Thứ sáu, 19/04/2024 07:59 (GMT+7)

Thạch Thất-Hà Nội: Chính quyền có tiếp tay cho “đất tặc” lộng hành?

Thái Quảng - Ngọc Tuyên -  Thứ sáu, 02/04/2021 14:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua trên địa bàn xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất (Hà Nội) nạn “đất tặc” diễn ra công khai, rầm rộ nhưng chính quyền sở tại có dấu hiệu làm ngơ, “tiếp tay” vi phạm.

Theo phản ánh của người dân ở xóm Bãi Dài, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất cho biết: Thời gian qua, mỗi khi đêm xuống có rất nhiều xe ô tô trọng tải lớn tập trung về khu vực xóm để khai thác, vận chuyển đất đồi của một hộ dân đi nơi khác tiêu thụ. Việc các phương tiện, máy móc hoạt động rầm rầm suốt đêm khiến cho cuộc sống người dân bất an, không thể có giấc ngủ ngon sau một ngày dài lao động vất vả, đặc biệt, mỗi buổi sáng khi ra con đường liên xã thì đất cát vương vãi khắp nơi, bụi bẩn mù mịt do quá trình vận chuyển đất gây ra khiến người dân bức xúc.

“Đất tặc” hoạt động công khai

Có mặt tại xóm Bãi Dài, xã Tiến Xuân, PV đã ghi nhận tại khu đất đồi rộng hàng nghìn m2 của hộ ông Tạ Văn Hải đang được đào bới nham nhở, theo người địa phương thì việc khai thác đất tại đây diễn ra từ tháng 12/2020, và chỉ khai thác nhộn nhịp vào ban đêm.

Khu đất và quả đồi của hộ ông Tạ Văn Hải bị “bắm nát” để lấy đất đi tiêu thụ gây thất thoát tài nguyên, ngân sách nhà nước.

Để xác minh thông tin trên, khoảng 22h đêm, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam trở lại khu vực này. Quả thực, chúng tôi đã chứng kiến và ghi nhận trực tiếp nhiều xe ben có trọng tải lớn xếp hàng chờ 02 máy xúc hoạt động hết công suất, nhanh chóng múc đầy đất lên thùng để chở đi nơi khác tiêu thụ. Kèm theo đó là tiếng máy xúc, tiếng xe tải gầm rú xé tan sự tĩnh lặng của đêm tối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân sống quanh khu vực.

Tiếp đó, PV bám theo “binh đoàn” xe ben này và được biết toàn bộ đất được vận chuyển đến điểm tập kết cách đó khoảng 10km, dùng để san lấp mặt bằng một dự án xây dựng.

Việc khai thác đất nhộn nhịp vào ban đêm

Việc khai thác đất trên diễn ra công khai, rầm rộ và đã được người dân, báo chí phản ánh đến chính quyền xã Tiến Xuân và UBND huyện Thạch Thất nhưng không được xem xét, giải quyết khiến dư luận bức xúc.

Mới đây PV đã có mặt tại trụ sở UBND xã Tiến Xuân để tìm hiểu sự việc. Tuy không gặp được lãnh đạo xã này nhưng PV đã gặp và có cuộc trao đổi với ông Tạ Văn Hải, là chủ sở hữu thửa đất trên. Theo ông Hải: “Mảnh đất hiện tại tôi đang chomộtdoanh nghiệp thuê, đến nay được khoảng 06 tháng, tôi chỉ biết cho thuê còn họ(doanh nghiệp – PV)làm gì tôi không biết(?!).Có việc gì các em(PV)liên hệ với bạn Oai”.

Khi chúng tôi thông tin việc hàng đêm có từ 20 đến 30 xe tải vào chở đất từ khu vực thửa đất của anh đi nơi khác tiêu thụ, ông Hải tỏ ra bất ngờ và phủ nhận vụ việc: “Làm gì có việc đấy”.

Được biết mảnh đất của hộ ông Tạ Văn Hải đang sở hữu được Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ngày 19/2/2020. Theo đó, đây là thửa đất số 01; tờ bản đồ số 68; diện tích: 36,059,9m2. Trong đó, đất ở là 400m2, còn lại 35,659,9m2 là đất trồng cây lâu năm.

Chínhquyền có “tiếp tay” vi phạm?

Theo tài liệu mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam thu thập được thể hiện: Ngày 5/2/2021, ông Nguyễn Mạnh Hồng – Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất ký Văn bản số 184/UBND-TNMT về việc phúc đáp nội dung đề xuất, kiến nghị tại Tờ trình số 02/TTr-UBND ngày 01/02/2021 của UBND xã Tiến Xuân.

Công văn số 184/UBND-TNMT do ông Nguyễn Mạnh Hồng Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất ký

Nội dung văn bản thể hiện: Chấp thuận nội dung đề xuất của UBND xã Tiến Xuân cho phép hộ ông Tạ Văn Hải thường trú tại thôn Gò Chè, xã Tiến Xuân trong tình trạng sạt lở gây mất an toàn cho người tham gia giao thông và ảnh hưởng tới các hộ lân cận được cải tạo mặt bằng thửa đất số 01, tờ bản đồ 68, xã Tiến Xuân.

Đồng thời giao UBND xã Tiến Xuân kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện cải tạo mặt bằng thửa đất của ông Tạ Văn Hải, kịp thời lập hồ sơ xử lý vi phạm (nếu có) hoặc báo cáo phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện xử lý nếu vượt quá thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã. Nếu việc để xảy ra vi phạm không xử lý kịp thời, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND huyện.

Đối với hộ ông Tạ Văn Hải có trách nhiệm lập phương án thực hiện, báo cáo UBND xã để kiểm tra, giám sát, chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính (nếu có) theo quy định.

Và, kể từ khi có trong tay “lá bùa” là Văn bản số 184 nêu trên do người đứng đầu chính quyền huyện Thạch Thất ký, hộ ông Hải vô tư huy động các phương tiện, máy móc đến băm nát quả đồi và khu đất trên để đi bán kiếm lời.

Việc khai thác, vận chuyển đất tại khu vực này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng đường giao thông, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn mà đây còn là dấu hiệu “đánh cắp” vạn m3 đất ngay giữa Thủ đô, gây thất thu ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng.

Trở lại Văn bản số 184/UBND-TNMT của UBND huyện Thạch Thất. Trong đó có nội dung: “Nếu việc để xảy ra vi phạm không xử lý kịp thời, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND huyện”

Có thể nhận định việc khai thác đất đồi đi bán của hộ ông Hải nêu trên là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, với vi phạm này thì Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân có biết hay không? Nếu xác minh rõ hộ ông Hải lợi dụng được cấp phép san gạt, cải tạo đất để “đánh cắp” tài nguyên, thì chiếu theo nội dung văn bản trên người đứng đầu chính quyền xã Tiến Xuân phải chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật, và trước Chủ tịch huyện Thạch Thất? Tất cả những băn khoăn, câu hỏi này chúng tôi xin được gửi đến các cấp lãnh đạo của Thành phố Hà Nội để tìm câu trả lời.

Ngoài ra, đối với Chủ tịch huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng sẽ phải chịu trách nhiệm gì nếu như hộ ông Tạ Văn Hải và chính quyền xã Tiến Xuân “dính” vi phạm? Đây cũng là điều mà dư luận đặc biệt quan tâm, bởi lẽ, những dấu hiệu vi phạm trên đã được người dân, báo chí phản ánh mà UBND huyện Thạch Thất không vào cuộc kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện và ngăn chặn vi phạm trên (nếu có) thì người đứng đầu chính quyền huyện này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. 

Năm 2016, khi còn là Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, ông Nguyễn Mạnh Hồng gây nhiều “dị nghị” khi ký Công văn số 800/UBND-TNMT về việc chấp thuận đề nghị san hạ, cải tạo mặt bằng của hộ bà Bùi Thị Thịnh, trú tại thôn Chùa 1, xã Tiến Xuân

Trong một diễn biến khác, theo tìm hiểu, từ năm 2016 khi còn là Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, ông Nguyễn Mạnh Hồng cũng từng ký Văn bản số 800/UBND-TNMT về việc chấp thuận đề nghị san gạt, cải tạo mặt bằng của hộ bà Bùi Thị Thịnh, thường trú tại thôn Chùa I, xã Tiến Xuân. Tại thời điểm đó, vụ việc này cũng gây nhiều hoài nghi trong nhân dân khi hàng vạn m3 đất đồi sau khi san gạt, cải tạo không biết “lang thang” về đâu?

Trước tình trạng đất tặc lộng hành nêu trên, chúng tôi kính đề nghị lãnh đạo UBND TP Hà Nội vào cuộc chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan vào cuộc thanh tra, kiểm tra dấu hiệu buông lỏng quản lý tài nguyên đất đai của UBND huyện Thạch Thất, và chính quyền xã Tiến Xuân. Đồng thời xử lý nghiêm tập thể, các nhân đã và đang “tiếp tay” cho vi phạm (nếu có).

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Bạn đang đọc bài viết Thạch Thất-Hà Nội: Chính quyền có tiếp tay cho “đất tặc” lộng hành?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.