Thứ sáu, 29/03/2024 19:08 (GMT+7)

Tập đoàn The Vissai: Sai phạm tại 2 dự án xi măng ở Nghệ An

MTĐT -  Thứ ba, 25/02/2020 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Được biết, ngày 31/01/2019, UBD tỉnh Nghệ An đã từng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP xi măng Sông Lam với số tiền là 110 triệu đồng do vi phạm hành chính về BVMT.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) vừa công bố kết luận thanh tra chuyên đề về việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng của 2 công ty trực thuộc Tập đoàn The Vissai. Theo đó, cả 2 đơn vị này đều có hàng loạt sai phạm.

Thanh tra ra hàng loạt sai phạm

Hai doanh nghiệp được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) liệt vào danh sách kết luận thanh tra với hàng loạt vi phạm liên quan đến hoạt động khai khoáng vừa được công bố là Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam và Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam 2 (cùng thuộc Tập đoàn The Vissai) đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo Kết luận Thanh tra số 3377/KLTTr-ĐCKS, Công ty CP Xi măng Sông Lam 2 (trụ sở tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), có 2 giấy phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác đá vôi xi măng và đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại mỏ Bắc Kim Nhan, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tổng diện tích là 18ha.

Qua thanh tra, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản phát hiện doanh nghiệp này chưa hoàn thành việc điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản sau khi có sự thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản theo quy định. Thiết kế mỏ đá vôi Bắc Kim Nhan lập, phê duyệt có một số nội dung chưa phù hợp với giấy phép khai thác khoáng sản được cấp.

Kết luận Thanh tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đối với 2 Công ty CP xi măng Sông Lam và Sông Lam 2

Tại thời điểm kiểm tra một số vị trí khai thác có chiều cao tầng khai thác, góc nghiêng sườn tầng khai thác đã vượt mức so với tính toán trong thiết kế mỏ đã được phê duyệt. Tại khai trường có một số vị trí đá treo sau nổ mìn, vị trí dễ trượt lở có nguy cơ mất an toàn.

Khai thác vượt công suất được phép khai thác năm 2016, 2017 và 2018 quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản. Theo đó, công suất được pháp khai thác quy định tại giấy phép là 120.000 tấn/năm nhưng sản lượng khai thác thực tế năm 2016 khai thác 754.095 tấn vượt 634.095 tấn, tương ứng 528,4%; năm 2017 khai thác 681.478 tấn vượt 561.478 tấn, tương ứng 467,89%; năm 2018 khai thác 693.389 tấn vượt 573.389 tấn, tương ứng 477,8%.

Chưa đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác với UBND tỉnh Nghệ An đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho cho xây dựng công trình đó.

Chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với việc sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình.

Một góc mỏ đá vôi nguyên liệu xi măng của Công ty CP xi măng Sông Lam ở xã Bài Sơn, huyện Đô Lương

Đối với Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam (địa chỉ tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương) Kết luận Thanh tra số 3376/KLTTr-ĐCKS cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm. Cụ thể, trong lĩnh vực khoáng sản, công ty này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 2 giấy phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác đá vôi và đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại 3 xã Bài Sơn, Hồng Sơn, Văn Sơn thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, qua thanh tra đã phát hiện một loạt vi phạm như: Chưa hoàn thành việc thuê đất để khai thác khoáng sản theo quy định; sau 12 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, công ty chưa tiến hành xây dựng cơ bản mỏ; chưa hoàn thành việc xin giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về sản lượng đã khai thác và sử dụng thực tế hàng năm…

Yêu cầu nhanh chóng khắc phục các tồn tại

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định của pháp luật về khoáng sản; Quyết định xử phạt hành chính đối với 3 hành vi vi phạm của Công ty CP xi măng Sông Lam 2 (Lập, phê duyệt thiết kế khai thác mỏ có nội dung không phù hợp với báo cáo nghiên cứu khả thi đã phê duyệt và giấy phép khai thác khoáng sản được cấp; Khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm (năm 2017 và năm 2018) nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 100% trở lên; Không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…).

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh Nghệ An chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan xem xét, xử phạt theo thẩm quyền; đôn đốc các tổ chức, doanh nghiệp khai thác đá vôi là đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ các nội dung theo kết luận thanh tra…

Nhà máy sản xuất của Công ty CP xi măng Sông Lam

Ngoài ra, đối với trường hợp Công ty CP Sông Lam 2, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp tổng hợp sổ sách, chứng từ liên quan tới hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường…từ khi khai thác đến nay, nộp về Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng đá vôi làm vật liệu xây dựng đã thu hồi.

Tương tự, đối với Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam (doanh nghiệp đã từng bị Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đề nghị xử phạt do vi phạm quy định bảo vệ môi trường trong năm 2017 và 2019), đoàn thanh tra yêu cầu không tiến hành thu hồi đá vôi tại khu vực nằm ngoài diện tích của các dự án xây dựng công trình đã được phê duyệt; lập báo cáo tổng hợp về sản lượng đã khai thác và sử dụng thực tế hàng năm…

Người dân sống khổ vì ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng bởi rung chấn nổ mìn tại mỏ nguyên liệu Nhà máy xi măng Sông Lam

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng lưu ý trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra, các doanh nghiệp trên phải có trách nhiệm khắc phục các tồn tại, vi phạm, báo cáo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An kết quả thực hiện thực hiện bằng văn bản.

Trường hợp công ty này không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, ngày 31/01/2019, UBD tỉnh Nghệ An đã từng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP xi măng Sông Lam với số tiền là 110 triệu đồng do vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường khi chưa thực hiện một trong các nội dung trong ĐTM. Trước đó, năm 2017, Công ty CP xi măng Sông Lam cũng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 300 triệu đồng do hành vi vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.


Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về những tồn tại khác liên quan đến các nhà máy xi măng đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An của Tập đoàn The Vissai.

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn The Vissai: Sai phạm tại 2 dự án xi măng ở Nghệ An. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới