Thứ sáu, 19/04/2024 21:39 (GMT+7)

Tại sao để xây những nhà "to tướng" 5-10 tầng rồi mới phát hiện ra sai phạm?

MTĐT -  Thứ tư, 12/01/2022 08:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại buổi gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí ngày 11.1 đã nêu một số vấn đề bất cập cần khắc phục trên địa bàn TP, trong đó có vấn đề quản lý trật tự xây dựng.

Ngày 11.1, Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức cuộc gặp mặt đại biểu các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội nhân dịp đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại sao để xây những nhà "to tướng" 5-10 tầng rồi mới phát hiện ra sai phạm?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: Trọng Toàn

Thay mặt lãnh đạo TP phát biểu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2021, cùng với cả nước, Hà Nội chịu ảnh hưởng rất lớn do dịch COVID-19, nhưng TP quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; tập trung triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là biến những quyết định quan trọng của Đại hội thành hiện thực sinh động, đưa nghị quyết vào cuộc sống, làm ra của cải vật chất, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân".

Với tinh thần bám sát thực tiễn, trên cơ sở văn kiện, 10 chương trình công tác toàn khóa, Thành ủy Hà Nội xác định phải vừa lo làm tốt việc có tính trước mắt, vừa chuẩn bị những việc có tính dài hơi. Mặc dù trong hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm của Trung ương, sự chia sẻ của đồng bào cả nước, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, quyết tâm, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân, đồng hành của doanh nghiệp, Hà Nội đã vượt qua, đạt được những kết quả tích cực.

Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế với mục tiêu cao hơn; đồng thời, triển khai các chủ trương, quyết sách lớn, vừa giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, vừa tạo động lực cho Hà Nội phát triển bền vững, lâu dài như: Dự án đường Vành đai 4, cải tạo chung cư cũ, xây dựng mới một số bệnh viện ở cửa ngõ, các trường học, khơi dậy và phát triển văn hóa xứng tầm với Thủ đô…

Ngoài ra, Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng nêu rõ một số vấn đề cần phải khắc phục. Thành uỷ đã đặt ra hai chỉ thị, một là tăng cường công tác quy hoạch quản lý trật tự xây dựng đô thị, tinh thần chung là với những tồn tại cũ thì phải từng bước xử lý, còn với những tồn tại mới phát sinh thì phải gắn trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể của từng cơ quan đơn vị trên địa bàn. "Đã có quy hoạch rồi thì phải khoán cho ông (lãnh đạo UBND TP Hà Nội) vì quận huyện, xã phường ông theo dõi. Làm sao lại để xây những ngôi nhà "to tướng", xây 5, 7 đến 10 tầng rồi sau đó mới phát hiện ra sai phạm được? Việc khắc phục rất khó khăn nên phải phân cấp, giao quyền và giao trách nhiệm" - Bí thư Thành uỷ Hà Nội nêu rõ.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết tương tự như vậy, chỉ thị thứ 2 của Thành uỷ là tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thủ đô, đất đai cũng như các dòng sông... đều là tài nguyên của Thủ đô...

Nêu đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn mà TP đang thực hiện, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết đây là "vấn đề không đơn giản". "Nhiều đồng chí nói cải tạo là đúng vì đời sống cuộc sống nhân dân nhưng lại không được tăng dân số, phải bảo đảm hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đó là không muốn làm thì mới nói vậy. Tôi hỏi các đồng chí nếu xảy ra động đất cấp 5 mà xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng về tính mạng người dân trong các chung cư cũ thì ai chịu trách nhiệm. Cách làm mới thì mình phải thay đổi nó đi, không tăng dân số thì tại sao lâu nay trong nội đô lại cho xây nhiều nhà cao tầng đến thế? Thay vì mỗi nhà xây 1 nhà thì có thể đập 3 nhà xây 1 nhà, 5 nhà xây 2 nhà thì không gian cảnh quan rất đẹp. Cho xây cao tầng lên, vừa là chỗ cho người dân tái định cư, vừa có thể để doanh nghiệp làm, doanh nghiệp có lời thì người ta mới làm và nộp thuế. Vấn đề quan trọng là làm sao cho minh bạch và công bằng, tạo sự đồng thuận của người dân..." - Bí thư Đinh Tiến Dũng nêu vấn đề.

"Trong thời gian vừa qua dịch dã như thế nhưng chúng tôi phải tập trung quyết sách những vấn đề TP đang tồn đọng, mà nếu không làm thì mất cơ hội phát triển bền vững cho thủ đô, thậm chí không khai thác được hết nguồn lực" - Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói.

Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, Hà Nội là trung tâm lớn về văn hóa, chính trị, giáo dục, kinh tế… nhưng qua đợt dịch này mới thấy còn nhiều bất cập như: Y tế, giáo dục... 13 năm qua Hà Nội và Hà Tây hợp nhất với nhau, tại sao khu vực Tây Nam Hà Nội vẫn kém phát triển? Vào vùng Chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức, cơ sở hạ tầng còn lâu mới bằng được các tỉnh đồng bằng sông Hồng như: Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình… Do định hướng đầu tư không phù hợp, lâu nay mình cũng không ưu tiên đúng mức, bây giờ mình phải nhìn thẳng vào sự thật…

Khẳng định đây là những việc rất nhiều thách thức, đòi hỏi có sự đồng thuận cao, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân, Bí thư Đinh Tiến Dũng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ, gắn bó chặt chẽ của các cơ quan báo chí trung ương, Hà Nội và cả nước.

Thành ủy Hà Nội "chống lưng" cho Chủ tịch UBND TP

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết trong năm 2021, các cơ quan báo chí đề cập tới rất nhiều về tình hình chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP, tuy nhiên vì "việc này đúng là chưa từng có tiền lệ", nên có thời điểm vừa ra quyết sách đã phải điều chỉnh.

"Thường trực Thành ủy, Ban thường vụ Thành ủy tuần nào cũng họp theo định kỳ, sau đó ra các quyết sách. Chúng tôi khẳng định Thường trực, Thường vụ Thành ủy "chống lưng" để Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra các quyết định, chỉ thị và văn bản hướng dẫn chỉ đạo công tác chống dịch trên toàn TP. Tuy nhiên, có những việc đúng vừa quyết sách xong, nhưng khi bắt đầu tổ chức thực hiện thì dư luận không đồng thuận và tính khả thi không cao, lúc đó phải điều chỉnh, như là giấy đi đường. Ngoài những hạn chế, TP cũng có một số quyết sách rất trúng, rất đúng, rất kịp thời nhưng thông tin ra ngoài cho báo chí còn chậm, phải rút kinh nghiệm" - người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội nêu rõ.

Bạn đang đọc bài viết Tại sao để xây những nhà "to tướng" 5-10 tầng rồi mới phát hiện ra sai phạm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Người Lao Động

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...