Thứ sáu, 19/04/2024 19:55 (GMT+7)

Thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị

MTĐT -  Thứ hai, 21/03/2022 09:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang tạo nhiều thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như bảo đảm chất lượng, môi trường sống của người dân đô thị.

Chính vì thế, trong tầm nhìn tổng thể nhằm hoàn thiện hệ thống đô thị của cả nước, các chiến lược phát triển của Việt Nam phải giải quyết được các điểm chưa nhất quán giữa những gì của hiện tại và những gì cần làm trong tương lai.

5 điểm nghẽn đối với tương lai đô thị Việt Nam

Chưa bao giờ vấn đề về quy hoạch, môi trường của các thành phố lớn ở Việt Nam lại “nóng” như lúc này. Đặc biệt, việc mở rộng các đô thị, tạo lập các đô thị vệ tinh đang đứng trước nguy cơ “vỡ quy hoạch” do việc phát triển thái quá, cấp phép tràn lan các dự án.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các thành phố chỉ chiếm 2% diện tích đất đai, song tiêu thụ tới 75% nguồn lực thế giới và tạo ra một cơ số tương tự lượng rác thải với những hậu quả có tính tàn phá đối với môi trường và sức khỏe của cư dân đô thị.

OECD cũng chỉ ra 5 điểm nghẽn lớn đối với tương lai đô thị Việt Nam. Đó là, trình độ lao động đô thị thấp; Hạ tầng giao thông yếu kém (đất giao thông Hà Nội bình quân đầu người là 4,8 m2, TP.HCM là 2,9 m2, bằng 20 - 25% chuẩn quốc tế); Đô thị hóa đi kèm với thách thức môi trường nghiêm trọng gây nguy cơ cho sức khỏe dân cư và nền kinh tế (chỉ riêng bụi mịn PM theo chuẩn WHO là 20 ug/m3/năm, thì Hà Nội là 150 - 180 ug/m3 và TP.HCM là 96 ug/m3); gia tăng sự cách biệt giàu - nghèo; Bành trướng đô thị lấn vành đai nông nghiệp và tự nhiên ở ngoại vi, phát triển lạc hậu về hình thể theo mảng, biến tướng về chức năng (việc mở rộng Hà Nội năm 2008 đã cơ bản thanh toán xong vành đai nông nghiệp sông Nhuệ và vùng xanh ngoại vi bao bọc Hà Nội)...

Thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị

Thực tế cho thấy, những đánh giá trên là không mới. Đồng thời với quá trình phát triển của các đô thị, là sự phát tác nhiều loại hình tiêu cực đến môi trường sống. Việc mở rộng thành phố đã thôn tính rất nhiều không gian xanh, nhiều di sản văn hóa bị mất mát. Vì vậy, cần nhanh chóng ngăn sự thôn tính này bằng việc dừng các dự án tràn lan mọc lên dưới cái gọi là “điều chỉnh quy hoạch”.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu đô thị hoá đem lại sức mạnh, sự giàu có, thì mặt trái của nó là sự cách biệt giữa giàu và nghèo.

Nông dân nghèo không có đất sẽ tiếp tục di dân đổ về các đô thị để kiếm việc làm, tìm cơ may trong cuộc sống đô thị.

Việc giảm nghèo ở đô thị không thể thực hiện được nếu không tạo thêm việc làm và thu nhập. Nếu các thành phố không cung cấp được các cơ hội tạo ra thu nhập cho người nghèo thì sẽ phải đối mặt với sự gia tăng đói nghèo, xung đột xã hội và trì trệ.

Những thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị

Việt Nam hiện có 870 đô thị các loại, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40,5% (tăng gần 10% so với năm 2010). Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tạo nhiều thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị. Các chuyên gia cũng cảnh báo, quá trình chuyển đổi sử dụng đất, và nguy cơ dân số tăng nhanh tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng và Cần Thơ… đến mức “không chịu nổi” là khá hiển nhiên, trừ khi có một lưu tâm nghiêm túc cho sự phát triển phân tán tới các trung tâm đô thị khác. Thế nên, các thách thức của tương lai còn phức tạp hơn trong quá khứ.

Thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị

Thực tế cho thấy, mặc dù mỗi năm được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho hạ tầng đô thị, nhưng tình trạng tắc đường, úng ngập của các đô thị lớn ở Việt Nam dường như không mấy được cải thiện, có nơi còn trầm trọng hơn khi mùa mưa bão đến.

Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng này đó là quy hoạch hạ tầng đô thị không đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Ngay như lĩnh vực giao thông, dù Hà Nội có đồ án Quy hoạch chung xây dựng từ tháng 4/2011 nhưng phải đến tháng 3/2016 mới phê duyệt Quy hoạch GTVT. Và cho đến nay, Hà Nội mới cơ bản hoàn thành 66/68 đồ án quy hoạch chung. Thành phố cũng đang chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, bảo đảm đúng quy trình, quy định; phấn đấu trình, phê duyệt hai đồ án còn lại trong quý II/2022. Ngay từ khâu làm quy hoạch đã bất cập như vậy, nên đương nhiên quá trình phát triển đô thị của Hà Nội sinh ra nhiều hệ lụy.

Không chỉ với Hà Nội, đô thị lớn nhất nước là TP.HCM thậm trí còn trầm trọng hơn. Riêng cho giao thông, toàn thành phố trong cả giai đoạn từ 2015 - 2020 vốn chỉ hơn 50.000 nghìn tỷ, trong đó ngân sách dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm đến 50%. Việc này thể hiện sự thiếu đồng bộ, dẫn đến quy hoạch giao thông của TP.HCM hiện nay chậm hơn so với các khu vực khác. Hạ tầng giao thông yếu, chậm phát triển cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy khác, đặc biệt tình trạng úng ngập mỗi khi triều lên. Do quy hoạch chắp vá, tầm nhìn ngắn hạn với mong muốn khai thác nhanh, hàng ngàn dự án bao quanh các thành phố cũng đã được chuyển đổi mục đích cho hàng trăm công ty kinh doanh đất với hạ tầng chắp vá, tạm bợ. Thế là, san lấp, làm mặt bằng. Bức tranh “nhà nhà làm quy hoạch” lộ rõ khiến đô thị lem nhem. Trong cơn quay cuồng đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị bị “bỏ quên”, nhiều nơi trở thành “điểm đen” úng ngập mỗi khi triều lên, mưa xuống.

Phát triển không đồng bộ, quá chú tâm khai thác giá trị từ đất bằng các dự án, nhiều nơi, người ta đã bỏ qua những “mảng xanh” của đô thị. Đánh giá thực trạng phát triển hạ tầng đô thị xanh ở Việt Nam, theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2-3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10 m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25 m2, nghĩa là cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới. Đã vậy, sự phân bổ lại không đều.

Cho đến nay, tổng diện tích đất cây xanh đô thị theo quy hoạch khoảng trên 70 nghìn héc-ta, chiếm tỷ lệ hơn 1,2% diện tích đất xây dựng đô thị, đây là một con số quá nhỏ. Để “cải thiện” các mảng xanh đô thị, một số đô thị lớn đã có những chương trình, đề án phát triển cây xanh đô thị như Hà Nội (khoảng 1 triệu cây xanh bóng mát), Đà Nẵng (khoảng 350 nghìn cây, năm 2015), TP.HCM (khoảng 236 nghìn cây - số liệu quản lý của các đơn vị trên địa bàn, năm 2019), TP Vũng Tàu (khoảng 38 nghìn cây…).

Trên toàn lãnh thổ thành phố mở rộng (của Hà Nội) có khoảng 60 công viên. Nếu tính bình quân diện tích công viên trên người ở bốn quận trung tâm là 1,5 m² thì khu vực ngoại thành chỉ ở mức 0,05 m²/người. Sự phân bố không đều không gian công viên này khiến cho một nửa số người dân đô thị Hà Nội, nhất là thanh thiếu niên và người già, không thể đến công viên bằng cách đi bộ, nên không thể sử dụng chúng một cách dễ dàng và thường xuyên.

Đất dành cho cây xanh đã “eo hẹp”, tỷ lệ đất dành cho giao thông cũng thật buồn với con số còn quá thấp, hầu hết mới chỉ đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị, trong khi đó tỷ lệ này phải đạt khoảng 20 - 26%.

Thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị

Thực tế cho thấy, mật độ đường thấp và phân bổ không đều, ở Hà Nội và TP.HCM đạt khoảng 2 - 4 km/km2, trong khi chỉ tiêu quy định là 4 - 6 km/km2. Diện tích dành cho giao thông tĩnh cũng thấp, hầu hết chưa đạt đến 1% đất xây dựng đô thị, trong khi đó, theo quy định phải đạt từ 3 - 5% đất xây dựng đô thị. Quỹ đất dành cho đô thị thấp càng khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô trở lên phức tạp. Việc tiếp cận, tham gia giao thông của người dân còn thiếu an toàn.

Trước thực tế này, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã đưa ra những giải pháp cụ thể trong quản lý phát triển công viên cây xanh đô thị và giao thông đô thị.

Theo đó, tiếp tục thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 (từ nay đến năm 2025 sẽ trồng mới 680 triệu cây ở cả đô thị và nông thôn). Và để thực hiện mục tiêu này, theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa lịch sử… bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển công viên, cây xanh đô thị. Ban hành cơ chế chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển và khai thác công viên đô thị. Rà soát quỹ đất cây xanh, không gian xanh trong các đô thị, đảm bảo đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn và được quản lý tốt, tránh chuyển đổi mục đích sử dụng.

Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong việc trồng, chăm sóc, dịch chuyển cây xanh phân tán; bảo đảm việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển cây xanh được an toàn, hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về trồng, chăm sóc, phát triển cây xanh trồng tập trung và cây xanh phân tán. Kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho quản lý, trồng và chăm sóc cây xanh đô thị.

Trong phát triển giao thông đô thị, đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt khoảng 11 - 16%. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn đáp ứng khoảng 25 - 30%. Để thực hiện mục tiêu phát triển giao thông này, cần đổi mới công tác quy hoạch đô thị, phát triển đô thị phù hợp với xu thế phát triển đô thị nén, đô thị thông minh, đô thị tại các đầu mối giao thông đô thị lớn (TOD).

Bố trí đủ đất cho hệ thống giao thông theo quy hoạch. Tăng cường thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội thông qua các hình thức đối tác công - tư; ưu tiên phát triển các loại hình giao thông công cộng, các nút giao thông khác mức, các đường vành đai và trục xuyên tâm chính, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Đổi mới nâng cao chất lượng quản lý, điều hành hệ thống giao thông, kiên quyết và có lộ trình hợp lý kiểm soát sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân.

Rõ ràng, trong tầm nhìn tổng thể nhằm hoàn thiện hệ thống đô thị của cả nước, các chiến lược phát triển của Việt Nam phải giải quyết được các điểm chưa nhất quán giữa những gì của hiện tại và những gì cần làm trong tương lai.

Những đợt triều lên bất thường đang khiến TP.HCM hoảng hốt khi con nước cứ dâng cao và vào sâu trong thành phố. Chỉ một cơn mưa đầu mùa cũng khiến Hà Nội nhiều nơi phải bì bõm trong nước. Các đợt nắng nóng mỗi năm một kéo dài và khốc liệt hơn đe dọa môi trường sống của các đô thị Việt Nam. Tất cả những dấu hiệu đó là lời cảnh báo cho các đô thị ở Việt Nam sẽ phải đối chọi với những tác động tiêu cực khi hạ tầng kỹ thuật chưa được quan tâm và chuẩn bị đúng mức.

Kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong phát triển đô thị cho thấy, “phải đặc biệt ưu tiên xây dựng hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị, đó là nền tảng của đô thị”. Các chuyên gia về phát triển đô thị khẳng định “đầu tư cho hệ thống này là cho phát triển, cho mai sau”. Với các đô thị ở Việt Nam, mai sau có lẽ khó khăn hơn nhiều - bởi nhìn chung chúng ta vẫn chưa chống đỡ nổi các khủng hoảng hiện tại (do vốn, kỹ thuật, nhân lực) - nếu không có một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực sống còn của đô thị - Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Bạn đang đọc bài viết Thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...