Thứ tư, 24/04/2024 17:09 (GMT+7)

Tết đặc biệt của lao động người Việt tại Nhật Bản

MTĐT -  Thứ sáu, 04/02/2022 21:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, những người lao động Việt tại Nhật Bản đón chờ thời khắc bước qua năm mới sau một ngày đi làm như thường lệ.

"Lại một cái Tết xa nhà"

Là một nước châu Á nhưng Nhật Bản đã chuyển sang đón năm mới theo lịch phương Tây. Vì thế, thời điểm người Việt Nam đón Tết Nguyên đán, người dân Nhật Bản vẫn tiếp tục công việc, học tập bình thường trong nhịp sống thường ngày.

Ngoài những ngày nghỉ Tết dương lịch, người xuất khẩu lao động Nhật không được nghỉ vào dịp Tết âm lịch. Ngay cả những du học sinh vừa học vừa làm cũng không thể về nước đón Tết. Ở Nhật Bản, không khí lạnh thời điểm giao mùa từ đông sang xuân càng khiến những người xa xứ mong mỏi được trở về bên gia đình đón Tết. 

Chị Hoàng Thiên Trang đang làm việc tại thành phố Fukuoka (tỉnh Fukuoka, đảo Kyushu) bắt đầu tới Nhật Bản từ năm 2015. Kết thúc bốn năm du học ngành điều dưỡng, chị quyết định ở lại Nhật Bản làm việc. Lịch trình học tập, làm việc dày đặc không “đánh gục” được ý chí và sự quyết tâm của cô gái trẻ. 

tm-img-alt
Hơn 6 năm, chị Trang chưa thể trở về Việt Nam đoàn viên cùng gia đình dịp Tết Nguyên đán bởi công việc và dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Chị Trang xúc động bày tỏ: “Tết âm ở Việt Nam vào khoảng tháng 2 bên Nhật, khi đó trời vẫn còn rất lạnh. Ở Việt Nam, không khí Tết trong gia đình tôi khá trầm lắng bởi có ba đứa con thì mỗi đứa đi một nước rồi! Lại một cái Tết xa nhà, tôi rất mong dịch bệnh ổn định sẽ trở về Việt Nam đón Tết bên người thân”.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra ảnh hưởng trực tiếp tới công việc và cuộc sống của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Thời điểm Tết đến xuân về, người lao động thêm những nỗi lo khi việc làm ít hơn, thu nhập giảm nên họ chỉ có thể làm việc cầm chừng.

Chị Đào Thị Tuyết (24 tuổi, công nhân nhà máy tại thành phố Osaka) cho biết, trước đây thu nhập mỗi tháng khoảng 40 – 50 triệu đồng nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp khiến công việc tại xưởng giảm bớt, hiện tại thu nhập mỗi tháng của chị khoảng từ 25 – 30 triệu đồng, chị cũng không tìm được công việc làm thêm ngoài giờ.

Cuộc sống mưu sinh nơi đất khách vất vả, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh công việc của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn. Sau những ngày tăng ca tới khuya, trái tim họ càng nhớ tới hương vị Tết quê hương.

Đón Tết Việt trên đất khách

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lao động Việt Nam ở Nhật Bản đã hai năm không thể trở về trở về quê hương. Năm nay, không khí chuẩn bị Tết của lao động Việt bớt đi sự sôi nổi, không còn cảnh tụ họp đông vui, đi lại tự do như trước. Họ đón Tết bằng những hình thức riêng, bảo đảm phòng chống dịch bệnh và niềm vui trong những ngày đầu năm mới. 

Tết âm lịch tổ chức trong sự ấm áp của cộng đồng người Việt xuất khẩu lao động tại Nhật. Những người con Việt Nam nơi xa vẫn chuẩn bị đầy đủ những vật phẩm cần thiết như bánh chưng, gà luộc, giò, mứt, thịt kho,… để đón Tết cổ truyền. Họ tìm kiếm hương vị Tết Việt quen thuộc khi tự tay rửa lá, gói bánh chưng và cùng hát vang bài hát chào xuân mới.

tm-img-alt
Người lao động Việt xa xứ thu xếp công việc, thời gian chuẩn bị mâm cỗ tất niên truyền thống. (Ảnh: NVCC)

Người Việt xa nhà dịp Tết đoàn viên đều nhớ cảm giác sum vầy bên gia đình da diết. Chị Dương Thị Hà, thực tập sinh nông nghiệp tại phố Kawagoe (tỉnh Saitama) bồi hồi chia sẻ: “Sau khi về nhà, tôi tự làm những món ăn Việt Nam. Ngày 29 Tết năm nay, tôi thức đợi đón giao thừa cùng cả nhà gọi điện thoại”. 

Khoảng cách hơn 4000km giữa Việt Nam và Nhật Bản dường như được rút ngắn thông qua cuộc trò chuyện video trên điện thoại. Chị Hà cảm nhận được phần nào không khí Tết quê nhà qua gương mặt hạnh phúc của người thân và chúc mừng năm mới tới những thành viên trong gia đình. 

tm-img-alt
Chị Dương Thị Hà cùng người thân tại Việt Nam đón chờ thời khắc giao thừa. (Ảnh: NVCC)

Anh Nguyễn Danh Hùng (quản lý nhà hàng thuộc công ty Pepper Food Service Co.,Ltd, Tokyo) vẫn làm việc bình thường, ngày 29 Tết nên năm nay anh không thể cùng bạn bè xem chương trình Táo quân và chờ Giao thừa.

Đón Tết tại Nhật Bản nhiều năm, anh Hùng vẫn giữ thói quen: “Mùng một Tết đầu năm, tôi xin nghỉ một buổi đi chùa với bạn bè và qua tiệm Việt Nam ăn bát bún, bát phở hay cái bánh mì cho đỡ nhớ nhà. Ở Tokyo có nhiều tiệm Việt Nam và khi gặp đồng hương thì mọi người đều cười, chào nhau và không quên gửi lời chúc mừng năm mới”.

tm-img-alt
Ngày đầu xuân, anh Nguyễn Danh Hùng thường đi chùa cầu bình an. (Ảnh: NVCC)

Đối với những người Việt trên đất khách, vô tình gặp đồng hương trong phút chốc cũng làm trái tim vơi bớt nỗi niềm nhớ quê.

Chị Quỳnh Trang (làm việc tại công ty Sankyo Mokko, thành phố Saitama) nhớ lại ký ức về Tết năm đầu tiên khi tới Nhật Bản 3 năm trước, mỗi năm chị đều đón Tết cùng những thành viên của Hội đồng hương Nghệ An - Hà Tĩnh tại Nhật Bản. Chị Quỳnh Trang nghẹn ngào chia sẻ: “Tết xa quê vẫn thấm đượm tình người, đong đầy tình làng nghĩa xóm, mọi người trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho nhau. Qua tới đây rồi, ai cũng là đồng hương”. 

tm-img-alt
Những ngày đầu xuân mới, người lao động Việt tại Nhật Bản gặp gỡ, trò chuyện. (Ảnh: NVCC)

Những lao động Việt Nam tại Nhật Bản đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên dải đất hình chữ S, gặp gỡ tại đất nước mặt trời mọc trở thành người thân thiết. Những người con Việt xa xứ dốc sức làm việc từng ngày, cùng nhau tạo nên hương vị Tết quê hương tại Nhật, trong lòng mong đợi cơ hội được trở về Việt Nam đón Tết cùng gia đình.

Bạn đang đọc bài viết Tết đặc biệt của lao động người Việt tại Nhật Bản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo SKĐS

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.