Thứ ba, 23/04/2024 22:22 (GMT+7)

Tại sao phải “cứu” BOT trong khi DN vận tải cũng đang “chết chìm”?

MTĐT -  Thứ năm, 14/05/2020 10:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau đề xuất tăng phí "cứu" doanh nghiệp BOT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhiều DN vận tải đã bày tỏ ý kiến không đồng tình.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo hướng cho phép các trạm BOT được tăng phí, thay vì nhà nước phải bỏ ra hơn 5.000 tỉ đồng hỗ trợ.

Doanh nghiệp vận tải cũng đang đứng trước bờ vực

Liên quan đến việc đề xuất Chính phủ cho phép các trạm BOT được tăng phí, nhiều DN vận tải đã bày tỏ ý kiến không đồng tình.

Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng dịch Covid-19 đã khiến ngành vận tải bị ảnh hưởng nặng nề, các DN ở Thừa Thiên - Huế đang "kêu trời" vì từ tháng 3 đã bị tác động mạnh, tháng 4 ngừng hoạt động, từ đầu tháng 5 đến nay mới bắt đầu hoạt động trở lại nhưng lượng khách đi lại chỉ bằng 40% so với những năm trước. Hiện DN đang đề xuất giảm phí bảo trì, cầu đường. Theo ông Long, việc các nhà đầu tư BOT đề xuất tăng phí là bất hợp lý, sẽ "giết chết" ngành vận tải.

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lên Chính phủ tăng phí BOT "cứu" nhà đầu tư dự án giao thông.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cũng cho biết trong khi tần suất hoạt động vận tải, lượng khách sụt giảm lớn, rất nhiều doanh nghiệp liên quan đến lưu thông hàng hóa đều bị ảnh hưởng thì phí BOT, bảo trì đường bộ đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Trong khi các loại thuế phí khấu hao tài sản cố định, lãi suất ngân hàng vẫn giữ nguyên... thì mức phí BOT trong hướng tuyến xe chạy của doanh nghiệp hiện đang rất cao. Nếu tăng phí BOT để cứu vãn nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp khác,” ông Hải cho hay.

Theo ông Hải, phí BOT đang là chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải (chiếm khoảng 40% chi phí).

“Thời điểm khó khăn này, Nhà nước không nên tăng phí BOT và thời điểm điều chỉnh tăng là không phù hợp. Nếu cần thiết phải điều chỉnh để 'cứu' nhà đầu tư thì phải có lộ trình, thời gian phù hợp khi mọi hoạt động lưu thông hàng hóa đi lại bình thường và kinh tế xã hội phục hồi,” ông Hải bày tỏ quan điểm.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) cho biết các doanh nghiệp vận tải cũng như Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ xem xét miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phí BOT để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Trong khi doanh nghiệp còn đang 'sống dở, chết dở’ khi chưa được hưởng sự hỗ trợ được một đồng nào về giảm giá dịch vụ, miễn giảm thuế phí từ Chính phủ thì việc kiến nghị cho phép tăng phí đường bộ một loạt các trạm BOT trên cả nước không khác gì ‘đạp’ cho thêm 1 cái nữa cho chết hẳn,” ông Bằng ví von.

Cũng theo ông Bằng, việc tăng phí qua các trạm BOT là lộ trình theo hợp đồng hợp về lý, nhưng vào thời điểm tất cả các doanh nghiệp còn đang “thoi thóp” do dịch bệnh thì đề xuất tăng phí BOT một loạt các trạm là rất "phản cảm", không hợp tình.

Nhà đầu tư BOT và ngân hàng cùng “chết chìm”

Còn đứng dưới góc độ nhà đầu tư BOT, theo ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc-Hòa Bình, đối với dự án Hòa Lạc-Hòa Bình, tháng 12/2019 và tháng 1/2020 tức là thời điểm trước khi có dịch Covid-19, doanh thu khoảng hơn 11 tỷ đồng/tháng. Trong tháng Ba và Tư xuống còn hơn 8 tỷ, tức là sụt giảm khoảng 30%.

Ông Bát cho biết theo lộ trình tăng phí quy định trong hợp đồng, từ 1/1, doanh nghiệp dự án được tăng phí 18% so với mức hiện nay là 35.000 đồng/xe tiêu chuẩn/lượt nhưng hiện vẫn chưa được tăng. Doanh nghiệp đã có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đối với việc áp dụng lộ trình tăng phí và tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Cụ thể, doanh nghiệp này kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất, bởi hiện nay khoản vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) lãi suất là 12,8%, trong khi theo hợp đồng BOT tối đa 11%.

Doanh nghiệp dự án đề xuất sớm cho tăng giá vé theo lộ trình vì dự án này thời gian thu phí lên tới 27-28 năm với điều kiện phải được tăng giá vé, tăng trưởng lưu lượng xe đạt theo dự báo, nếu chậm tăng giá vé tiền lãi cứ cộng dồn vào sẽ ‘đánh gục’ doanh nghiệp ngay. Nếu không được tăng giá vé mà theo phương án Nhà nước hỗ trợ thì tốt quá nhưng phương án này rất khó thực hiện,” ông Bát phân tích.

Khẳng định doanh nghiệp vận tải cũng khó khăn nhưng doanh nghiệp BOT còn khó khăn hơn vì trước đây 2-3 năm đã phải giảm giá vé theo chỉ đạo của Nhà nước, vị Giám đốc Công ty BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình thừa nhận thực tế nếu được tăng giá vé theo lộ trình cũng không đủ huống hồ hiện nay không được tăng giá vé.

Khó khăn này do nguyên nhân khách quan, không phải từ nhà đầu tư. Ví dụ hợp đồng trước đây không tính đến phương án chậm tăng giá vé và số tiền phải miễn giảm cho người dân quanh trạm thu phí. Ngoài ra còn nhiều phát sinh đi kèm, cứ chậm ngày nào ngân hàng cũng chết mà nhà đầu tư cũng chết và điều này dẫn đến việc thu hút đầu tư BOT thời gian tới càng khó thực hiện hơn,” ông Bát đánh giá.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp BOT đang gặp nhiều khó khăn, Bộ GTVT vừa đề xuất Chính phủ các giải pháp hỗ trợ.

Về phí, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án thu phí. Theo đó, phương án 1 cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải.

Phương án 2 giữ nguyên mức phí, chỉ tăng theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Song, nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án 1 do không phải bố trí ngân sách nhà nước.

P.V(Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tại sao phải “cứu” BOT trong khi DN vận tải cũng đang “chết chìm”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Trì: Nguy cơ tai nạn giao thông do mất nắp hố ga
Tình trạng hố ga, miệng cống thiếu nắp, mất nắp tại tuyến đường Đại Thanh tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân lưu thông trên đường. Điều đáng nói, một số miệng cống, hố ga này không được che đậy, cảnh báo, thậm chí, đã lâu không được thay thế, bổ sung

Tin mới