Thứ tư, 24/04/2024 20:26 (GMT+7)

'Tâm tư' người dọn rác

MTĐT -  Thứ năm, 05/04/2018 15:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Cam đoan với anh, những người làm nghề dọn rác như chúng tôi đều ý thức về việc xả rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Nhưng cũng chán nản khi thấy người ta vứt rác vô tư”.

Một buổi đi dạo trên biển thơ mộng, đang thả hồn với những sóng biển, cát vàng, bất chợt thấy chai nhựa, bịch nylon cuộn tròn dưới chân, bạn có thể sẽ trách những người dọn rác ở đâu mà để bờ biển bẩn? Trò chuyện với những người làm công việc vệ sinh ven biển Đà Nẵng cho ta biết một khía cạnh khác của họ.

“Ngứa mắt” khi nhìn thấy rác

Chị Hà Thị Oanh, công nhân dọn rác bên bờ biển Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng cho hay: “Chúng tôi còn buồn hơn người đi dạo. Cam đoan với anh, những người làm nghề dọn rác như chúng tôi đều ý thức về việc xả rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Nhưng cũng chán nản khi thấy người ta vứt rác vô tư”.

“Vòng xoáy” của rác trước tiên từ con người mà ra. Nếu có một dòng chảy lững lờ trên sông hay kênh rạch, bạn chỉ cần lấy cây nứa chắn ngang mặt nước sau vài giờ đồng hồ sẽ nhận được vỏ nhựa, bao nylon thậm chí cả xác gà, vịt. Rác đó sẽ về đâu, nếu không đọng lại ở những tấm chắn thì sẽ trôi ra sông, về biển. Sóng biển rồi sẽ đẩy rác trở lại bờ.

“Không ai nhận mình xả rác, nhưng ai cũng có quyền chê trách những người quét dọn bờ biển, đường phố”, chị Oanh nói. Chị và những người công nhân dọn rác than thở rằng không đủ sức để vừa dọn rác xong lại quay lại tiếp tục dọn.

Anh Phan Văn Khuê, công nhân dọn rác phàn nàn: “Chúng tôi vẫn thấy khách đi dạo, mang theo chai nước suối hoặc vài thứ đồ ăn. Nếu cất công đi theo họ, chúng tôi sẽ nhặt được rác đó từ chính tay họ vứt trên bờ cát”.

Ở một khía cạnh khác, nếu là người ưa dọn dẹp, khi đến chơi nhà một người quen thấy sân nhà nhiều lá rụng cũng “ngứa tay” muốn cầm chổi quét cho sạch sẽ. Với những người thu gom rác, vệ sinh môi trường khi nhìn thấy rác đâu đó trong ngõ nhà bạn, dưới sân nhà người quen thì sao? Anh Khuê cho hay: “Cảm giác tưng tức, muốn nhắc nhở, muốn làm”. Với chị Oanh thì rằng: “Đôi lần mình làm, được khen và vui. Nhưng có lần bị nói là mắc bệnh… nghề nghiệp”.

Những giọt mồ hôi của người quét rác không mấy ai thấy, nhưng một cái lia chổi, túi nylon, lá cây bay ngược trở lại hẳn có người nhìn, không khỏi nghĩ họ vụng nghề. “Ngay như bờ biển Nguyễn Tất Thành này, dọn rồi, dọn lại vẫn còn rác? Vậy nên không thể đòi hỏi sự tuyệt đối ở chúng tôi”.

Nếu có một ước mơ

“Gom rác bờ biển đã thành một công việc, thành một nghề và thành một sự báo thức”, anh Nguyễn Văn Thức, công nhân gom rác bờ biển Đà Nẵng cho biết. Anh Thức kể, từng đến bãi biển Nha Trang chiêm ngưỡng chiếc xe gom rác trên cát. Câu chuyện về một du khách người Canada nhặt rác trên bờ biển Nha Trang khiến những người dọn rác bên bờ biển Đà Nẵng thấy ấm lòng: “Chúng tôi không sợ mất việc vì những người như thế, mà chỉ mong mọi người ném rác xuống sông, xuống cống rãnh nên nghĩ đến bờ biển sẽ là nơi rác dồn về”.

Câu chuyện về chiếc can đựng dầu nhờn được vứt xuống biển, sóng đánh dạt vào gành đá, hàu bám vào sinh sống. Rồi sóng xô, biển giật, chiếc can đó bị bật ra khỏi gành đá trong vịnh Đà Nẵng trôi vào bờ cát hẳn ít người biết. Với những công nhân dọn rác thì không hiếm lần bắt gặp rồi thu dọn, như một nỗi ám ảnh về bờ biển của mình.

Công nhân vệ sinh dọn rác trên bờ biển Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng.

Nghề nghiệp nào, quan tâm ấy, anh Thức trò chuyện: “Tôi có đọc báo và biết một dự án thu gom rác của nước ngoài, họ đã gom được gần 700.000 tấn nhựa năm 2014”. Nhựa, các chế phẩm từ cao-su không thể hòa tan trong lòng biển khơi. Chị Oanh nói: “Khi xem ảnh của các con, các cháu đi chơi, chụp hình kỷ niệm tôi đều nhìn thấy rác là vỏ bao bánh kẹo, bim bim, túi bóng lởn vởn trong ảnh”.

Khó có thể tránh xa được rác. Người ta đang đưa ra những khái niệm về rác thân thiện môi trường, rác tự hủy... Từ bãi cát đến vệ đường, triền đê đâu đâu cũng thấy rác. Rác đã làm mất đi tính thơ mộng một thời, không dừng lại ở đó, nó còn làm mất đi sự an toàn bên những bờ cát vàng mịn. Vịnh Đà Nẵng như một “cái rốn” chứa rác từ phố xá, sông Hàn mang tới, sóng biển đẩy vào bờ.

Cách đây không lâu, một Á hậu Hoàn vũ 2017 đã kêu gọi hạn chế dùng bao nylon đựng đồ ăn, thức uống, trái cây. Trên trang mạng cá nhân, cô viết: “Hãy chọn mua và đựng đồ vào túi vải, túi giấy tái chế…”. Ước mơ, thông điệp kêu gọi của Á hậu cũng là niềm mong mỏi của những người thu dọn vệ sinh bờ biển. Và nếu đi với họ một buổi, chứng kiến cảnh dọn rác, tin rằng chúng ta sẽ từ bỏ một vài thói quen trong tiêu dùng. Điều này sẽ giúp cho những bờ biển, dòng sông ít bồng bềnh thứ rác không mấy đẹp mắt.

Theo báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết 'Tâm tư' người dọn rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.