Thứ bảy, 20/04/2024 14:36 (GMT+7)

Thái Nguyên: Quản lý hoạt động dự án nạo vét hồ Núi Cốc có hiệu quả?

YẾN OANH -  Thứ ba, 04/09/2018 13:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công ty Đại Việt được tỉnh Thái Nguyên cấp phép thực hiện dự án Nạo vét lòng hồ Núi Cốc kết hợp tận thu khoáng sản. Vậy, hoạt động tận thu này được quản lý, giám sát như thế nào để tránh thất thoát?

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã thông tin tại bài viết "Vì sao người dân tiếp tục phản đối tại dự án nạo vét hồ Núi Cốc?". Theo đó, ngày 26/8/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp cho Công ty CP đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt (Công ty Đại Việt) thực hiện đầu tư dự án nạo vét lòng Hồ Núi Cốc và kết hợp tận thu sản phẩm cát, sỏi... 

Mục tiêu được đưa ra là nhằm "nạo vét, khơi thông luồng lạch, kéo dài thời gian phục vụ và khả năng trữ nước của hồ chứa, tạo độ sâu mặt nước đảm bảo các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng thủy sản... Với thời gian thực hiện là 15 năm, bắt đầu đi vào hoạt động từ quý 1/2015.

Bãi cát chất đống khổng lồ, "đại công trường" dự án nạo vét của Công ty Đại Việt nhộn nhịp hoạt động bán cát, sỏi.

Trong quá trình thực hiện, Công ty Đại Việt đã vấp phải một số vướng mắc liên quan đến việc phản đối của người dân về đền bù giá đất; những nghi vấn về việc doanh nghiệp đứng danh nghĩa làm chủ dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc nhưng thực chất là khai thác khoáng sản(!?); việc quản lý của UBND tỉnh Thái Nguyên ra sao; các yếu tố bảo vệ môi trường; nguồn thu ngân sách Nhà nước có đảm bảo hay để thất thoát?

Liên quan đến những vấn đề trên, nhằm làm rõ trách nhiệm quản lý từ phía cấp chính quyền tỉnh, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thế Giang - Phó giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.

Tại buổi làm việc, ông Giang cho biết: "Do quá trình bồi lắng, quá trình hoạt động của hồ từ thượng nguồn đổ về gồm có bùn, sỏi, đá, cát với khối lượng khoảng từ 12 đến 15 triệu tấn theo tính toán, đo đạc. 

Sau khi xem xét và lựa chọn, UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Đại Việt được phép nạo vét, tận thu những vật liệu có thể tận thu được ví dụ như cát sỏi, đá, đồng thời hút hết bùn.

UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án để lấy thu bù chi, tỉnh không phải dùng ngân sách để chi trả cho việc nạo vét lòng hồ".

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.

Tổng mức đầu tư tại thời điểm cấp phép đã được phê duyệt 898 tỷ đồng, tổng chi phí nạo vét là 855 tỷ đồng được lấy từ nguồn tận thu sản phẩm đi kèm.

Theo dự án, tổng khối lượng nạo vét trên 11 triệu m3. Trong đó, cát là 1.6 triệu m3; sỏi 1x2, 2x4 là 1.65 triệu m3; đá cuội, sỏi to thải là 6.6 triệu m3; bùn thải 1.1 triệu m3.

Tổng khối lượng thực hiện nạo vét theo báo cáo tính đến tháng 7/2018 là  1.605.308 m3. Trong đó, hỗn hợp cấp phối chưa sàng tuyển là 367.350m3; cát 225.986m3 cùng các loại sỏi khác nhau với tổng trữ lượng khoảng 1.000.000m3. Trữ lượng bùn chỉ đạt 95.245m3."

Theo ông Giang, sản lượng này phù hợp với thiết kế của dự án và giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nêu trên.

"Công ty đã thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế phí là 9,67 tỷ đồng (thuế tài nguyên trên, phí bảo vệ môi trường, phí xả thải); đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đến năm 2018) là 2.78 tỷ đồng", Phó giám đốc Sở nói.

Về việc cơ quan nào được UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ quản lý, giám sát quá trình triển khai nạo vét, ông Giang cho biết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới là cơ quan có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Giấy phép dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu sản phẩm đi kèm.

Hàng xe chở cát tại bãi số 5 (thôn Bẫu Châu, xã Lục Ba, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc.

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ thực hiện việc kiểm tra giám sát về công tác bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo ông Giang, ví dụ tháng này họ nạo vét tọa độ từ A đến B, khối lượng nạo vét khoảng 100m3, trong đó lượng cát sỏi ra sao thì Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý , còn bán bao nhiêu, như thế nào thì sở Nông nghiệp quản lý và trực tiếp giám sát xem dự án có lãi hay không theo tính toán ban đầu. Hàng tháng, công ty báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp để theo dõi việc tận thu khoáng sản.

"Việc kiểm soát nạo vét có chính xác hay không từ tọa độ A đến B, tôi không phải là người giám sát trực tiếp. PV phải trao đổi với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rõ hơn", ông Giang thông tin thêm.

Cũng tại buổi làm việc, PV được biết sở Tài nguyên và Môi trường chỉ là cơ quan hàng tháng nhận được báo cáo của công ty về việc tận khu khoáng sản. Còn muốn biết báo cáo đó có đúng hay không thì sở Tài nguyên và Môi trường đi kiểm tra, lập kế hoạch kiểm tra nhưng để không trùng lặp với các đợt kiểm tra của cơ quan khác thì việc kiểm tra này mỗi năm có thể chỉ 1 đợt. 

Số lần kiểm tra cụ thể, kết quả ra sao, ông Giang từ chối cung cấp và cho biết: "Cái này tôi cung cấp thông tin thôi, không cung cấp tài liệu vì liên quan đến 1 doanh nghiệp. Năm 2017 đã kiểm tra 1 lần. Doanh nghiệp trước khi đầu tư đương nhiên họ phải tính toán có lãi họ mới làm rồi..."

Việc người dân xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba dựng lều bạt ngăn cản hoạt động nạo vét của Công ty Đại Việt vì yêu cầu được đền bù 40ha đất. Đại diện sở Tài nguyên và Môi trường thông tin rằng đã phối hợp các bên liên quan tổ chức kiểm tra và có văn bản số 2158/STNMT-TTr ngày 31/8/2017, kết luận khu vực đó thuộc lòng hồ Núi Cốc dưới cote 46,2m nên không được hỗ trợ. Khi PV đề nghị cung cấp văn bản kiểm tra trên, đơn vị nào trực tiếp đo đạc lại thì ông Giang từ chối cung cấp và tiếp tục hướng PV sang gặp sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện trạng số 40ha đất người dân thôn Bẫu Châu đấu tranh sau khi dự án "Nạo vét lòng hồ núi Cốc" được Công ty Đại Việt triển khai.

Hoạt động nạo vét lòng hồ Núi Cốc liên quan nhiều đến lĩnh vực khai thác khoáng sản nhưng dường như sở Tài nguyên và Môi trường không có nhiều trách nhiệm quản lý đối với khoáng sản tận thu được mà chỉ quản lý lĩnh vực bảo vệ môi trường. Phía chính quyền tỉnh Thái Nguyên lại giao cho sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chính toàn bộ dự án trên?!

Tài nguyên khoáng sản là tài sản của quốc gia. Việc khai thác, sử dụng cần phải tuân theo quy định của Luật khoáng sản. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là phải quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn lực từ tài nguyên khoáng sản sao cho có hiệu quả.

Vậy, với câu trả lời nhưng không cung cấp tài liệu của sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên ở trên, dư luận đã phần nào giảm sự hoài nghi về một dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc có hay không "núp" bóng để khai thác tận thu nguồn lợi khoáng sản khổng lồ từ lòng hồ này?

Trước đó, văn bảo số 1123/BC-TKT3 ngày 29/05/2018 báo cáo kết quả kiểm tra dự án Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm ghi rõ kết luận: "Các bãi thải phục vụ dự án chưa được sử dụng. Nhà đầu tư chưa kê khai và nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định".

Trước nghi vấn bãi thải chưa được sử dụng vốn dĩ vì lượng bùn thải "quá ít", phía Công ty Đại Việt giải thích trong báo cáo trên như sau: "Do mục tiêu của bãi thải là đổ bùn thải và đá to.

Tuy nhiên, trong quá trình nạo vét bùn thải đã được chủ đầu tư tự tách ra, phơi khô và cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng để trồng cây, đóng gạch,...Đối với đá thải, đã được tập kết về bãi tập kết số 5 để nghiền tuyển trong giai đoạn...".

Ngoài ra, trong báo cáo cũng nêu rõ: "Nhà đầu tư chưa kê khai, nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định".

Nguyên nhân được chỉ ra là do: "Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, ngày 17/7/2017 của Chính Phủ vừa được ban hành, mới có hiệu lực nên chưa phối hợp kịp thời với các cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn".

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Quản lý hoạt động dự án nạo vét hồ Núi Cốc có hiệu quả?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ