Thứ sáu, 11/10/2024 02:46 (GMT+7)

Tạo đột phá để giải bài toán cải tạo chung cư cũ

MTĐT -  Thứ năm, 12/09/2024 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đã hơn 20 năm từ khi TP Hà Nội có chủ trương cải tạo chung cư cũ nhưng đến nay việc triển khai vẫn rất chậm. Trong khi đó các khu nhà ngày một xuống cấp, gây mất an toàn cho người dân.

Minh chứng là khi cơn bão số 3 vừa qua đổ bộ, một số quận của Hà Nội đã phải khẩn cấp di dời các hộ dân ra khỏi những căn nhà tập thể đã quá xuống cấp. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành với những giải pháp đột phá để sớm giải bài toán cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Vào cuộc mạnh mẽ để tạo sự đồng thuận

Một khu chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải
Một khu chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải

Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có gần 1.600 chung cư cũ, được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1960 - 1990 của thế kỷ trước. Hầu hết các chung cư đến thời điểm này đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Trong đó, có 6 khu nguy hiểm cấp D (cấp độ nguy hiểm nhất) buộc phải phá dỡ để xây dựng lại như: Nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ, G6A Khu tập thể Thành Công, nhà A Khu tập thể Ngọc Khánh, Khu tập thể Bộ Tư pháp... Đứng trước thực tế đó, từ năm 1999, Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ, với mục tiêu sẽ xóa dần các khu chung cư cũ. Tuy vậy, theo báo cáo của Sở Xây dựng, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đến hết năm 2023 đạt 1,14% kế hoạch, với 19 khu được triển khai cải tạo, xây dựng lại.

Bà Chu Thị Hà, 68 tuổi sống tại phòng 202 nhà A2 Tập thể Thành Công cho biết: Tính đến nay gia đình đã sinh sống tại khu nhà tập thể này hơn 45 năm, trải qua gần nửa thế kỷ tồn tại, dãy nhà A2 đã xuống cấp trông thấy với nhiều mảng tường bị bong tróc, thậm chí có nhiều đoạn bê tông còn hở cả lớp rỉ sét bên trong, cảm giác rất bất an mỗi khi có mưa bão. Vì vậy, mà hơn lúc hết người dân nơi đây mong chờ những đột phá góp phần để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.

Còn bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Khu Cầu thang 3, phòng 409, nhà G6A Tập thể Thành Công chia sẻ, nhằm bảo đảm an toàn cho các hộ dân sống tại các căn nhà tập thể cũ trước bão số 3 vừa qua, lực lượng chức năng địa phương đã hỗ trợ di chuyển các hộ đến khách sạn trên địa bàn để tránh bão. Phòng ban chức năng của UBND quận Ba Đình phối hợp với UBND phường Thành Công tổ chức ứng trực, sẵn sàng di chuyển người và tài sản ra khỏi nhà tập thể cũ.

Ông Nguyễn Lê Quốc Toản, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết: để chủ động ứng phó với bão số 3, chính quyền phường Thành Công đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai khẩn cấp việc rà soát xác định vị trí nơi ở của Nhân dân thuộc diện tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khi bão đổ bộ. Thêm vào đó thông qua tuyên truyền, vận động, hỗ trợ của phường, đa số các hộ dân đã chủ động di chuyển tới nơi sinh hoạt khác từ trước.

Nói về vấn đề cải tạo chung cư cũ, ông Nguyễn Lê Quốc Toản thông tin, trên địa bàn có khoảng 80 khu nhà được xây dựng từ trước năm 1980 và cho đến nay các chung cư đều trong tình trạng xuống cấp. Đặc biệt, trong số này có nhà G6A tập thể Thành Công là nhà thuộc diện nguy hiểm cấp độ D. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP và quận Ba Đình về đẩy mạnh công tác cải tạo chung cư cũ, chính quyền phường đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động để người dân thông hiểu, chấp hành, cũng như ủng hộ chủ trương của TP. Cùng với đó, phường cũng phối kết hợp chặt chẽ với Phòng Quản lý đô thị, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận và các phòng, ban khác trong công tác tổ chức kiểm định các khu nhà.

Ông Trần Duy Anh, Chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình cho biết: Với tinh thần vào cuộc mạnh mẽ để tạo sự chuyển biến, cũng như tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân bên cạnh sự vào cuộc của các phường, thì trực tiếp người đứng đầu UBND quận đã đứng ra đối thoại, giải đáp những thắc mắc của người dân nằm trong khu vực phải tiến hành cải tạo nhằm tạo sự đồng thuận.

Cần giải pháp đột phá

Theo ông Trần Duy Anh, quận Ba Đình cũng đang hướng đến một số giải pháp đột phá trong công tác quy hoạch nhằm từng bước gỡ nút thắt trong công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP đối với khu vực lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, tái thiết xây dựng lại các khu chung cư cũ tiếp giáp với vị trí nhà ga của tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 3, Nhổn - ga Hà Nội), quận sẽ tổ chức nghiên cứu các khu vực TOD, được phép áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, bảo đảm phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.

Đối với mô hình, giải pháp quy hoạch nhóm ở, khu ở (khu nhà ở cũ, đơn vị ở cải tạo, tái thiết) xác định theo nguyên tắc: giữ nguyên mạng lưới hạ tầng kỹ thuật chính (chủ yếu là giao thông), khu vực cảnh quan, hồ nước… (do kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông khung khu vực của TP); nghiên cứu đổi mới các tuyến đường nội bộ hoặc một số tuyến đường phụ thuộc nội khu, đường nhánh trong khu ở…

Nghiên cứu tăng chiều cao, tầng cao, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD); Quy chuẩn QCĐP01:2022/TPHN-Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng được ban hành kèm theo Quyết định số 975/QĐ-UBND ngày 21/3/2022 của UBND TP Hà Nội, Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành…

Chú trọng giải phóng, tái khai thác nguồn lực đất đai, cũng như xem xét giải pháp xóa một số nhóm nhà ở hiện có, điều chỉnh mục đích sử dụng đất (khoảng 30%) tạo lập quỹ đất xây dựng sang đất thương mại dịch vụ (nghiên cứu giải pháp chuyển các nhà chung cư nằm ở ven, xung quanh chu vi khu chung cư cũ thành đất thương mại dịch vụ nhằm tạo nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư…).

Đối với khu chung cư cũ Giảng Võ, Thành Công có các đặc điểm hiện trạng tương đối giống nhau (nhiều nhà tập thể cao tầng cũ, đã xuống cấp): nghiên cứu việc cải tạo, tái thiết xây dựng lại theo hướng bố trí bổ sung đất thương mại, dịch vụ ở “miền” ngoài của khu chung cư cũ, giáp các tuyến đường giao thông chính, cho phép quy gom, tái định cư tại chỗ, nâng tầng cao, chiều cao công trình, tăng hệ số sử dụng đất, nội hàm cải tạo tái thiết, giải phóng quỹ đất khoảng 30% để phát triển thương mại, dịch vụ; tạo lập không gian, công trình dịch vụ công cộng tại khu vực nút giao thông, không gian xanh, không gian ngầm công cộng; thông qua cải tạo, tái thiết xây dựng lại chung cư cũ (giải quyết nhu cầu bản thân và hạ tầng kỹ thuật xung quanh); tạo ra trục không gian chính…

Thông tin về kết quả của Đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình đến thời điểm này ông Trần Duy Anh cho biết, đến nay quận đã tổ chức kiểm định 32/74 chung cư cũ thuộc các phường Đội Cấn, Cống Vị, Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ, Liễu Giai, Trúc Bạch, đang hoàn chỉnh báo cáo kết quả để đề nghị Sở xây dựng thẩm định làm cơ sở trình Hội đồng kiểm định TP phê duyệt kết quả kiểm định. Đã trình Sở xây dựng đợt 1 gồm 10 hồ sơ đã hoàn thành.

Đồng thời, UBND quận đã tổ chức rà soát, đề xuất Sở Xây dựng báo cáo UBND TP bổ sung vào kế hoạch kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội đối với 60 chung cư trên địa bàn, chưa có kết quả kiểm định, chưa nằm trong danh sách các chung cư thực hiện kiểm định theo Kế hoạch số 334/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND TP.

Công tác lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hiện nay, UBND quận đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức mời thầu qua mạng và đã ký Hợp đồng với Viện Quy hoạch xây dựng

Hà Nội lập nhiệm vụ và lập đồ án Quy hoạch chi tiết đối với các khu tập thể Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ. Đang thực hiện việc lựa chọn đơn vi tư vấn lập quy hoạch chi tiết 1/500 đối với Khu tập thể Liễu Giai.

Bạn đang đọc bài viết Tạo đột phá để giải bài toán cải tạo chung cư cũ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Huy An/Kinh tế và Đô thị

Cùng chuyên mục

Tin mới