Techcombank: Phát mại tài sản thế chấp sai quy trình?
Theo đơn của ông Lê Văn Lương thì Ngân hàng Techcombank - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt phát mại tài sản thế chấp sai quy trình, gây thiệt hại về tài sản cho gia đình ông.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn của ông Lê Văn Lương xóm 3, thôn Kim Châu, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, Hà Nội về việc Ngân hàng Techcombank - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt phát mại tài sản thế chấp sai quy trình, gây thiệt hại về tài sản cho gia đình.
Theo đơn phản ánh của ông Lê Văn Lương, hiện nay gia đình ông đang sở hữu thửa đất số 293, tờ bản đồ số 4, diện tích 202,4m2 theo GCNQSD đất số BC 351240 do UBND huyện Thanh Oai cấp ngày 15/10/2010.
Tháng 4/2011, do cần tiền để kinh doanh nhưng thiếu hiểu biết nên đã vay tiền của bà Nguyễn Thị Chiện, thôn Kim Châu, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Bà Chiện yêu cầu ông Lương phải ký hợp đồng ủy quyền cho bà một số quyền liên quan đến thửa đất 293 thì mới cho vay. Ban đầu ông Lương tưởng rằng hai bên ký kết hợp đồng để vay tiền cho hợp pháp nhưng sau này mới phát hiện tài sản của mình đã được thế chấp tại Ngân hàng Techcombank, Chi nhánh Hoàng Quốc Việt, PGD BigC (Hà Nội) với số tiền là 1.210.000.000đ
Ngân hàng Techcombank xác định giá trị tài sản là 2.020.000.000đ (gấp đôi giá trị tài sản thời điểm hiện nay). Theo ông Lương, quá trình thẩm định của nhân viên ngân hàng có “vấn đề” khi không gặp gia đình ông để làm việc và ông cũng không nhận được thông tin gì về tài sản thế chấp.
Mặc dù tài sản được bà Chiện mang đi thế chấp nhưng thực tế ông Lương vẫn sử dụng tài sản từ đó đến nay như làm hệ thống chuồng, trại cho gia cầm, để vật tư, máy móc cũ…
Mảnh đất nhà ông Lê Văn Lương vẫn đang sử dụng |
Trong quá trình vay mượn, do bà Chiện không thanh toán đầy đủ lãi và gốc cho Ngân hàng Techcombank theo quy định nên Ngân hàng tiến hành đấu giá tài sản trên.
Theo đơn phản ánh của ông Lê Văn Lương, gia đình ông hoàn toàn có điều kiện tham gia đấu giá tài sản để mong muốn chuộc lại tài sản mà bà Chiện mang đi thế chấp.
Tuy nhiên, quá trình đấu giá tài sản của Ngân hàng diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2018 nhưng gia đình ông không hề biết.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với loại Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ 3 thì gia đình bà Nguyễn Thị Chiện (người mang tài sản thế chấp) và ông Lê Văn Lương (người có tài sản thế chấp) phải được thông báo đầu tiên nhưng gia đình ông hoàn toàn nhận được thông báo này, dẫn đến không biết tài sản của mình đang được ngân hàng phát mại.
Được biết, ngày 11/7/2018, Ngân hàng Techcombank tổ chức bán đấu giá lần 1 tài sản bảo đảm trên với giá khởi điểm là 751 triệu đồng nhưng phiên đấu giá không thành vì không có khách hàng tham gia đấu giá.
Ngày 1/11/2018, Ngân hàng ra thông báo số 9951/2018/TB-TCB để tổ chức đấu giá lần 2 với giá khởi điểm 639 triệu nhưng gia đình ông Lương cũng không hề được thông báo. Sau đó, tài sản trên đã được đấu giá (không rõ thời gian) và một khách hàng cùng xã Kim Thư đã đấu giá thành công.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Luật Đấu giá tài sản ban hành ngày 17/11/2016 quy định tại Điều 35 về Niêm yết tài sản như sau:
- Tổ chức đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tài sản như sau:
- a) Đối với tài sản là động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi trưng bày tài sản (nếu có) và nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá;
- b) Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.
Như vậy, nếu gia đình ông Lương chưa nhận được thông báo đấu giá tài sản là do lỗi của ngân hàng thực hiện chưa đúng quy trình đấu giá tài sản theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016 là có cơ sở.
Bức xúc về tình trạng tài sản mình đang quản lý bị đem đấu giá và không hề được thông báo, gia đình ông Lê Văn Lương đã làm đơn khởi kiện Ngân hàng Techcombank ra Tòa án Nhân dân huyện Thanh Oai nhằm hủy kết quả đấu giá tài sản. Đồng thời, gia đình ông đã gửi đơn đề nghị UBND huyện Thanh Oai và các cơ quan chức năng tạm dừng thực hiện các giao dịch sau đấu giá như ngăn chặn đăng ký biến động, sang tên tài sản để chờ Tòa án giải quyết.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.