Thứ sáu, 19/04/2024 08:27 (GMT+7)

Tăng chỉ tiêu đất phát triển khu công nghiệp để đón sóng đầu tư

MTĐT -  Thứ tư, 03/08/2022 08:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt dự án hạ tầng lớn đã và đang được triển khai thực hiện sẽ làm tăng cơ hội thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc bị giới hạn bởi chỉ tiêu đất phát triển KCN khiến cho Đồng Nai đứng trước nguy cơ "lỡ hẹn" với cơ hội này.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Sức hút đầu tư từ hệ thống hạ tầng

Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đang được triển khai xây dựng giai đoạn 1 trên địa bàn tỉnh. Dự kiến năm 2025, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Theo đánh giá, với vị thế sân bay lớn nhất cả nước trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ tạo ra sức hút đầu tư và động lực phát triển rất lớn cho Đồng Nai nói riêng và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, trong đó có lĩnh vực phát triển công nghiệp.

Ngoài sân bay Long Thành giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn khác trên địa bàn cũng sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tuyến giao thông đóng vai trò kết nối nội vùng Đông Nam bộ cũng như liên vùng giữa Đông Nam bộ và Nam Trung bộ theo dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2022. Trong khi đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sau nhiều khó khăn về nguồn vốn đã tái khởi động thực hiện và dự kiến hoàn thành xây dựng trong năm 2025.

Bên cạnh các dự án đã được triển khai xây dựng, năm 2023, 2 dự án hạ tầng giao thông lớn là đường vành đai 3 - TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến cũng sẽ được khởi công xây dựng. Đối với 2 dự án này, mục tiêu đề ra là cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2025 và khai thác đồng bộ trong năm 2026.

Đồng thời với các dự án hạ tầng giao thông lớn do Trung ương triển khai, Đồng Nai cũng đã lên kế hoạch triển khai nhiều dự án giao thông của tỉnh nhằm kết nối các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh với sân bay Long Thành. Mục tiêu mà tỉnh đề ra là hoàn thành các dự án này trong năm 2025 để có thể đồng bộ khai thác với dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, ngoài các dự án hạ tầng giao thông nói trên, cảng Phước An cũng đang được đầu tư xây dựng. Chính vì vậy, tiềm năng thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh trong thời gian tới là rất lớn. Bởi trong một khu vực đang phát triển rất sôi động, Đồng Nai với lợi thế có sân bay và cảng biển là điều kiện rất tốt để phát triển. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc cũng như các tuyến đường giao thông được đầu tư khi hoàn thành sẽ kết nối rất tốt cho các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh để phát triển công nghiệp.

Tháo “điểm nghẽn” chỉ tiêu đất phát triển KCN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 40 KCN đã được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích gần 18,9 ngàn ha. Trong đó, KCN Biên Hòa 1 diện tích 335ha đã được đưa ra khỏi quy hoạch. Khi Đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ được phê duyệt thì Đồng Nai còn 39 KCN, tổng diện tích hơn 18,5 ngàn ha. Trong số này, Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt bổ sung khoảng 6,5 ngàn ha đất dành cho phát triển KCN đến năm 2030. Phần diện tích đất bổ sung này hiện đã được tỉnh bố trí xong cho 3 KCN, sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, với những điều kiện thuận lợi hiện có, việc phân bổ chỉ tiêu đất phát triển KCN đối với tỉnh như hiện nay là bất hợp lý. “Thời gian tới, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ có đường cao tốc cũng như các tuyến đường mở mới do tỉnh đầu tư đi qua. Tuy nhiên, tỉnh lại không còn chỉ tiêu đất phát triển KCN để đáp ứng nhu cầu” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 vào giữa tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Đồng Nai trước đây và hiện nay là tỉnh công nghiệp. Thời gian tới, Đồng Nai vẫn cơ bản là tỉnh công nghiệp. Tuy nhiên, quy hoạch cũng như quỹ đất phát triển KCN hiện nay không đáp ứng hết nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. “Đây cũng là một thách thức cho tỉnh Đồng Nai” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chính vì vậy, tại hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã kiến nghị Bộ KH-ĐT cơ chế cho phép UBND tỉnh được quyền báo cáo với HĐND tỉnh lập quy hoạch sử dụng đất mà không bị phụ thuộc vào các chỉ tiêu của Trung ương giao, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, nhiều nước như: Nhật Bản, Thái Lan… có những tỉnh chỉ làm công nghiệp vì có ưu thế, lợi thế. Đồng Nai nếu phát triển thương mại, dịch vụ cũng chỉ giới hạn. Với những lợi thế trong phát triển công nghiệp mà chỉ tiêu đất phát triển KCN không còn thì rất khó khăn.

Trong số 40 KCN đã được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh, hiện có 32 KCN đã được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10,2 ngàn ha, bao gồm: 31 KCN đi vào hoạt động và 1 KCN trong giai đoạn thu hồi đất, chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng (KCN công nghệ cao Long Thành). Hiện nay, trong 32 KCN đã thành lập, tổng diện tích đất cho thuê là hơn 5,4 ngàn ha, chiếm tỷ lệ hơn 81% diện tích đất dành cho thuê. Diện tích đất theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ chưa thành lập, mở rộng giai đoạn 2 là hơn 8,6 ngàn ha. Trong đó, có 8 KCN chưa thành lập và 5 KCN chưa thành lập giai đoạn 2./.

Duy Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tăng chỉ tiêu đất phát triển khu công nghiệp để đón sóng đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải tại phần lớn các CCN còn nhiều tồn tại; công tác phối hợp quản lý các CCN ở một số địa phương còn nhiều yếu kém.
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Theo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.