Thứ năm, 28/03/2024 20:12 (GMT+7)

Tại sao khủng hoảng giấy vệ sinh trong dịch COVID-19?

MTĐT -  Thứ sáu, 03/04/2020 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

COVID-19 đang khiến người dân ở nhiều quốc gia lo lắng và hốt hoảng. Họ đổ xô đi mua giấy vệ sinh, gây ra cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh do thiếu hụt nguồn cung tạm thời ở một số khu vực[1].

Tâm lý hoảng loạn trước dịch bệnh này là không cần thiết, bởi việc tích trữ giấy vệ sinh, từ góc độ khoa học, không giúp gì cho mọi người trong việc phòng chống những loại dịch bệnh như COVID-19[2]. Song, khủng hoảng giấy vệ sinh là một thực tế. Vậy đâu là căn nguyên của cuộc khủng hoảng này?

Giấy vệ sinh được tạo ra để thoả mãn một nhu cầu ưa chuộng sự khô ráo, ghét ẩm ướt sâu xa trong thực hành vệ sinh của người châu Âu trước thế kỷ 19. Cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh là hệ quả tâm lý xã hội của nhiều cộng đồng người, những người đã phải trải qua một lịch sử vô cùng bạo lực của việc thực hành phòng và chữa bệnh truyền nhiễm ở châu Âu trong suốt 5 thế kỷ trở lại đây. 

Từ tâm lý sợ hãi nước và ẩm ướt ….

Sử gia Georges Vigarello (1985), trong quyển sách Sự sạch sẽ và sự bẩn thỉu (Le propre et le sale) cho rằng người dân của nhiều xã hội Châu Âu sợ hãi cảm giác ẩm ướt trong thời gian phòng bệnh hoặc chữa bệnh. Ông cho rằng điều này có căn nguyên lịch sử của nó. Vào thế kỷ 16 và thế kỷ 17, nhiều xã hội ở châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề của dịch hạch và nhiều loại bệnh tật truyền nhiễm khác. Các bác sĩ vào thời đó khuyên bệnh nhân không nên tắm bằng nước. Vì theo nhận thức khoa học vào thời đó, nước và hơi nước làm giãn các lỗ chân lông, tạo điều kiện cho bệnh tật xâm nhập cơ thể. 

Tin tưởng vậy, người châu Âu thời đó khi dịch bệnh bùng phát, thường không tắm bằng nước mà “tắm khô”. Tắm khô ở đây nghĩa là họ sẽ thay đổi quần áo liên tục. Quần áo bẩn được thay ra và người ta mặc ngay quần áo sạch vào, không để nước chạm vào bề mặt da của cơ thể, trong thời gian dịch bệnh. Quan niệm về vệ sinh và chăm sóc thân thể trong suốt hai thế kỷ của Châu Âu hoàn toàn tách biệt khỏi việc sử dụng nước để gột rửa cơ thể [3].

Tranh vẽ về việc vệ sinh bằng chậu nhỏ đựng ít nước ở Pháp, thế kỷ 18. Willem Joseph Laquy, 1771. Nguồn: https://plume-dhistoire.fr/

Thực hành vệ sinh, chăm sóc thân thể này khiến hình thành tâm lý ngại nước, lười và ngại tắm trong văn hoá của nhiều cộng đồng Âu – Mỹ về sau. Nó phổ biến đến mức nhà nghiên cứu sử học người Ý Piero Camporesi gọi nó là một kiểu ý thức hệ bài trừ việc tắm rửa thân thể[4]. Vì lí do đó, thế kỷ 18 và 19, khi những người Âu – Mỹ tiếp xúc với người dân ở Ấn Độ, Trung Quốc, và Nhật Bản, họ thường bị người bản địa kỳ thị vì bốc mùi và “bẩn thỉu”. Cho đến cuối thế kỷ 19, người Châu Âu mới bắt đầu coi trọng việc tắm rửa cơ thể, gắn việc thực hành tắm rửa cơ thể với sự sạch sẽ và vệ sinh như chúng ta vẫn hiểu bây giờ. Còn trước đó, hành vi tắm gội thường chỉ gắn với ngữ cảnh nghi lễ xã hội hoặc tôn giáo[5]. 

Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng, kỹ thuật làm sạch nước thời kỳ đó còn rất yếu kém, không có khả năng cung ứng hiệu quả để phục vụ dân số lên đến hàng triệu người sống chen chúc trong các đô thị bẩn thỉu. Phải đến 1908, thành phố đầu tiên ở Hoa Kỳ là Jersey City, New Jersey mới có đường nước được xử lý (chứ không phải đường dẫn nước tự nhiên chưa qua xử lý) đầu tiên chạy đến từng nhà[6]. Điều này đã khiến cho nước trở thành một nguyên nhân gây ra bệnh truyền nhiễm. Song do bởi phải đến cuối thế kỷ XIX, khoa học mới tìm ra vi khuẩn và virus là nguyên nhân gây bệnh cho con người, trong đó nhiều loại vi khuẩn và virus truyền nhiễm qua đường nước[7]. 

Vì vậy, tâm lý sợ nước, sợ bị ốm khi chạm vào nước trong thời gian diễn ra dịch bệnh của người phương Tây là hoàn toàn có cơ sở.

Cho đến thế kỷ XX, tâm lý coi trọng khô ráo, tránh ẩm ướt khó chịu trong hoạt động vệ sinh cơ thể vẫn còn tồn tại ở nhiều xã hội phương Tây. Nó ảnh hưởng đến cách người dân xây dựng nhà vệ sinh trong gia đình mình. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, người dân không thích nhà vệ sinh của họ có thể gây cảm giác ẩm ướt cho người sử dụng. Họ muốn nhà vệ sinh phải khô ráo, và tạo cảm giác mềm mại và ấm áp. Nhiều gia đình trải thảm trên sàn vệ sinh và tìm mọi cách để không cho nước từ bồn tắm tràn ra ngoài. 

Trong trường hợp bùng phát dịch bệnh COVID-19, dĩ nhiên trong nhiều lựa chọn làm sạch cơ thể sau khi đi vệ sinh, người dân đương nhiên sẽ lựa chọn những giải pháp đem đến “cảm giác” khô ráo, sạch sẽ nhất cho họ. Chính vì vậy, họ sẽ có xu hướng không lựa chọn vòi xịt, hay dùng nước rửa trực tiếp vì cảm giác ướt át mà vòi xịt đem lại. Họ sẽ lựa chọn giấy vệ sinh, vật liệu vệ sinh gần gũi nhất, khô ráo nhất mà họ phát minh ra và đã quen dùng trong suốt thế kỷ XX và XXI.

… đến sự sợ hãi về cơ thể bị “nhiễm bẩn” trong thời gian dịch bệnh.

Như đã đề cập ở phần trước, trước thế kỷ XIX, nhân loại coi việc làm sạch và vệ sinh cơ thể, tránh những thứ được coi là “bẩn thỉu” là những thực hành mang tính nghi lễ xã hội, chính trị, và tôn giáo, chứ không phải là vì nhu cầu giữ vệ sinh theo cách chúng ta hiểu về vệ sinh như bây giờ[8]. Bệnh tật, trong quan niệm của nhiều xã hội là tình trạng cơ thể bị “nhiễm bẩn”. Những người bị “nhiễm bẩn” vì bệnh tật thường được coi là những người bị nguyền rủa hay bị trừng phạt. Bệnh nhân bị coi là những người “có vấn đề về đạo đức”[9]. Bản thân bệnh nhân cũng cảm thấy ghê sợ khi cơ thể mình mang bệnh. 

Trong thời kỳ dịch bệnh lan rộng, người dân đi mua giấy vệ sinh là để thoả mãn cảm giác về “sự sạch sẽ” “thuần khiết” của cơ thể. Sự thoả mãn cảm giác “được sạch sẽ” quan trọng hơn sự sạch sẽ từ góc độ khoa học khách quan.

Thực hành chữa bệnh trước thế kỷ XIX dựa trên niềm tin rằng, bằng thuốc, bùa chú, phép thuật, cầu nguyện và nghi lễ, thầy thuốc có thể giúp bệnh nhân “thanh lọc cơ thể” của mình. Hình thức “thanh lọc” nhiều khi hết sức cực đoan, như đốt, cắt hay khoét những chỗ bị tổn thương đi. Trong một số trường hợp, thầy thuốc (thông thường cũng là tu sĩ) sẽ thiêu sống bệnh nhân để chữa trị và cứu vãn sự sạch sẽ tinh thần của người bệnh[10]. Những nhà nhân học đã chứng minh rằng, thực hành chữa trị, làm sạch này tồn tại ở mọi nền văn hoá trên thế giới với những cách thực hành khác nhau, trong đó đôi khi đồng nghĩa với việc phải giết chết người bệnh để bảo vệ họ[11]. Ở Châu Âu thời kỳ cận đại và hiện đại, quan niệm này đã từng dẫn đến nhiều hoạt động tôn giáo, chính trị, y tế hết sức đáng sợ trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát: như quây người bệnh vào một nơi, gọi họ là phù thuỷ, và thiêu sống họ bằng lửa hoặc bằng bom cháy[12].

Trong xã hội hiện đại của thế kỷ XXI, bệnh tật vẫn còn ám ảnh tâm lý mọi người như là một thứ gì đó “bẩn thỉu”, “có lỗi”, “có tội”[13]. Những căn bệnh có thể lây lan mạnh như COVID-19 khiến bệnh nhân cảm thấy hết sức ghê sợ, hoảng loạn khi cơ thể mình có thể bị “nhiễm bẩn” và bị những người xung quanh coi là “bẩn thỉu”[14]. Điều này khiến cho nhu cầu được coi là “sạch sẽ”, được cảm thấy rằng mình “sạch sẽ” trong suốt thời gian bị bệnh và phòng tránh bệnh trở thành một tâm lý hết sức phổ biến trong nhiều cộng đồng hiện đại. Điều này lý giải vì sao ngay khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, người dân đổ xô đi mua giấy vệ sinh để tìm kiếm cảm giác an tâm về sự sạch sẽ trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.

Người dân ùn ùn đi thu gom giấy vệ sinh ở các siêu thị. 

Sạch sẽ không quan trọng bằng cảm giác về “sự sạch sẽ”

Người dân trong thời kỳ dịch bệnh lan rộng, đi mua giấy vệ sinh là để thoả mãn cảm giác về “sự sạch sẽ” “thuần khiết” của cơ thể. Sự thoả mãn cảm giác “được sạch sẽ” quan trọng hơn sự sạch sẽ từ góc độ khoa học khách quan. Nhà nhân học Sherry B. Ortner chỉ ra rằng nhiều thực hành vệ sinh cơ thể hiện giờ không phải thuần tuý lý tính và khách quan về mặt khoa học mà vẫn chủ yếu dựa vào niềm tin và quan niệm về thế nào là sạch sẽ và thuần khiết[15].

Điều đó không có nghĩa rằng, không có “tiêu chuẩn khoa học” cho hoạt động vệ sinh cơ thể của con người. Chúng tôi muốn nói rằng, thực hành vệ sinh cơ thể của con người hàng ngày không phải lúc nào cũng dựa trên lí trí và khoa học khách quan. 

Thử lấy một ví dụ, từ góc độ khoa học hiện đại và khách quan, khi chúng ta tiếp xúc với mầm bệnh, chúng ta sẽ phải rửa tay bằng xà phòng hết sức kỹ, từ khuỷu tay cho đến từng đầu ngón tay liên tục trong vòng 20 giây. Sau đó chúng ta phải làm khô tay chúng ta. Thực hành đó là để đảm bảo rằng, vi khuẩn và virus sẽ không thể gây bệnh và truyền nhiễm cho chúng ta. Song đương nhiên, chúng ta sau khi đi nặng, sẽ không rửa hậu môn bằng xà phòng liên tục trong vòng 20 giây rồi sau đó sấy khô để phòng ngừa bệnh tật. Cách đơn giản nhất, đó là dùng giấy vệ sinh để tạo cảm giác khô, thoáng và sạch sẽ, dù từ góc độ khoa học, giấy vệ sinh không thực sự sạch như chúng ta nghĩ[16], thậm chí, nó còn không thể chùi sạch được chất thải[17]. 

Dù rằng nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng: dùng vòi xịt sạch hơn và thân thiện hơn[18] với môi trường hơn là dùng giấy vệ sinh, tâm lý và thực hành văn hoá vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc định hành vi của con người, đặc biệt là khi mọi người cảm thấy hoảng sợ trước bệnh tật. Chỉ thông qua việc tìm hiểu về lịch sử bệnh truyền nhiễm và lịch sử tâm lý, xã hội, chúng ta mới có thể lý giải được những thói quen mang tính vô thức, được thực hành qua nhiều thế kỷ mà không phải người Âu – Mỹ hiện đại nào cũng có thể nhận ra được. 

Chú thích:

1) https://www.nytimes.com/2020/03/13/business/toilet-paper-shortage.html
2) https://www.nytimes.com/2020/03/13/business/toilet-paper-shortage.html
3) Georges Vigarello (1985), Le propre et le sale, Paris: Editions du Seuil.
4) Camporesi, P. (1995), Il governo del corpo (Sự quản trị đối với cơ thể), Milano: Garzanti.
5) Camporesi, P. (1995), Il governo del corpo (Sự quản trị đối với cơ thể), Milano: Garzanti.
6) https://www.cdc.gov/healthywater/drinking/history.html
7) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6501942/
8) Speltini, Giuseppina, and Stefano Passini (2014) "Cleanliness/dirtiness, purity/impurity as social and psychological issues." Culture & Psychology 20.2, trang 203-219.
9) https://www.britannica.com/topic/purification-rite/The-transformation-of-pollution-into-purity
10) https://www.britannica.com/topic/purification-rite/Types-of-purification-rites
11) https://www.britannica.com/topic/purification-rite/Types-of-purification-rites
12)https://www.jstor.org/stable/2778849?seq=1 và
https://qz.com/1183992/why-europe-was-overrun-by-witch-hunts-in-early-modern-history/ và
https://www.faculty.umb.edu/gary_zabel/Courses/Phil%20281b/Philosophy%20of%20Magic/Arcana/Witchcraft%20and%20Grimoires/case_witchhunts.html?fbclid=IwAR1xtiV0vp2Yh1lJ1V9FYKafeZLBd3Dqj6saaHRkrVSfdQ2Y9znKFB5bpg
13) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3189352/
14) https://journalofethics.ama-assn.org/article/stigmatization-complicates-infectious-disease-management/2010-03
15) https://www.britannica.com/topic/purification-rite/Pollution-beliefs-in-modern-society
16) https://www.independent.co.uk/life-style/toilet-paper-stop-use-wet-wipes-doctor-health-problems-bidets-a8028906.html
17) https://www.dailymail.co.uk/health/article-5025367/Doctors-warn-toilet-paper-does-little-remove-feces.html
18) https://www.scientificamerican.com/article/earth-talks-bidets

Theo Tạp chí Tia sáng

Bạn đang đọc bài viết Tại sao khủng hoảng giấy vệ sinh trong dịch COVID-19?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.