Thứ tư, 24/04/2024 11:29 (GMT+7)

Tạo chuyển biến mạnh mẽ phát triển khoa học công nghệ

PGS. TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ sáu, 25/06/2021 10:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ đã thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đuợc xem là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Để làm được điều này, bên cạnh các nhiệm vụ cần triển khai quyết liệt, thì việc xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá là một đòi hỏi cấp thiết để thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Trong giai đoạn 2010-2020, thị trường khoa học và công nghệ ở Hà Nội được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ đã thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. Thành phố đã tổ chức thành công nhiều hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị chuyên ngành, như: Chợ Công nghệ và thiết bị (Techmart) Hà Nội hằng năm, Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội...

Đặc biệt, thành phố đã chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp khoa học, công nghệ (giai đoạn 2010-2015, cấp 30 giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học, công nghệ; con số này trong giai đoạn 2016-2020 (60). Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về số bằng sáng chế (325) và giải pháp hữu ích (423); đứng thứ hai về số bằng kiểu dáng công nghiệp (1.231) và nhãn hiệu hàng hóa (20.172)...

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ ở Thủ đô vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cụ thể, vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ - nhất là các tổ chức có chức năng và đủ năng lực xúc tiến, định giá công nghệ, còn hạn chế cả về số lượng và quy mô; trong số 90 doanh nghiệp của Hà Nội được chứng nhận doanh nghiệp khoa học, công nghệ, chưa có doanh nghiệp nào hình thành được các cơ sở ươm tạo công nghệ...

“Hoạt động trên thị trường khoa học và công nghệ chủ yếu là tìm kiếm mua bán máy móc, thiết bị, chưa có nhiều giao dịch mua bán công nghệ, bản quyền công nghệ… Tại các sự kiện kết nối cung cầu, các doanh nghiệp mới dừng ở mức tìm hiểu sản phẩm khoa học công nghệ, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội)  Lê Thanh Hiếu thông tin.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, nguyên nhân là do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường khoa học và công nghệ; trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp; sự kết nối hoạt động nghiên cứu và triển khai với thị trường và doanh nghiệp còn mờ nhạt; đầu tư công cho khoa học, công nghệ chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra..

Đáng chú ý, hệ thống quản lý, lưu giữ thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ còn yếu, khiến hoạt động chuyển giao công nghệ từ các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học cho các doanh nghiệp trên cơ sở hoàn thiện công nghệ mới rất khiêm tốn.

Nhiều khó khăn, bất cập

Trong thời gian qua khoa học, công nghệ ngày càng khẳng định vị thế và  đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Khoa học và Công nghệ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế từ các cơ chế, chính sách.

Dẫn chứng về điều này, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, nhiều tiềm lực khoa học, công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được khai thác, đưa vào sử dụng hiệu quả, vì thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đồng bộ. Còn theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh Hoàng Bá Nam, trong công tác quản lý khoa học tại Việt Nam vẫn còn tư tưởng chống thất thoát, không tin vào các nhà khoa học, chưa có suy nghĩ chấp nhận rủi ro... Vì vậy cần có cơ chế vượt trội cho khoa học công nghệ, trong đó bao gồm cả vấn đề về thuế và cơ chế hạch toán doanh nghiệp thì mới tạo ra bước đột phá.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trịnh Quang Thoại, Viện Kinh tế và phát triển, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng đồng thời 2 tiêu chí là được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa được hưởng hỗ trợ từ các chính sách, khác, mới  được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn. Ngoài ra, tài sản được thế chấp vẫn giới hạn là quyền sử dụng đất không tính đến tài sản gắn liền với đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với quyền sở hữu tài sản trên đất quá chậm... Đây là những “rào cản” khi thu hút các doanh nghiệp khoa học, công nghệ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, việc quy định doanh nghiệp khọa học, công nghệ phải đáp ứng điều kiện có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học, công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu làm hạn chế doanh thu làm hạn chế doanh nghiệp có tiềm năng để có thể trở thành doanh nghiệp khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, các kết quả khoa học, công nghệ sử dụng vốn nhà nước, trong quy định về thủ tục giao quyền còn chưa rõ ràng và cụ thể, tốn nhiều thời gian và chi phí định giá... "Nếu không tập trung xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào kinh tế - xã hội, thì rất khó đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển và thu nhập cao", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói.

Sớm tháo gỡ những rào cản, vướng mắc

Để các hoạt động khoa học, công nghệ đóng góp ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021- 2030”. Ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), Tổ trưởng Tổ biên tập chiến lược cho biết chiến lược sẽ nhấn mạnh đến việc tháo gỡ các rào cản, vướng mẳc từ các cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại, mua sắm công.   

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Khoa học và Công nghệ), tập trung tháo gỡ được những rào cản, vướng mắc trong cơ chế tài chính, chính sách kinh tế, sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới quy trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ...

Đề cập đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù của Thủ đô, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn thông tin, Hà Nội đang tập trung xây dựng, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Đây là những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô đến năm 2025 trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, các đơn vị chức năng của Bộ đang xây dựng cơ chế thí điểm khoán đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trên nguyên tắc tôn trọng đặc thù của hoạt động nghiên cứu, chấp nhận rủi ro. Bộ đang tìm giải pháp hiệu quả nhất để khoa học thực sự trở thành động lực, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và xã hội.

Phát triển đồng bộ thị trường khoa học và công nghệ

Để thị trường khoa học và công nghệ tại Hà Nội phát triển mạnh mẽ thời gian tới, theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Đức Nghiệm, thành phố cần thúc đẩy liên kết, chuyển giao công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp, phát huy lợi thế trên địa bàn Thủ đô có 80% các cơ quan nghiên cứu, trường đại học; 82% phòng thí  nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của cả nước.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) Lưu Hải Minh cho rằng, Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 13/2019/ NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ quy định, tài sản góp vốn có thể là quyền sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, trên thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi đăng ký vốn điều lệ bằng quyền sở hữu trí tuệ, trong khi đây chính là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, ông Lưu Hải Minh kiến nghị các cơ quan chức năng cần đưa quy định mang tính “bệ đỡ” cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo nói trên thật sự đi vào cuộc sống.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đang tham mưu với Ban Cán sự đảng UBND thành phố xây dựng Chương trình số 07 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua để tổ chức triển khai thực hiện - dự kiến từ quý 1-2021, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực khoa học, công nghệ trên địa bàn, xây dụng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước. Trong đó, phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ với các thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường hàng hóa. Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp lớn: Kích cung, kích cầu, phát triển định chế trung gian; hoàn thiện môi trường pháp lý; tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ được sâu rộng, mạnh mẽ hơn.

Bạn đang đọc bài viết Tạo chuyển biến mạnh mẽ phát triển khoa học công nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.