các tổ túc trực trong rừng và truy quét nhằm ngăn chặn việc khai thác gỗ trái phép, ảnh hưởng đến sinh cảnh sống cũng như hạn chế việc người dân vào rừng bẫy bắn chim, thú.

Nghiêm cấm các hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã của người dân địa phương. Đồng thời, hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật, giúp người dân địa phương tham gia chăn nuôi các loài động vật hoang dã, nhằm nâng cao đời sống vật chất và giảm các tác động tới nguồn tài nguyên động vật hoang dã.

Để giảm bớt việc thu hẹp và chia cắt sinh cảnh sống của các loài thú nên quy hoạch các tuyến đi lại trong KBTTN. Đặc biệt chú ý các khu vực đi lại sử dụng các phương tiện ô tô, xe máy…

Tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ Ban quản lý và lực lượng kiểm lâm về các kỹ năng nhận biết loài, đặc biệt các loài quý hiếm.Tăng cường thêm lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng cũng như các chính sách hỗ trợ nhằm giúp họ hoàn thành nhiệm vụ.

Nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng nói chung thông qua các hoạt động giáo dục bảo tồn như chiếu phim, diễn kịch, họp dân. Đặc biệt, tại các trường tiểu học, trung học ở khu vực cần có các chương trình nâng cao nhận thức về giá trị đa dạng sinh học và ý thức bảo tồn động vật hoang dã cho các em ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường thông qua các buổi ngoại khóa của các cán bộ bảo tồn phối hợp cùng nhà trường tổ chức và lồng ghép trong các môn học.

Tuyên truyền đến hộ dân nhận khoán và cộng đồng dân cư những văn bản pháp quy về bảo vệ tài nguyên rừng, ngăn chặn các đối tượng có hành vi vi phạm lâm luật. Tổ chức lồng ghép công tác bảo vệ rừng vào kế hoạch, chương trình và dự án phát triển có liên quan.

Bùi Huyền (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới