Thứ năm, 28/03/2024 23:13 (GMT+7)

Tạo động lực phát triển bền vững chương trình OCOP

MTĐT -  Thứ ba, 31/08/2021 11:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ năm 2019 đến thời điểm hiện tại, 64 hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP đã phát triển được 282 sản phẩm

         

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội được thực hiện với 6 nhóm là: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải - may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; du lịch. Trong đó, nhóm hàng lưu niệm - nội thất - trang trí là một thế mạnh bởi trên địa bàn thành phố có hàng trăm làng nghề thủ công mỹ nghệ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chủ thể OCOP tập trung nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, tạo động lực mới để phát triển bền vững hơn.[1]

Phát huy vai trò của hợp tác xã
Với 282/1.054 sản phẩm đã được đánh giá, công nhận, các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội đã và đang khẳng định vai trò trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nói riêng và phát triển kinh tế nông thôn nói chung. Tuy nhiên, các sản phẩm đến từ chủ thể là hợp tác xã đang gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ, thị trường... Vì thế, cần có giải pháp tháo gỡ để phát huy hết vai trò của hợp tác xã.[2] 

tm-img-alt
Hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia có địa chỉ truy cập tại: ocopvietnam.gov.vn 

282 sản phẩm OCOP đến từ hợp tác xã
Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) được thành lập từ năm 2018. Trên diện tích canh tác 1,1ha, đơn vị đã đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng, tưới phun tự động, kho lạnh, kho bảo quản, sơ chế rau, củ theo tiêu chuẩn VietGAP. Giám đốc Hợp tác xã Bùi Thị Thanh Hà cho biết, với 30 sản phẩm rau các loại được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, mỗi ngày, đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng 300kg rau mầm và rau baby (rau thu hoạch non) như: Cải mơ, cải ngọt, cải bó xôi, xà lách..., doanh thu đạt 3 tỷ đồng/ha/năm và tạo việc làm cho 20 lao động.

Khoai lang, một món quà quê dân dã của xã Đồng Thái (huyện Ba Vì) cũng đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao và được bán rộng rãi trên thị trường. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ kinh doanh Đồng Thái Phùng Quốc Lượng cho hay: “Cuối năm 2020, khoai lang Đồng Thái đã được UBND thành phố công nhận sản phẩm OCOP 4 sao; ngọn khoai lang cũng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tính ra, mỗi sào trồng khoai lang/1 vụ có thể thu về khoảng 10 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa”.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2019 đến thời điểm hiện tại, 64 hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP đã phát triển được 282 sản phẩm. Nhiều hợp tác xã đã có số lượng lớn sản phẩm được công nhận OCOP như Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) với 30 sản phẩm; Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) với 17 sản phẩm... Các hợp tác xã đã khẳng định được vị thế trong Chương trình OCOP của thành phố, được người tiêu dùng đón nhận.

Thúc đẩy nhiều giải pháp hỗ trợ
Có thể nói, với tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm chi tiết và toàn diện cùng hướng dẫn của cơ quan chức năng, các hợp tác xã đã nhận ra được điểm yếu, qua đó có những điều chỉnh, đổi mới, hoàn thiện quy trình sản xuất, sơ chế một cách khoa học hơn. Mặt khác, Chương trình OCOP đã giúp các hợp tác xã có chiến lược phát triển sản phẩm cho những phân khúc thị trường mới, nâng cao chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm...

Tuy nhiên, cũng như nhiều sản phẩm OCOP khác, các sản phẩm đến từ chủ thể là hợp tác xã đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với khoa học công nghệ mới, nguồn vốn, cũng như phát triển thị trường... Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bưởi Núi Bé (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà mong muốn được thành phố hỗ trợ về nguồn vốn, đất đai, tiếp cận khoa học công nghệ... để nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, đáp ứng được nhu cầu gia tăng của thị trường. Trao đổi với phóng viên Báo Hà Nội mới, đại diện nhiều hợp tác xã đề xuất thành phố đẩy mạnh truyền thông về sản phẩm OCOP để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn và sử dụng sản phẩm...

Đánh giá cao vai trò của các hợp tác xã trong việc phát triển sản phẩm OCOP, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, ngay trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội vẫn tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo, tập huấn cho các chủ thể bán hàng bằng hình thức trực tuyến... Hiện đơn vị đang chuẩn bị cho việc tổ chức “Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn” diễn ra vào đầu tháng 9-2021.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi để sản xuất bền vững; hỗ trợ các Hợp tác xã lựa chọn và hoàn thiện các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã trong Chương trình OCOP của thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Cùng với việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuât, tiêu thụ sản phẩm…, thành phố sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác xã dịch vụ tổng hợp kết hợp với hoạt động du lịch...; giúp các hợp tác xã có thêm nhiều sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Giúp sản phẩm làng nghề trụ vững trong khó khăn [3]

Thời gian qua, nhiều sản phẩm của làng nghề truyền thống gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, tuy nhiên, với sự nỗ lực của các nghệ nhân, chủ thể của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), không ít sản phẩm tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Điển hình, từ niềm đam mê với lụa tơ tằm truyền thống, nghệ nhân Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức nảy ra ý tưởng làm khẩu trang 3 lớp từ lụa tơ tằm, có tác dụng làm đẹp da; phòng, chống dịch Covid-19.
Bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức cho biết, để làm nên những chiếc khẩu trang từ lụa tơ tằm chất lượng tốt, việc nuôi tằm là khâu quan trọng nhất. Đặc biệt, tằm rất mẫn cảm với các điều kiện sống nên môi trường nuôi không có mùi hương liệu, không hóa chất; nếu không tằm sẽ bị chết. Khẩu trang tơ tằm được làm 3 lớp, lớp trong cùng làm từ những sợi tơ dệt bằng máy, lớp giữa là tấm kén phẳng tằm tự dệt trong vòng 10 giờ, lớp ngoài cùng là từ lụa thô từ kén phế. Với 3 lớp được tạo ra từ tơ tằm đã có sự khác biệt với những khẩu trang đang bán ngoài thị trường. “Khẩu trang không chỉ để tránh bụi bẩn hay phòng, chống dịch Covid-19 mà còn làm đẹp da, đặc biệt giúp người sử dụng thấm mồ hôi, cảm thấy dễ chịu”, bà Thuận khẳng định.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huỵện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn, hiện nay, các sản phẩm OCOP của huyện chủ yếu từ làng nghề truyền thống, như: Rượu mơ Hương Tích, bánh củ mài (xã Hương Sơn), các sản phẩm khăn bông (xã Phùng Xá)... Với những nỗ lực, sáng tạo không mệt mỏi, các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức vẫn trụ vững trên thị trường. Do các công đoạn sản xuất khẩu trang từ tơ tằm của đơn vị đều được làm thủ công nên mỗi ngày một người thợ chỉ có thể làm được 10 khẩu trang. Nhờ chất lượng, kiểu dáng vượt trội, mỗi chiếc khẩu trang được bán với giá 150.000 đồng/chiếc. Hy vọng, sản phẩm khẩu trang độc đáo này sẽ giúp cho nhiều nhân công của làng nghề có thêm việc làm và thu nhập trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Thời gian tới, huyện Mỹ Đức tiếp tục rà soát sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Thông qua đó, giúp nhiều sản phẩm làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt, tạo nguồn thu nhập khá cho các hộ dân...

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng thông tin, thời gian qua, các sản phẩm “Khăn lụa tơ tằm”, “Khăn lụa tơ sen”, “Chăn bông tơ tằm tự dệt” của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã được các cấp công nhận sản phẩm OCOP 5 sao (sản phẩm cấp quốc gia - hạng cao nhất trong thang bậc đánh giá sản phẩm OCOP). Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ bị hạn chế nhưng với cách tiếp cận thị trường bằng các sản phẩm đặc thù như Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức là sự gợi mở cho nhiều làng nghề tìm cách vượt khó. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng kỳ vọng, khẩu trang 3 lớp của công ty tiếp tục đạt sản phẩm OCOP 5 sao trong năm 2021 này.

Nâng cao giá trị cây trồng

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện Mê Linh đã có 35 sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận từ 3 đến 4 sao. Đây là điều kiện thuận lợi, là động lực để huyện tiếp tục đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị cây trồng tại địa phương [4]
Trong tổng số 35 sản phẩm của huyện Mê Linh được công nhận OCOP, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) có đến 18 sản phẩm đạt 3-4 sao, gồm: Củ cải, bầu, bí, dưa chuột, mướp đắng, cà rốt... Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, việc được “gắn sao” đã giúp nông sản của hợp tác xã nâng cao thương hiệu trên thị trường, tạo tiền đề cho rau, củ, quả của địa phương tiếp cận hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Còn Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (xã Tiến Thịnh) lại đăng ký sản phẩm OCOP là trái cây. Phát huy lợi thế đất đai màu mỡ, áp dụng quy trình sản xuất tốt, các cây ăn quả như: Ổi, táo, bưởi, đu đủ... của hợp tác xã được tiêu thụ ổn định, nhất là đã xây dựng thành công chuỗi liên kết cung cấp trái cây cho hệ thống bán lẻ trong nội thành. Đặc biệt, sản phẩm ổi và đu đủ của đơn vị đã được UBND thành phố công nhận đạt 4 sao trong Chương trình OCOP. Điều này không chỉ giúp việc tiêu thụ trái cây được thuận lợi mà còn tăng thu nhập cho thành viên hợp tác xã.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô khẳng định, các sản phẩm OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, sản phẩm OCOP của huyện Mê Linh chưa thực sự đa dạng, mới tập trung vào nhóm rau, củ, quả; các sản phẩm làng nghề, sản phẩm chế biến sâu chưa nhiều. Đặc biệt, huyện Mê Linh có dư địa rất lớn, có thể phát triển thành các vùng sản xuất chuyên canh 20-200ha/mô hình. Tiêu biểu, rau, củ, quả tại các xã: Tráng Việt, Văn Khê, Tiền Phong; cây ăn quả tại xã: Hoàng Kim, Chu Phan, Tiến Thịnh; lúa cốm tại xã Tam Đồng; hoa, cây cảnh tại xã: Mê Linh, Đại Thịnh, Văn Khê... Thế nhưng, các địa phương hiện chưa phát huy hết lợi thế của mình.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo ra nông sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, huyện Mê Linh đã ban hành Đề án phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Vừa qua, UBND huyện giao Phòng Kinh tế phối hợp các xã, thị trấn hoàn thành việc rà soát, xây dựng 122 sản phẩm thuộc 6 ngành hàng để phát triển thành sản phẩm OCOP...Trong đó, giai đoạn 2021-2022, huyện đặt mục tiêu xây dựng thành công 30-45 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao/năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết: “Định hướng này không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, mà còn gia tăng về giá trị, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến mục tiêu xuất khẩu”.
Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, chú trọng vào các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa nông sản vào hệ thống phân phối, chuỗi siêu thị, bếp ăn tập thể. Ngoài ra, huyện sẽ rà soát, hỗ trợ vốn cho các làng nghề, hợp tác xã có sản phẩm được công nhận OCOP xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến sâu theo hướng nâng cao giá trị nông sản.                

Tài liệu tham khảo:    
    1. Nguyễn Mai “Tạo động lực phát triển bền vững” Báo HNM 30/8/2021
    2. Thanh Thiên“Phát huy vai trò của HTX” Báo HNM 19/7/ 2021. 
    3. Thanh Bạch “Giúp sản phẩm làng nghề trụ vững trong khó khăn” Báo HNM 30/8/ 2021.
    4. Đức Dung “Nâng cao giá trị cây trồng” Báo HNM 19/7/ 2021.

                                                                           PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
                                                              Nguyên Giám đốc Sở KH-CNMT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Tạo động lực phát triển bền vững chương trình OCOP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.