Thứ năm, 28/03/2024 19:42 (GMT+7)

Tết ở nơi xứ người

MTĐT -  Thứ tư, 10/02/2021 19:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đầu năm, hơi thở mùa xuân ấm áp gần gũi, không giá buốt mong manh, hơi xuân có vị chia sẻ của bao người Việt nơi xa xôi chưa thể trở về.

Ở cực bắc tuyết đang tan và ở vùng Sibiri tuyết cũng không còn trắng xóa để cưỡi tuần lộc đi chơi xuân. Đã có những dấu giầy của bạn mình rong ruổi trên những nẻo đường vùng bắc Âu và châu Âu, họ vẫn “chơi tết” theo cách của họ. Họ thích nghi rất nhanh với những món ăn, lệ tục văn hóa của từng vùng. Lúc nào đó chồn chân mỏi gối, bất chợt thấy cô quạnh thì viết thư vài dòng ngắn ngủi, hỏi bạn đang nghĩ gì. Đáp: “Đang nhớ Hà Nội”. Nỗi nhớ của sự từng trải, đã đi qua bao nhiêu núi cao vực sâu mà vẫn thấy cần đi xa nữa, để nhìn, để nghĩ, và cốt lõi nhất là tìm chính mình, mình đang sống và tìm kiếm gì đây?

Tôi có người bạn đang sống ở Starbuck hàng năm, tết cũng sắm cành đào phai nhỏ, có chiếc bánh chưng hút chân không gửi từ Việt Nam sang. Họ đã quen khẩu vị của món ăn Mỹ nhưng món nem Việt thì không thể bỏ khi tết về. Món nem Việt thì quấn dễ rồi, chỉ có món rau sống thì luôn nhớ mùi rau thơm của húng láng. Khi ăn bún ngan thèm cái mùi “húng chó” ăn bún riêu lại thèm lá tía tô, kinh giới, rau riếp của xứ Việt Nam. Đó là nỗi nhớ Hà Nội và hương của ẩm thực Việt ở xứ Thổ. Đó là nỗi nhớ hạt gạo, hương lúa, lâu rồi không được về quê.

Cái thú ở chợ tết của người ngụ cư ở nước ngoài là đi chợ Mỹ xa hơn, bạn cho biết chợ Mỹ khác chợ Trung Quốc và chợ Hàn vì có giá cả niêm yết minh bạch và họ hay tìm mua hàng giảm giá kiểu như “đại đại hạ giá” ở Việt Nam mình. Bạn tôi kể có lúc nỗi nhớ của con người rất nhỏ nhặt, ví như có bữa ăn bỗng thèm hạt gạo tám xoan Hải Hậu thì Starbuck không có, bên này họ ăn thứ gạo ngon nhất, gạo Việt ST25. Tôi kể cho bạn nghe, ở Việt Nam khi ở hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, không thấy bán gạo ST25 cho dân Việt trong nước, thứ gạo ngon nhất thế giới này toàn xuất khẩu sang châu Âu và Tây Âu, ở bên đó bạn tôi lại kêu người Việt hay ăn gạo Thái Lan và gạo Ấn Độ.

Người Việt vốn chịu thương chịu khó, còn chịu đi chợ xa săn hàng khuyến mại. Tết về săn được đôi giày có giá rẻ hơn, mỗi đôi giầy hàng hiệu có giá hơn mười đô cũng thú vị lắm. Niềm vui bình dị của con người rất giống nhâu trong cõi người, dù có cách xa địa lý, không, dù barie rào chắn, thì niềm hân hoan giá rẻ đều vui như nhau, chỉ có cách cảm, cách nghĩ của mỗi người thì rất khác.

Giống như hai vợ chồng bạn tôi lại có hai sở thích ăn uống rất khác biệt, người vợ thích ăn phở nhiều nước, người chồng thích ăn xôi xéo có nhiều hành khô. Người vợ không thích uống trà Tân Cương Thái Nguyên, chỉ thích cà phê Trung Nguyên, còn người chồng chỉ nghiện trà Tân Cương. Mỗi cảm xúc để ngoảnh lại nhớ tết Việt cũng vậy. Chênh vênh và da diết.

Khi có tuyết trắng trời kéo dài tới 6 tháng ở xứ người, bạn tôi ngồi thèm chuối tiêu chín trứng quốc, thèm vải thiều Thanh Hà, thèm nhãn lồng ở Hưng Yên, có khi bạn lại nhớ nắng, nhớ bãi biển đầy nắng và không nghĩ gì ngoài nắng đang nhảy múa trên bãi biển. Lúc đó nhớ biển, người chồng nhớ lại đứa con gái hồi bé tý bé teo, đã từng ngồi đắp một ngọn núi cao bằng cát trên bờ biển Phú Quốc, nay thì nó đã lớn, đã trở thành vận động viên leo núi, là người mê thể thao và lướt ván trên biển châu Âu rất diệu nghệ.

Người vợ lại nói, thèm giọt nước mắm rút nõ ở miền biển Tĩnh Gia Thanh Hóa, giọt nước mắm mà chan cơm, hạt cơm cứ nổi lên. Ngày tết mà có chai nước mắm rút nõ thì chỉ chan cơm ăn chay, cơm rưới nước mắm rút nõ là đủ. Khi ăn cơm rưới nước mắm nhất quyết không ăn kèm món khác, vì món ngon của hạt gạo dưới đất và vị cá của nước biển, ngon riêng. Đất và nước trộn lại thành món ngon: cơm chan nước mắm, vậy thôi.

Tết, hồi ức về Hà Nội ở nơi xứ người là niềm hạnh phúc có thật trong tâm tưởng thực tế chứ không phải viển vông, đâu xa. Một người chú ruột của bạn tôi sống cô độc ở Mỹ nhiều năm, mãi tới khi có công nghệ 4.0, ông mới được nhìn thấy đứa cháu qua điện thoại, đứa cháu ở Việt Nam đã khóc, khi nhìn thấy ông với giọt nước mắt thật đục trong trại dưỡng lão.

Ông chú ấy, một phận người cô quạnh lắm với tấm ảnh duy nhất, ảnh của mẹ mình. Khi ông chẳng có ai bấu víu, níu kéo vào ký ức để rồi Tết về, ở bển, ông nói: “Nhớ Việt Nam!”. Thăm thẳm trong cõi người ở nơi tha hương, người Việt nhớ từ giọt nước mắm đến hạt gạo, nhớ mẹ và như chiếc lá rơi về cội nguồn.

Khi ở Việt Nam, khi sống ở Hà Nội, chợ tết ở khắp mọi nơi, nhớ chiếc xe đạp chở mùi già, hương nhu, lá bưởi, nhớ từ bó mùi già ra hoa đến bông pháo hoa trổ bông trên nền trời có cái tháp rùa hồ Gươm xiêu vẹo. Nhiều năm ở xứ người, bà con Việt kiều cũng từng xem pháo hoa, nhìn khung cảnh không có tết của kẻ tha hương, người Việt đã ngậm ngùi ngoảnh lại cố hương và nhớ người thân. Nếu không tin, các bạn trẻ cứ thử xem: Hãy đi du lịch xa Hà Nội vào dịp tết, hoặc có thể nạn dịch Co vy bạn không thể về quê nhà, không thể xum vầy gia đình. Trong heo hút của xứ tuyết, trong bê tông và ánh đèn hào nhoáng của kinh đô hoa lệ Paris hay ở tận lâu đài cổ kính của mạn Saint Petersburg là thành phố cố đô thứ hai của nước Nga… bạn sẽ nhớ nhà mình nhớ Hà Nội, khắc khoải ra sao?

Tôi kể cho bạn mình ở Starbuck rằng, mình đã từng ăn tết xa nhà, một lần ở hòn đảo nhỏ vùng biển Totori của nước Nhật, ăn những món đặc sản của xứ người,và học cách ăn rất chi tiết, bát nhỏ, món ăn rất ít về rau, nhưng đủ vị của người Nhật. Nhưng ở Nhật tìm đâu ra vị nước mắm rút nõ và quả ớt chỉ thiên của Việt Nam để ăn với gỏi cá. Họ ăn với mù tạt, cay xộc lên mũi đánh mất hương vị cá, ớt cay của ở xứ sở Việt, từ vị cay của hạt tiêu Phú Quốc đến ớt xanh Quảng Nam cũng cay theo cách người Việt, từ từ cay, từ từ thấm vào vị giác. Nên xa xứ sẽ nhớ vị ngon nước mình tăng lên gấp bội.

Tết Việt có mùi vị thật riêng, có vị, có mùi, ngoài sự xum họp gia đình, còn có những món quà nhỏ dành cho người thân khi nghĩ về nhau, món quà có giá trị vật chất không lớn, nhưng giá trị tinh thần lại là gửi gắm một thông điệp, nhớ nhung và yêu thương con người với con người. Và vị tết còn có hơi thở sự sống, lời chúc tốt đẹp dành cho nhau nhân dịp đầu xuân năm mới. Đầu năm, hơi thở mùa xuân ấm áp gần gụi, không giá buốt mong manh, hơi xuân có vị chia sẻ của bao người Việt nơi xa xôi chưa thể trở về.

Theo Nhà văn Hoàng Việt Hằng/ Reatimes

Bạn đang đọc bài viết Tết ở nơi xứ người. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.