Thứ năm, 28/03/2024 16:16 (GMT+7)

Tái thả động vật hoang dã vì mục đích bảo tồn

MTĐT -  Thứ sáu, 09/09/2022 14:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm nay, ngoài mục đích cứu hộ động vật hoang dã khỏi nạn buôn bán, săn bắn trái pháp luật, còn tái thả hàng nghìn cá thể về môi trường tự nhiên.

Hoạt động này không chỉ làm phong phú hệ sinh thái mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam.

Tái thả động vật hoang dã vì mục đích bảo tồn
Cán bộ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thả rùa đầu to về môi trường tự nhiên tại khu vực miền Trung. Ảnh: Ngọc Ánh

Sau 26 năm thành lập, hiện nay, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã trở thành “ngôi nhà chung” của nhiều loài động vật trước khi được thả trở về tự nhiên. Các động vật đưa đến trung tâm đều được đội ngũ cán bộ, bác sĩ thú y chăm sóc tận tình. Từ đầu năm 2022 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 89 vụ, với 741 cá thể động vật hoang dã và 33,4kg rắn các loại. Trong số này, 90% cá thể động vật chuyển đến trung tâm là tang vật của các vụ án hình sự. Vấn đề này gây ra những khó khăn nhất định trong công tác chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho động vật hoang dã bởi chúng thường bị suy nhược cơ thể, nhiễm bệnh, bị thương trong quá trình săn bắt, nuôi nhốt và vận chuyển. Thời gian phục hồi sức khỏe của các cá thể này khoảng 3-5 tuần trước khi được thả về tự nhiên.

Phó Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội) Nguyễn Duy Hải cho biết: Sau cứu hộ, từ đầu năm đến nay, trung tâm tổ chức 3 đợt tái thả với 357 cá thể động vật hoang dã và 40kg rắn tại Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) và rừng đặc dụng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội). Số động vật được thả về tự nhiên chủ yếu là: Culi, chim yểng, vẹt ngực đỏ, vẹt má vàng, khướu bạc má, chim di đá, sáo đá, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, dúi, mèo rừng, rái cá, rùa bốn mắt, rùa sa nhân, rùa hộp trán vàng miền Bắc...

Sau khi thả, trung tâm tiếp tục phối hợp với ban quản lý các vườn quốc gia, hạt kiểm lâm các địa phương theo dõi quá trình thích nghi của động vật với môi trường tự nhiên. Chẳng hạn, để thả được loài rùa sa nhân về tự nhiên, trung tâm phối hợp với Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) xây dựng phương án thả một cách khoa học, bài bản. Trước khi thả, trung tâm lấy mẫu (máu và da) của các cá thể rùa để xác định nguồn gen thuộc vùng nào? Có mắc bệnh truyền nhiễm hay không? Thậm chí khi thả, vị trí mỗi cá thể rùa phải cách nhau 300m, dọc theo bờ suối có dòng nước chảy chậm. Sau khi thả xong, ghi chép đầy đủ thông tin về môi trường thả thế nào, nguồn thức ăn ra sao… phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu hệ sinh thái. Một số con rùa còn được gắn chíp điện tử hoặc đánh dấu theo dõi quá trình hòa nhập và phát triển trong tự nhiên.

Với mèo rừng, trung tâm chọn những khu rừng rậm xen núi đá và gần suối... có nguồn thức ăn dồi dào để mèo săn mồi và thích nghi nhanh với môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng, để đơn thuần tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên không quá khó, nhưng tái thả mang tính bảo tồn theo tiêu chuẩn IUCN (Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên) thì lại rất khó. Bởi, IUCN đưa ra 7 tiêu chí tái thả, gồm: Đánh giá hiện trạng bảo tồn của loài mục tiêu; xác định mục tiêu bảo tồn của loài ưu tiên; đánh giá các lựa chọn để đạt được mục tiêu; ra quyết định chuyển dịch vì mục đích bảo tồn; thiết kế và lập kế hoạch chuyển dịch; triển khai kế hoạch chuyển dịch loài mục tiêu; giám sát và đánh giá kết quả. Căn cứ theo tiêu chuẩn này, từ trước đến nay, trung tâm mới thực hiện được 6 tiêu chí. Còn tiêu chí giám sát và đánh giá kết quả (hay còn gọi là đánh giá khả năng thích nghi của động vật với môi trường tự nhiên sau tái thả) đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trung tâm đang đề xuất các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ triển khai.

Ông Lương Xuân Hồng cho biết thêm, trung tâm đặt mục tiêu quý IV-2022 thí điểm tái thả chim hồng hoàng về môi trường tự nhiên theo tiêu chuẩn của IUCN. Hiện, đội ngũ bác sĩ thú y của trung tâm đang phối hợp với các chuyên gia của Mỹ làm các xét nghiệm (gen, bệnh lý, cơ, phổi...) của 7 cá thể chim hồng hoàng. Cuối năm 2022 có kết quả, trung tâm sẽ chọn 2 cá thể đủ điều kiện để tái thả đợt đầu về môi trường tự nhiên. Trong điều kiện thuận lợi, năm 2023-2024, trung tâm sẽ hoàn thành chương trình tái thả 7 cá thể này về tự nhiên.

Tuy nhiên, theo đánh giá ban đầu, các cá thể chim hồng hoàng được chăm sóc tại trung tâm đang gặp vấn đề về cơ ở cánh, do không gian chuồng trại chật hẹp, chim ít vận động nên cánh bị yếu. Vì vậy, muốn tái thả được, trung tâm phải phục hồi cơ cho các cá thể chim hồng hoàng bằng cách di chuyển vào không gian chuồng lưới rộng hơn tại Vườn quốc gia Cúc Phương hoặc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để luyện tập, phục hồi cơ hoàn toàn trước khi tái thả về tự nhiên.

Trong 5 năm (2017-2022), Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiếp nhận gần 600 vụ với hơn 5.000 cá thể động vật hoang dã và 250kg rắn các loại từ các cơ quan chức năng trên cả nước; tổ chức tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên 22 đợt với khoảng 1.400 cá thể và hàng chục kilôgam rắn về các vườn quốc gia. Bên cạnh đó, trung tâm cũng chuyển giao động vật hoang dã sau cứu hộ 35 đợt với 860 cá thể cho Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội, Vườn quốc gia Cúc Phương, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. Tại trung tâm, công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao như: Hổ, gấu, chim công, vượn đen má trắng... luôn được thực hiện tốt, bảo đảm các quy định của pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết Tái thả động vật hoang dã vì mục đích bảo tồn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới