Thứ bảy, 20/04/2024 05:31 (GMT+7)

Tâm sự của anh công nhân làm đẹp cho dòng sông Tô Lịch

TRANG TRIỆU -  Thứ tư, 20/03/2019 15:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bất cứ ai đi qua sông Tô Lịch cũng đều phải che mũi, che miệng hoặc đi thật nhanh. Thế nhưng, lại có những người bất kể là nắng hay mưa vẫn phải phơi mình gom rác dọc con sông ô nhiễm này.

Chỉ với đôi găng tay, chiếc khẩu trang mỏng và bộ đồng phục bảo hộ, họ vẫn miệt mài vớt từng mảnh rác trên dòng sông Tô Lịch cho lên chiếc thuyền nhỏ. Họ chính là những công nhân của Công ty Thoát nước Hà Nội.

Vớt rác cũng phải học

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Dũng, công nhân Xí nghiệp thoát nước số 1(thuộc Công ty thoát nước Hà Nội) trong một ngày đầu xuân khi anh đang làm việc trên dòng sông Tô Lịch. Vừa trò chuyện với chúng tôi, anh vừa thoăn thoắt thu gom rác ven sông.

Nguyễn Văn Dũng công nhân thuộc Xí nghiệp thoát nước số 1(thuộc Công ty thoát nước Hà Nội).

Anh Dũng cho biết: “Công việc vớt rác trên sông Tô Lịch của mình buổi sáng từ 7h30 đến 12h và buổi chiều bắt đầu từ 13h đến 16h30 kể cả thứ 7 và Chủ nhật, thậm chí cả các ngày lễ, Tết”.

Dụng cụ làm việc là những chiếc thuyền nhỏ bằng tôn, vài chiếc bao tải, gáo múc nước và không thể thiếu đó chính là chiếc gậy bằng tre nhỏ dài ở đầu có buộc một cài cào 3 răng để vớt rác. Và đấy cũng chính là mái chèo để đẩy thuyền đi trên dòng nước đen nghịt ấy. Thuyền đi đến đâu đằng sau mặt nước đen ngòm là hàng nghìn hàng vạn bong bóng bẩn nổi lên mặt nước lẽo đẽo sau thuyền.

Những thứ vớt được từ dưới sông không thiếu thứ gì, nhưng nhiều nhất vẫn là nilon, thùng xốp, nhựa. Anh Dũng cười vui vẻ: “Công việc này không phải quá khó khắn, nhưng đỏi hỏi phải có kỹ năng trước khi học việc thì cần học chèo thuyền vì nếu không cẩn thận là được tắm nước sông Tô Lịch ngay. Phải lựa để vừa đứng trên thuyền sao cho cân bằng mà tay còn phải điều chỉnh cái gậy tre sao cho cào được rác và vớt chúng đưa lên thuyền. Lúc mới vào nghề, nhiều lần mình “tắm” sông bất đắc dĩ. Từ những “tai nạn” đó, mình rút kinh nghiệm, cẩn thận hơn và đây cũng chính là cái duyên để mình đến với nghề và gắn bó với nghề”.

Những thứ vớt được từ dưới sông không thiếu thứ gì, nhưng nhiều nhất vẫn là nilon, thùng xốp, nhựa.

Cái lý của người ném rác xuống sông

Đang mải trò chuyện, tôi thấy một người dân sống gần đó đã “tiện tay” vứt những túi rác thẳng xuống sông trong sự ngỡ ngàng. Khi tôi hỏi, anh có thường xuyên nhắc nhở người dân về việc đổ rác hay không thì nhận được câu trả lời rằng: “Có chứ, chúng tôi nhắc suốt đấy, nhưng họ bảo có vứt rác thì công nhân vệ sinh mới có việc để làm có người lại nói tôi đóng tiền tôi có quyền”, dứt lời anh cười đầy chua chát.

Theo anh Dũng, không giống như rác thải ở trên cạn, rác được ném xuống sông ngay lập tức ngấm nước bẩn và nên việc vớt rác càng trở nên khó khăn hơn. Anh phải điều khiển thuyền đi đến chỗ nhiều rác, cầm chiếc gậy ba răng vươn người ra và cào vào những vị trí nhiều rác rồi khom người kéo về đắp lên thuyền. Chả mấy chốc mà chiếc thuyền đã đầy ắp rác.

Nhìn anh Dũng hì hục “chiến đấu” với rác khiến chúng tôi càng cảm phục hơn những người như anh. 

Anh Dũng bùi ngùi chia sẻ: “Sáng vớt một thuyền, chiều vớt một thuyền, ngoài ra chúng tôi còn phải dọn rác, cắt cỏ và quét rác sườn hai bên sông. Ngày nào cũng vớt, cũng dọn nhưng ngày nào cũng có, thậm chí còn nhiều hơn hôm trước. Vì thế mà không bao giờ hết việc để làm cả. Chúng tôi mong muốn người dân ý thức hơn, không vứt rác bừa bãi để bảo vệ môi trường”.

Nhìn anh Dũng hì hục “chiến đấu” với rác khiến chúng tôi càng cảm phục hơn những người như anh. Song không phải ai cũng thấu hiểu và chia sẻ với những vất vả cả họ, khi mà rác thải dưới lòng sông ngày một nhiều hơn. Lý do khiến anh cũng như bao đồng nghiệp khác đang làm việc tận tâm, tận lực là vì họ đều mong chờ một ngày được nhìn thấy dòng sông Tô Lịch nổi tiếng một thời được "thay da đổi thịt".

“Đi dọc bờ sông, tôi vẫn tin và mong  rằng một ngày nào đó nước sông Tô sẽ xanh trở lại để khơi nguồn nét đẹp văn hoá của Thủ đô ngàn năm văn hiến”, ánh mắt anh Dũng ánh lên khi chia sẻ với chúng tôi.

Bạn đang đọc bài viết Tâm sự của anh công nhân làm đẹp cho dòng sông Tô Lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...