Thứ bảy, 20/04/2024 07:51 (GMT+7)

Tâm sự của công nhân vệ sinh môi trường Mai Thị Huệ

MTĐT -  Thứ tư, 07/03/2018 22:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chị bảo, làm nghề nhiều năm rồi thấy quen, không làm lại thấy nhớ việc. Mà nghề VSMT cũng có nhiều niềm vui lắm, chỉ cần mỗi lần quét xong thấy các con đường lại sạch đẹp là lòng thấy phấn khởi.

Chị Mai Thị Huệ là công nhân của Công ty TNHH XD – TM & SX Nam Thành Ninh Thuận. Không khó để bắt gặp chị đang quét dọn rác trên các tuyến đường của huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận. Người phụ nữ ấy dáng người nhỏ bé, lầm lũi, ánh mắt dường như chứa đầy những lo toan. Đó là ánh mắt của người đã bươn trải qua bao sóng gió cuộc đời.

Chị Huệ sinh ra ở Thanh Hóa nhưng vì cuộc sống ở quê nghèo quá nên chị quyết một mình vào Ninh Thuận lập nghiệp với mong muốn có cuộc sống khấm khá hơn. Nghề đầu tiên chị làm là công nhân tại Trung tâm Bông Nha Hố. Rồi chị kết hôn với anh Nguyễn Văn Lý, hai vợ chồng đều làm công nhân nên cuộc sống chật vật, khó khăn, tài sản quý giá nhất đối với họ chính là 2 người con.

Chị Mai Thị Huệ, công nhân của Công ty TNHH XD – TM & SX Nam Thành Ninh Thuận.

Vì thu nhập thấp nên để lo cho con được cuộc sống đầy đủ, anh chị phải đi vay mượn nhiều nơi để trang trải cuộc sống. Nhưng đến năm 2010, căn bệnh hiểm nghèo đã khiến anh Lý qua đời và để lại một khoản nợ lớn. Vừa đau đớn vì mất đi người chồng yêu thương, chị Huệ lại phải gồng mình để trả nợ và nuôi con.

Nghèo khó đã đành những khổ nhất là phải chịu cảnh nợ nần chồng chất. Để có tiền trả nợ, chị loay hoay tìm một công việc được trả lương cao hơn. Từ Trung tâm Nha Hố, chị lại chuyển về làm công nhân Nhà máy gạch tuy nen. Nhưng đồng lương ở đây chả hơn được bao nhiêu mà công việc lại quá khó nhọc. Đến năm 2012, một người quen mới giới thiệu cho chị vào làm ở đội Vệ sinh môi trường của Công ty TNHH XD – TM & SX Nam Thành, Ninh Thuận. 

Và cứ thế 6 năm nay chị lao động cặm cụi vừa để trả nợ vừa để nuôi sống gia đình. Làm công nhân môi trường tuy có thu nhập ổn định hơn trước nhưng vẫn phải chắt chiu vì còn lo cho 2 con ăn học. Công việc của chị sắp xếp tùy từng hôm, có hôm làm ngày, có hôm làm đêm nhưng dù bất kể là ngày hay đêm, lúc đường phố ồn ào tấp nập hay khi mọi người đã ngủ say, đường phố im lặng tĩnh mịch, chị vẫn lặng lẽ kéo xe dọn rác đi khắp các con đường. Chị tỉ mẩn quét rồi nhặt từng cọng rác nhỏ nhất. Tuy quãng đường phải quét chỉ có 2,3km nhưng hầu như ngày nào chị cũng đi hơn chục cây số vì phải quét đi quét lại, có khi vừa đi được vài bước ngoảnh lại đã thấy bộn bề rác. 

Kết thúc một ca làm việc mệt nhọc bên xe rác, về đến nhà nhiều khi đã đêm khuya. Người mệt mỏi rã rời chỉ muốn được nghỉ ngơi nhưng chị lại dành thời gian kiểm tra bài học của con. Chị luôn nhắc nhở các con cố gắng học hành để mai sau giúp cho xã hội tốt đẹp hơn. Như đáp lại sự động viên, mong mỏi của mẹ, mặc dù không được học thêm hay có nhiều thời gian cho việc học, mẹ bận cũng không có nhiều thời gian chăm sóc như những đưa trẻ khác nhưng hai đứa con luôn nỗ lực, năm nào cũng được giấy khen có thành tích học tập xuất sắc. Điều này làm cho chị vơi đi nỗi nhọc nhằn.

Chị thương hai con những dịp lễ tết không có bố mẹ ở bên vì càng những ngày cao điểm như vậy công nhân vệ sinh môi trường càng bận rộn, luôn phải tăng ca làm cả ngày lẫn đêm. Khi những đứa trẻ khác có bố mẹ chăm lo, sắm sửa, đưa đi chơi thì hai con chị lủi thủi tự mình đón lễ tết còn chị lúc đó đang nhặt nhạnh từng cọng rác mà người dân đi chơi để lại.

Nói vậy nhưng chị không hề chán ghét cái nghề này. Chị bảo làm nhiều năm rồi thấy quen, không làm lại thấy nhớ việc . Mà nghề cũng có nhiều niềm vui lắm, chỉ cần mỗi lần quét xong thấy các con đường lại sạch đẹp là lòng thấy phấn khởi. Ai cũng bảo nghề này khổ nhưng chị vẫn yêu nghề. Lâu dần chị làm việc không chỉ vì cải thiện kinh tế gia đình nữa mà vì muốn phục vụ cho xã hội cho mọi người. Dường như đã trở thành một thói quen, một bệnh nghề nghiệp khi cứ nhìn thấy rác thải hay lá cây chị lại cúi nhặt cho hết dù đã hết giờ làm việc.

Chị luôn tích cực tham gia ra quân làm vệ sinh các ngày chủ điểm như Lễ, tết, ngày môi trường thế giới, ngày ra quân làm vệ sinh môi trường do phường, xã, tỉnh, thành phố tổ chức. Điều mong muốn là cho môi trường sạch đẹp hơn nữa. Những ngày giáp Tết nguyên đán, khi mà ai cũng làm vệ sinh nhà cửa, lượng rác tăng lên gấp 5-10 lần, chị và những công nhân khác phải cố gắng thu gom toàn bộ rác về nhà máy xử lý. Chị Huệ nói vui rằng, nhà mình chưa dọn nhưng cứ đi giúp người khác dọn nhà đã.

Dù hoàn cảnh khó khăn, bản thân còn chật vật kiếm tiền trả nợ nhưng chị Huệ không bao giờ ngần ngại tham gia các hoạt động quyên góp như ủng hộ quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa. Chị cũng tích cực tham gia các phong trào của Công ty và liên tục 5 năm liền, chị được bầu chọn danh hiệu phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. 

Đến bây giờ, nhờ nghề vệ sinh môi trường, cuộc sống của 3 mẹ con chị đã dần ổn định. Công việc đã giúp chị vượt qua những khó khăn cả về vật chất và tinh thần nên dù có vất vả, nặng nhọc, chị vẫn sẽ gắn bó với nghề, cố gắng mang lại môi trường sạch đep cho người dân.

Bạn đang đọc bài viết Tâm sự của công nhân vệ sinh môi trường Mai Thị Huệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Hồng Anh

Cùng chuyên mục

Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.
Lặng thầm làm đẹp cho đời
"Khi được Công ty làm hồ sơ để đề cử đi nhận giải thưởng “Cây chổi vàng”, tôi nghĩ, được giải khuyến khích là đã mừng lắm rồi. Vậy nên khi được giải bạc, tôi và cả nhà rất vui, nhất là mẹ chồng vì bà là người tìm công việc này cho tôi khi tôi...".

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...