Thứ sáu, 29/03/2024 19:48 (GMT+7)

Tế nhị

TS.LS Đồng Xuân Thụ -  Thứ năm, 24/11/2022 15:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tế nhị là một đặc điểm trong tính cách của người Việt ta. Tính từ này chỉ sự ý tứ, khéo léo, uyển chuyển, nhẹ nhàng, biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” trong mọi mối quan hệ xã hội.

Người biết xử sự tế nhị luôn rất tâm lý, nắm bắt nhanh ý nghĩ, cảm xúc của người khác, có khả năng “đi guốc vào bụng” để dễ dàng đáp ứng, chiều theo mong muốn của mọi đối tượng tiếp xúc. Vì vậy mà luôn khiến họ thấy dễ chịu, thú vị.

Tế nhị như một bảo bối, vũ khí đắc hiệu để chinh phục trái tim con người. Ai có phẩm chất này rất dễ dàng, thuận tiện trong việc thu phục người khác. Như vậy, hiển nhiên đây là một ưu điểm. Bất cứ ai cũng cần phấn đấu để có được và phát huy.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Nhưng trong đời sống xã hội hiện nay, tính từ rất tốt đẹp này ở nhiều trường hợp đã được chuyển dịch ý nghĩa. Rất nhiều khi, người ta đã sử dụng nó để thực hiện những ứng xử mang tính chất hèn kém, tiêu cực, lẩn tránh sự công bằng, minh bạch.

Chân lý lắm khi đã bị dìm lấp để nhường chỗ cho việc xử sự chỉ thuần túy là để bảo vệ, duy trì các mối quan hệ nhằm vụ lợi. Khi ấy, người ta đã vận dụng từ “tế nhị” để biện cho hành vi của mình. Và như thế, tình riêng đã lấn át cái chung, vượt lên mọi lý, luật.

Ta vẫn thường thấy những hiện tượng đại loại như sau trong cuộc sống hàng ngày: Một nhóm người có chức năng đi kiểm tra trật tự vỉa hè, lòng đường, đã dẹp rất kiên quyết, dứt khoát cả một tuyến phố dài vi phạm.

Bàn, ghế, mọi đồ dùng liên quan đến kinh doanh mà bầy ra vỉa hè đều bị họ ném lên xe chuyên dụng để đưa về nơi tập kết xử lý. Trong thời khắc ấy, những người thi hành công vụ tỏ ra rất nghiêm, giữ đúng vai trò, coi việc giữ gìn phép công là tối thượng, bất chấp sự năn nỉ hoặc mọi biểu hiện khác của đương sự.

Chứng kiến cảnh này, ai cũng đồng tình mà không thể thông cảm với những người vi phạm. Nhưng đến một quãng phố khác, họ đã cho xe chạy qua mà không tiếp tục xử lý mặc dù nơi này cũng vi phạm chẳng khác gì quãng phố kia.

tm-img-alt
Lực lượng chức năng phường Giảng Võ (quận Ba Đình) xử lý vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn. Ảnh: Đỗ Tâm

Vì sao? Vì họ “tế nhị” bởi nơi đây có một cửa hàng là người nhà “sếp” của họ. Cũng vì thế mà hàng chục hộ cùng kinh doanh gần người này đã được hưởng lây sự “tế nhị” này. Ở đây, sự tế nhị đã đồng nghĩa với thói vô trách nhiệm, hèn kém. Cái “tình” đối với vị quan kia chẳng qua cũng chỉ là sự nịnh bợ nhất thời.

Trong một hội nghị tổ chức để quần chúng góp ý cho đảng viên tại cơ quan nọ. Mọi người chẳng dè dặt góp cho vị Bí thư chi bộ kiêm giám đốc với quan điểm khá thẳng thắn. Nhưng với một trưởng phòng và vị phó giám đốc thì lại dè dặt, góp ý rất nhẹ nhàng. Hóa ra, vị giám đốc chỉ còn mấy tháng nữa là về hưu. Vị phó sẽ lên thay và người trưởng phòng sẽ lên làm phó giám đốc. Với hai người này, anh chị em còn làm việc lâu dài, lại dưới quyền, họ cần “tế nhị”.

Một quý tử của một sếp lớn cấp trên cậy cha mình là quan to đã luôn coi trời bằng vung, không coi ai ra gì ở cơ quan. Từ lãnh đạo đến mọi người đều rất ngán, đau đầu về trường hợp này.

Nhưng đã không có bất cứ biện pháp gì để giáo dục chàng thiếu gia này, kể cả một lời chính thức báo cáo lên người cha kia. Tất cả đều cùng một ý nghĩ: Trường hợp này quả là rất khó xử vì cần tế nhị. Thậm chí, họ còn cho rằng không nên làm phiền đến sếp lớn vì ngài có trăm công, nghìn việc quan trọng, sẽ bị ảnh hưởng, chi phối, không có lợi cho công việc và sức khỏe.

Quả là mọi gười tỏ ra rất có tình và tế nhị trong ứng xử với vị chức sắc kia. Nhưng đó là một biểu hiện hoàn toàn tiêu cực, chỉ vì cái gọi là “tế nhị” hão huyền mà bỏ qua rất nhiều nguyên tắc về luật lao động, về duy trì kỷ cương và sự công bằng trong cơ quan.

Sự lộng hành của cậu ta chẳng khắc gì nạn kiêu binh. Chỉ cậu ta mới có quyền ngang ngược còn mọi người khác thì không thể. Đó chính là sự không công bằng vậy. Và cao hơn là vô tình mà đã trở nên vô trách nhiệm với chính kẻ thiếu gia kia.

Chắc chắn, cứ với kiểu “tế nhị”, duy tình của cơ quan nọ và sự thiếu trách nhiệm của người cha kia, cậu quý tử sẽ chẳng thể có tương lai tốt đẹp nếu hiện trạng kéo dài.

“Tế nhị” đã bị lạm dụng trong nhiều trường hợp để trở nên mất ý nghĩa tích cực, cũng không còn nét đẹp văn hóa là như thế./.  

Bạn đang đọc bài viết Tế nhị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới