Thứ năm, 28/03/2024 22:34 (GMT+7)

Tạm ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam: Người tiêu dùng chịu thiệt?

MTĐT -  Thứ sáu, 19/01/2018 10:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các chuyên gia phân tích, việc các hãng xe hơi tạm ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam họ sẽ không chịu nhiều thiệt hại mà ngược lại chính người tiêu dùng mới bị thiệt thòi.

Hai hãng xe hơi lớn của Nhật là Toyota và Honda đã ra thông báo sẽ tạm ngừng xuất khẩu xe ô tô sang thị trường Việt Nam do không đáp ứng được những quy định ngặt nghèo của Nghị định 116. Nếu như trước đây, người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn ảo tưởng về một giấc mơ ô tô giá rẻ thì với thông tin này giấc mơ đó coi như tan tành trong mây khói.

Nghị định 116 yêu cầu mỗi lô hàng xe nhập khẩu đều phải lấy ra một xe để kiểm định. Trước đây, chỉ phải kiểm định lô hàng đầu tiên trong mỗi dòng xe nhập về nước. Ngoài ra, Nghị định cũng yêu cầu các hãng xe phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới (VTA) do nước ngoài cung cấp. Mà nhiều nước trên thế giới không cung cấp giấy tờ này cho xe xuất khẩu.

Nhiều hãng xe tạm ngừng xuất khẩu sang Việt Nam vì không đáp ứng được Nghị định 116.

Giải thích về lý do tạm ngừng xuất khẩu xe sang thị trường Việt Nam, Chủ tịch Toyota Thái Lan, ông Michinobu Sugata cho biết:Thị trường ô tô Việt Nam năm 2017 đã giảm sút về doanh số vì người tiêu dùng chờ đợi tác động từ mức thuế mới và trì hoãn việc mua xe”.

Theo thống kê từ VAMA, doanh số bán ô tô ở Việt Nam giảm 10% so với 2016.

“Chúng tôi dự kiến tăng trưởng mạnh trong năm 2018, nhưng với những quy định mới vừa được áp dụng, chúng tôi không thể xuất khẩu xe đến Việt Nam nữa”, ông Sugata chia sẻ.

Phòng thương mại và công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho biết, một lần kiểm định khí khải có thể phải mất 2 tháng và tiêu tốn 10.000 USD. “Điều đó gây ra sự lãng phí to lớn về cả thời gian và tiền bạc”. Và điều này cũng làm thời gian xe từ hãng đến đại lý rồi giao cho khách hàng cũng sẽ kéo dài hơn rất nhiều.

Là một dòng xe khá quen thuộc tại thị trường Việt Nam, Honda từng tự tin là với kế hoạch nhập khẩu nguyên chiếc mẫu crossover CR-V thế hệ mới từ Thái Lan về Việt Nam nhằm tận dụng ưu thế về thuế suất thuế nhập khẩu nội khối ASEAN 0% bắt đầu từ 2018. Nhưng từ khi Nghị định 116 ra đời thì mọi thứ lại thay đổi, hiện nay việc sản xuất CR-V cho Việt Nam đã bị ngưng.

Honda từng kỳ vọng nhập khẩu 10.000 chiếc CR-V trong năm 2018, tăng 70% so với sản lượng sản xuất tại Việt Nam trong năm ngoái, đặc biệt khi dòng CR-V này là thế hệ hoàn toàn mới, có nhiều cải tiến vượt trội.

“Dòng CR-V mới rất được ưa thích và chúng tôi đã nhận 200 đơn đặt hàng. Nhưng xe sẽ không về thêm nữa, sớm nhất phải đến tháng 4 mới biết được”, một chủ đại lý kinh doanh ô tô Honda ở Hà Nội cho biết.

Honda nằm trong những dòng xe bán chạy tại Việt Nam.

Đây là hai hãng xe có doanh số khủng tại thị trường Việt Nam. Năm 2017, doanh số của Toyota Việt Nam đạt mức kỷ lục khi bán ra hơn 59.350 xe (không tính dòng Lexus), sản lượng sản xuất năm 2017 tại Việt Nam của hãng này đạt gần 41.500 chiếc.

Honda Việt Nam cũng đã bán ra hơn 12.000 chiếc, con số cao nhất từ ngày hãng này thành lập tại Việt Nam và cũng là năm thứ 5 liên tiếp Honda Việt Nam đạt kỷ lục doanh số bán theo năm.

Điều đáng nói, không chỉ có Toyota và Honda, những liên doanh khác tại Việt Nam cũng cho biết họ không thể nhập xe về bán như Ford, Mitsubishi hay Suzuki.

Người tiêu dùng phải điều chỉnh sở thích

Trước thông tin, hai hãng ô tô lớn này tạm ngừng xuất khẩu xe sang thị trường Việt Nam, một chủ đại lý xe hơi trên đường Phạm Hùng (Q.8, TP. HCM) cho rằng, trước mắt, thị trường cũng không có gì thay đổi nhưng về lâu dài, người tiêu dùng phải tự điều chỉnh sở thích để chuyển sang thương hiệu khác.

Hiện tại, một vài mẫu xe cao cấp như Lexus, Land Cruiser sẽ khó có hàng hơn, còn dòng xe phổ thông hầu như không mấy thay đổi.

Chủ đại lý xe này phân tích: “Lượng xe sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam của Toyota đáp ứng gần đủ nhu cầu thị trường. Trung bình mỗi năm, hãng này chỉ nhập khẩu thêm tầm 1.000 chiếc, chủ yếu các dòng xe từ trung đến cao cấp. Nên việc ngưng nhập, thị trường không mấy biến động. Chưa kể năm 2017, tập đoàn ô tô lớn của Nhật cũng đã đầu tư hơn 15 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất lắp ráp tại Việt Nam”.

Đang có ý định mua mẫu xe Fortuner của hãng Toyota anh Thành Trung (quận 1, TP. HCM bày tỏ sự thất vọng, anh cho biết: “Hỏi nhiều đại lý đều nhận được cái lắc đầu hết hàng, phải chờ đến giữa năm mới có, hoặc nếu muốn có ngay thì phải trả thêm hơn 100 triệu đồng/xe. Có đại lý nói còn hàng nhưng không có mẫu mới nhất, chỉ có mẫu cũ”.

“Đọc báo biết thông tin hãng Toyota ngừng xuất khẩu sang Việt Nam, tôi thấy hết hy vọng. Chắc kiểu này phải quay sang mua mấy mẫu ô tô lắp ráp trong nước hoặc mua ô tô cũ” - anh Trung nói thêm.

Tranh cãi về Nghị định 116

Từ khi Nghị định 116 có hiệu lực đã có những tranh cãi xung quanh vấn đề này, nhiều người cho rằng những “rào cản” tại Nghị định này sẽ khiến xe nhập khẩu gặp khó, không tận dụng được lợi thế thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về 0% từ đầu năm 2018 và các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hưởng lợi.

Nhiều người cho rằng, điều kiện giấy VTA khó khả thi bởi lẽ có nhiều nước trên thế giới không cung cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu.

Nhưng theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng: “Các công ty ô tô Việt Nam chớ vội mừng vì các hãng xe nhập từ ASEAN vẫn có thể đáp ứng đủ điều kiện nhập khẩu”.

Ông Đồng phân tích: “Các hãng xe thông báo tạm ngừng xuất khẩu sang Việt Nam nhưng họ không bị thiệt hại nhiều vì các hãng này đều có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam với những mẫu xe bán chạy nhất thị trường như Vios, Innova, CR-V, Civic… Vì vậy, thông báo trên có thể chỉ là chiêu giữ giá các mẫu xe lắp ráp trong nước. Qua Tết, sau khi có giấy chứng nhận VTA trong tay, các hãng này lại thông báo xuất khẩu lại vào Việt Nam và khi đó giá xe nhập càng cao chứ không giảm như mong đợi”.

Trong khi đó, các đơn vị sản xuất, lắp ráp trong nước lại tỏ ra đồng thuận với  quy định của Nghị định 116. Theo đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), quy định về giấy VTA đối với xe nhập đã dựa trên tiêu chí bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như sự công bằng giữa các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, lắp ráp trong nước với các nhà nhập khẩu. Từ đó tạo điều kiện để phát triển một nền công nghiệp ô tô thực sự.

P.V(Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tạm ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam: Người tiêu dùng chịu thiệt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.