Thứ sáu, 29/03/2024 03:16 (GMT+7)

Tăng thuế môi trường với xăng, người dân sẽ phải trả thêm bao nhiêu?

MTĐT -  Thứ sáu, 18/05/2018 12:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo tính toán, nếu tăng thuế BVMT với xăng dầu lên mức kịch khung, người tiêu dùng sẽ phải gánh thêm gánh thêm 1.000 đồng/lít xăng.

Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các bên, thừa lệnh Chính phủ, Bộ Tài chính vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thuế bảo vệ môi trường với quan điểm bảo lưu đề xuất cũ.

Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng, với dầu diesel từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng. Dầu mazut và dầu nhờn, dầu hỏa, mỡ nhờn cũng tăng lên 2.000 đồng mỗi lít.

Với việc tăng thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu lên kịch khung sẽ gánh nặng lên người tiêu dùng, thế nhưng liệu sẽ phải gánh như thế nào, bao nhiêu không phải ai cũng biết.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, mặt hàng xăng dầu đang chịu 4 loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%).

Tăng thuế BVMT với xăng dầu lên mức kịch khung sẽ gánh nặng lên người tiêu dùng.

Trong đó, mặt hàng xăng dầu hiện vẫn đang được giảm thuế nhập khẩu (từ 20%) và tiến tới được hưởng thuế suất 0% theo hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong lộ trình điều chỉnh chính sách thuế nhằm bảo đảm nguồn thu và phù hợp với thông lệ quốc tế, hai loại thuế gồm thuế bảo vệ môi trường sẽ đề xuất tăng lên kịch trần 4.000 đồng/lít (vào tháng 7/2018) và thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ tăng từ 10-12% (vào năm 2019).

Cụ thể, với một lít xăng A95 có giá là 20.910 đồng/lít, nhưng số thuế phí phải gánh đang chiếm gần một nửa. Theo đó, mỗi lít xăng đang gánh thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế bảo vệ môi trường hiện tại là 3.000 đồng/lít.

Theo liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng thương phẩm bình quân trên thế giới đầu tháng 5 vào khoảng 80,8 USD/thùng xăng A92 (dùng để pha chế E5) và 83,4 USD/thùng xăng A95.

Như vậy, giá một lít xăng A95 khi chưa tính bất cứ một loại thuế, phí gì là 0,53 USD/lít (khoảng 12.000 đồng). Sau đó, xăng bị cộng thêm 20% thuế nhập khẩu, là 2.400 đồng/lít; 10% thuế tiêu thụ đặc biệt là 1.200 đồng/lít và 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường (mức hiện tại).

Sau khi cộng thêm tất cả các loại thuế, cộng thêm chi phí của doanh nghiệp thì sẽ xác định mức bán ra. Mức thuế VAT sẽ xác định ở mức bán ra (10%).

Như vậy, với giá xăng A95 được công bố vào ngày 8/5, thì ước tính, số thuế phí mà người tiêu dùng khi mua một lít xăng phải trả là khoảng 8.000 đồng.

Nếu biểu thuế mới được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, mỗi lít xăng dầu sẽ gánh thêm 1.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường, giá xăng A95 sẽ tăng lên mức 21.910 đồng/lít (giả sử lấy mức giá xăng A95 vào thời điểm hiện tại).

Chưa dừng lại ở đó, thuế VAT sẽ phải tính lại. Với mỗi 1.000 đồng tiền thuế môi trường tăng thêm, sẽ đi kèm với 10% thuế VAT bị kéo tăng thêm cùng. Như vậy, không chỉ phải gánh thêm 1.000 đồng khi tăng thuế bảo vệ môi trường, người tiêu dùng phải gánh thêm khoảng 100 đồng tiền thuế VAT nữa.

Người tiêu dùng gánh chịu cuối cùng

Với phương án điều chỉnh dự kiến từ 1/7, theo tính toán, việc tăng thuế môi trường có thể tác động đến chỉ số tiêu dùng CPI tháng 7/2018 (so với tháng 6) khoảng 0,27-0,29% và tác động 0,11-0,15% đến CPI bình quân cả năm 2018.

Mặc dù vậy, theo tờ trình, việc tăng thuế này sẽ khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường như xăng E5, xăng E10, dầu diesel B5, dầu diesel B10, túi nilon thân thiện hơn.

Sau khi được Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến và đưa ra quyết định có thông qua hay không sau khi lắng nghe đánh giá từ cơ quan thẩm tra.

Trước đó, từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo về đề xuất này nhưng nhận được nhiều phản ứng của dư luận. Mặc dù vậy, Bộ này vẫn cho rằng giá xăng Việt Nam hiện rẻ hơn nhiều nước và đề xuất này đã nhận được đồng thuận của nhiều Bộ, ngành khi đưa ra lấy ý kiến.

“Tăng thuế môi trường thì cần minh bạch, tiền thuế được sử dụng như thế nào? Trong khi tôi thấy, môi trường sống không cải thiện, thậm chí ô nhiễm, rác thải túi nilon còn tăng hơn so với nhiều năm trước, vậy thuế này có ý nghĩa gì?”, anh Nguyễn Hoàng Tiến (trú tại Láng Hạ, Hà Nội) trao đổi.

Không hài lòng với phương án tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu vì lo ngại kéo theo việc tăng giá xăng dầu là ý kiến của anh Nguyễn Hoàng Tùng (nhân viên kế toán ở Hà Nội).

Anh này cho rằng, hàng loạt điều chỉnh tăng giá từ thực phẩm, di động, viễn thông đến xăng dầu gây áp lực lớn lên chi tiêu, thu nhập của người dân, không trừ một ai.

“Hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại, do đó, hầu hết cá nhân phải sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển. Do vậy, nếu tăng thuế, người dân nào cũng phải chịu thiệt”, anh Tùng nói.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit - đánh giá trong quá trình hội nhập, một loạt thuế phí nhập khẩu được cắt giảm nên dễ dàng nhận thấy khi nguồn thu giảm, Bộ Tài chính sẽ tìm các nguồn thu khác bù vào như tăng thuế VAT, thuế tài sản...

Ông Viên nhấn mạnh tốc độ đào thải doanh nghiệp hiện rất nhanh và đề nghị cần lưu ý điều này để cân nhắc thu sao cho hợp lý.

“Tất nhiên người tiêu dùng sẽ là người gánh chịu cuối cùng” - ông Viên nói.

P.V (tổng hợp theo Zing, Trí thức trẻ)

Bạn đang đọc bài viết Tăng thuế môi trường với xăng, người dân sẽ phải trả thêm bao nhiêu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.