Thứ năm, 25/04/2024 11:01 (GMT+7)

“Tết mà!” – là do Tết hay là do ta ?

Mạc Tường Vi -  Thứ hai, 02/01/2023 11:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vào dịp Tết đến, Xuân về, có lẽ chúng ta hơn một lần từng nghe câu “Tết mà!”. Ở một số tình huống nào đó, “Tết mà!” khiến không ít người cảm thấy ngán ngẩm…

“Tết mà!”

Đối với mỗi người Việt Nam, Tết có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đó là dịp để gia đình, anh em, bạn bè tụ họp sau một năm bôn ba làm việc, cùng kể cho nhau nghe về những chuyện đã qua. Ai ai cũng muốn về quê để đoàn tụ cùng gia đình, vì thế lượng xe khách liên tỉnh cũng nhiều hơn thường lệ.

Xe chạy nhiều thì… rác cũng nhiều. Người ta xả rác ở bến xe, trên xe, hay thậm chí khi vừa bước xuống xe, điển hình là những tờ vé xe đã qua sử dụng. “Tết mà” là câu nói được nhiều người dùng viện lý do cho việc làm của mình. Họ cho rằng Tết thì ai cũng hối hả, mang nhiều đồ đạc nên việc bỏ những tấm vé, những chai nước hay vỏ bánh kẹo là chuyện có thể bỏ qua.

Tết đến kéo theo nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân khắp mọi miền đất nước cũng tăng lên. Dạo quanh các quán ăn dọc theo những con đường chuyên phục vụ ăn uống, hình ảnh những hộp xốp đựng thức ăn, những lon bia hay những túi đồ ăn hư chất đầy cả thùng rác, thậm chí tràn xuống lòng đường… đã không còn quá xa lạ với người dân Sài Gòn và du khách nước ngoài. Và ở những buổi liên quan, gặp mặt thì không thể nào thiếu đi bia rượu. Tất cả đều là “Tết mà!”.

Đến hẹn lại lên, mới đây thôi là lễ hội bắn pháo hoa mừng năm mới 2023 (Countdown), người dân từ khắp các nẻo đường tập trung về những quận trung tâm để cùng nhau chia sẻ không khí Tết. Sau khi xem xong các màn trình diễn văn nghệ và pháo hoa thì con phố cũng nhanh chóng bị lấp đầy bởi rác.

Khi phỏng vấn nhanh một số người tham gia chương trình Countdown về nguyên nhân của trình trạng rác thải đầy đường sau màn bắn pháo hoa đón năm mới thì có ý kiến cho rằng: “Tết mà, mỗi năm chỉ có một lần thôi nên tôi nghĩ cũng không có gì to tát cả”.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm của người dân những ngày giáp Tết cũng tăng cao. Khi người mua thắc mắc về giá bán cao hơn nhiều so với bình thường thì “Tết mà!” cũng là câu nói thường được người bán sử dụng.

Rồi Tết thì phải dọn nhà, muốn nhà sạch nhưng không phải ai cũng ý thức bỏ rác đúng nơi quy định. Một số người chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, muốn dọn nhà “xả xui” nhưng lại xả rác đầy đường, trong đó có cả những rác thải cồng kềnh như sofa, nệm, bàn, ghế… Do khó khăn trong việc vận chuyển, bốc xếp, xử lý, nên các loại rác cồng kềnh không được các đơn vị thu gom vận chuyển, tồn đọng lâu ngày khiến đường phố trông rất nhếch nhác

tm-img-alt
Nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao vào dịp lễ, Tết.

Là do Tết hay do ta?

Khi nói đến tình trạng rác thải tràn lan trên đường phố thì thật khó để gói gọn trong hai từ “Tết mà!”, vì vấn đề này xảy ra quanh năm, có chăng chỉ nhiều hơn vào những dịp lễ hội. Mặc dù nhiều thùng chứa rác được đặt dọc đường, ở các điểm vui chơi và chợ Tết, nhưng hình ảnh những ly nước đã uống, hộp đồ ăn, bao nilon… nằm cạnh chứ không phải trong thùng rác, vẫn thường xuyên được bắt gặp.

Ở nước ngoài, chẳng hạn như ở nước Úc, Giáng sinh là dịp lễ rất quan trọng. Khi nhìn lũ trẻ háo hức đếm ngược từng ngày và người lớn tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, nấu nướng chuẩn bị cho bữa ăn đoàn tụ thì không ít người phải thốt lên rằng sao mà giống Tết Nguyên đán ở Việt Nam thế.

Thực ra, không cần biết diễn ra vào ngày nào trong năm, được gọi tên là gì hay cách thức ăn mừng như thế nào, chính những điều mà trái tim con người hướng đến mới tạo nên chất liệu cho một dịp lễ hội.

Cho nên, chúng ta đừng đổ lỗi cho Tết mà hãy xem mình đã ứng xử đúng mực, có văn hóa hay chưa. Đồ dùng cũ không có lỗi, rượu bia không có lỗi, Tết không có lỗi, lỗi ở con người mà ra cả.

Có lẽ nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ nhận thức và tính tự giác về vấn đề rác thải của người Việt Nam vẫn còn hạn chế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Khi nào những suy nghĩ như: “Rác có công nhân vệ sinh dọn dẹp”, “Mình không xả thì người khác cũng xả”… còn tồn tại thì rác thải vẫn là vấn đề nhức nhối ở nước ta và mục tiêu xanh – sạch – đẹp cũng chỉ dừng lại ở biển hiệu.

tm-img-alt
Mặc dù có sẵn thùng rác, nhưng nhiều người vẫn chưa có ý thức.

Tết đang đến rất gần, ai ai cũng muốn nhà cửa sạch sẽ, được sum họp với gia đình, được nghỉ ngơi và những công nhân vệ sinh cũng thế. Đừng lấy câu “Tết mà” ra làm lý do cho những hành vi không đẹp của mình. Hãy để cái Tết luôn mang lại tiếng cười nhưng vẫn giữ được bản chất ý nghĩa vốn có của nó.

Bạn đang đọc bài viết “Tết mà!” – là do Tết hay là do ta ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành