Thứ tư, 17/04/2024 05:43 (GMT+7)

Tuyên Quang: Ai 'hô biến' rừng phòng hộ thành rừng sản xuất?

Đức Anh -  Thứ ba, 10/07/2018 14:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau vài năm toàn bộ hơn 200 hecta rừng phòng hộ thuộc khu vực Lô Ka đã không cánh mà biến mất. Thay vào đó là rừng keo, rừng bạch đàn trồng được 4-5 năm tuổi.

Theo phản ánh của nhân dân trên địa bàn xóm 2, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Những năm trở lại đây, diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn bị người dân đốt, phát làm nương dẫy rất nhiều. Tuy nhiên, chính quyền địa phương dường như phó mặc?

Khu vực rừng phòng hộ được chuyển đổi thành sản xuất chưa giao cho ai những vẫn có hiện tượng đốt, phát để trồng cây. Đường ô tô thì được san tới tận đỉnh phục vụ vận chuyển gỗ và cây trồng mới.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có mặt tại xóm 2. Người dân thấy chúng tôi tới đã đưa đi tận nơi để thị sát. Khu vực rừng phòng hộ trước đây đã được người dân phát, đốt rồi trồng cây keo trên nhiều Hecta (ha)

Bà Lâm Thị Môn, xóm 2, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết: “Từ năm 2008, sau khi có chính sách chia đất sản xuất, gia đình nào đã khai phá đến đâu thì báo cáo lên chính quyền, cán bộ địa chính xã sẽ xuống để phối hợp làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất tại nơi đó.

Bên cạnh đó cán bộ xã đã chỉ ranh giới giữa khu vực rừng sản suất, rừng lâm nghiệp, rừng phòng hộ cho các hộ dân biết để không được phép khai phá, đốt rừng tại khu vực trên.

Nhiều hộ dân trong thôn đã chấp hành rất tốt việc giao đất giao rừng như đã định. Thế nhưng, sau vài năm toàn bộ hơn 200 Ha rừng phòng hộ thuộc khu vực Lô Ka đã không cánh mà biến mất, thay vào đó là rừng keo, rừng bạch đàn trồng được 4-5 năm tuổi. Có những khoảng rừng đã cho khai thác và mới được trồng cây lại tại đây”.

Những gốc cây, thân cây to được bỏ lại nằm giữa khu vực trồng bạch đàn 

Trên đường vào rừng, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều gốc cây có đường kính 60-90cm bị chặt hạ, xen giữa những cây keo, bạch đàn có độ tuổi từ 1-3 năm. Càng đi vào sâu những cánh rừng bên trong, người dân đã chỉ cho chúng tôi thấy vẫn còn những khu vực rất nhỏ còn nguyên vẹn với những cây gỗ cao vài chục mét, vanh lên tới hơn 100cm.

Để lên tới những khu vực còn các cây gỗ to này chúng tôi phải đi xuyên qua nhiều diện tích trồng bạch đàn mà người dẫn đã tự ý phát, đốt ở đây.

Khu vực trên khi chưa khai phát vẫn còn những cây gỗ to, phía bên cạnh thì đã được trồng bạch đàn

Cũng theo bà Môn thì: Khoảng năm 2014, nhiều hộ dân làm đơn đề nghị chính quyền xã cấp đất cho nhân dân có thêm đất sản suất nhưng không được chấp nhận. Rất nhiều cá nhân vẫn tự ý lấn chiếm đất, dựng lán trại ở và trồng chăm sóc cây lâm nghiệp, kết hợp nuôi trâu bò tại đây. Cuối năm 2017 cũng vì tranh chấp đất rừng, 2 hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn và ông Sìn đã dẫn tới đánh nhau.

Anh Phạm Xuân Trường, xóm 2, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) 

Anh Phạm Xuân Trường, xóm 2, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết: Hiện rất nhiều diện tích rừng phòng hộ được khai phá cách đây 7 – 8 năm, nhiều gia đình có đến 20 – 30ha đất tại khu vực rừng phòng hộ. Hàng ngày ở những khoảnh rừng này vẫn thường xuyên có người trông coi chăm sóc.

Đứng sau có cả cán bộ và người nhà cán bộ xã thôn, người dân chúng tôi mà vào đây phát nương, phát dẫy trồng cây là cán bộ xã vào kiểm tra bắt dừng ngay. Còn những gia đình kia thì vẫn ngang nhiên làm, mà không hề bị xử lý hay kiểm tra gì. Họ phun thuốc trừ cỏ bừa bãi, vứt vỏ bao bì xuống nguồn nước gây ảnh hưởng trực tiếp tới những người dùng nước dưới xóm 2.

Chúng tôi đã nhiều lần nộp đơn thư gửi lên xã, huyện và cả tỉnh để phản ảnh vấn đề này. Nhưng không hề thấy trả lời, dân xóm 2 thì còn rất nhiều gia đình là hộ nghèo, không có đất sản xuất, hiện nay rất khó khăn, chỉ mong có ít đất để trồng cây phát triển kinh tế, và có thể sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.

Nguồn nước bị ô nhiễm do vỏ chai lọ thuốc trừ cỏ được bỏ lại đây

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Lý Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) thì được biết: "Toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu tại xóm 2, xã Tân Tiến đã được UBND tỉnh Tuyên Quang có quyết định số 1858/QĐ-UBND ký ngày 31/12/2016 về việc chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang thành rừng sản xuất.

Tính đến thời điểm này thì tại xóm 2 không còn rừng phòng hộ. UBND huyện Yên Sơn chưa giao mốc, chưa có văn bản bàn giao cho cá nhân hay tổ chức nào vì thế diện tích đất này bây giờ do xã quản lý.

Xã thì cũng nắm được nhiều khu vực có người dân trồng cây nhưng khi kiểm tra thì không ai nhận, nhiều lần họp thôn bỏ phiếu tố giác nhưng cũng không phát hiện ra ai, nên rất khó để xử lý".

Khi được hỏi về tổng diện tích rừng phòng hộ tại xóm 2, xã Tân Tiến trước năm 2016 trên địa bàn xã có bao nhiêu thì ông Hiếu cũng không nắm được. Đầu năm 2018 có phát hiện 1 trường hợp và chuyển lên hạt kiểm lâm huyện Yên Sơn để xử phạt.

 

Ông Lý Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) 

Ông Vũ Ngọc Trực, Phó hạt trưởng, Hạt kiểm lâm huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết: “Cuối năm 2016, xã Tân Tiến có 6 khoảnh gồm các khoảnh 207A, 239A, 248A, 271A, 272A và 273A với tổng diện tích 362,76 ha đất rừng phòng hộ được chuyển đổi thành rừng sản xuất, đến nay diện tích đất rừng này giao được giao cho ai thì bên kiểm lâm không quản lý không biết được.

Trách nhiệm của kiểm lâm không phải giao đất và quản lý diện tích đất rừng trên. Từ năm 2008 tới giờ cũng chưa có đơn thư của cá nhân hay tổ chức nào khiếu nại về việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ như phóng viên nêu ra”.

Cũng theo ông Trực khẳng định, là không có phá rừng phòng hộ mà chỉ có trồng cây tại những khu vực đồi núi trọc. Hộ dân nào tự trồng cây trên đất đồi núi trọc thuộc khu vực rừng phòng hộ trên 3 năm không có ai kiện cáo, tranh chấp thì được coi là đất của hộ đó quản lý, trồng cây được phép khai thác.

Ông Vũ Ngọc Trực, Phó hạt trưởng, Hạt kiểm lâm huyện Yên Sơn (Tuyên Quang)

Theo anh Trần Duy Khánh, Trạm trưởng kiểm lâm phụ trách xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Toàn bộ 362,76ha đất rừng cơ bản đã trồng cây, đất trống là dân trồng hết rồi”. Khi hỏi là ai trồng thì anh Khánh kiểm lâm phụ trách cũng không biết ai đã trồng ở đây.

Bà Lâm Thị Môn, xóm 2, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết: Rất nhiều lần họp xóm người dân đã có kiến nghị về việc giao đất cho dân, mỗi lần bỏ phiếu tố giác đều có chỉ rõ những ai đã phát, đốt làm nương dẫy tại khu vực phòng hộ này nhưng đều không thấy trả lời lại cho người dân. Do vậy, nhiều người đã làm đơn gửi lên huyện, lên tỉnh để phản ánh.

Những cây gỗ to được chặt hạ và xẻ vuông cạnh ngay tại rừng. 

Như vậy, diện tích 362,76 ha rừng phòng hộ được chuyển đổi thành rừng sản xuất đã về tay ai? Ai nhanh tay phát, trồng được càng nhiều trên đất trống thì sẽ được quản lý! Việc chính quyền xã Tân Tiến và hạt kiểm lâm huyện Yên Sơn cũng không nắm được.

Trách nhiệm thuộc về ai?. Còn người dân thì vẫn đang gõ cửa từng cấp quản lý để xin cấp đất để có thể sản xuất, canh tác và phát triển kinh tế.

Không khó để bắt gặp những đống gỗ vẫn còn tươi, mới cắt và để lại ngay tại rừng

Các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang và huyện Yên Sơn sớm có biện pháp kiểm tra xử lý, làm rõ trách nhiệm của các cấp các ngành để rộng đường dư luận.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Bạn đang đọc bài viết Tuyên Quang: Ai 'hô biến' rừng phòng hộ thành rừng sản xuất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.