Thứ năm, 25/04/2024 23:20 (GMT+7)

Thái Bình: Công ty Hoàng Hà bị tố lợi dụng dịch bệnh “móc túi” khách hàng?

Đặng Phục - Ngọc Tuyên -  Thứ hai, 13/09/2021 09:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo phản ánh, Công ty Cổ phần Hoàng Hà ký hợp đồng “độc quyền” vận chuyển công dân hết thời gian cách ly tập trung tại Trung đoàn 568 (ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) trở về nơi cư trú, đã có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để “móc túi” khách hàng

Theo tìm hiểu, ngày 30/7/2021, Công ty Cổ phần Hoàng Hà (sau đây viết tắt là Công ty Hoàng Hà, địa chỉ tại 368, đường  Lý Bôn, phường Tiền Phong, TP Thái Bình) đã ký Hợp đồng số 438.21/HĐ-HH với Trung đoàn 568 (địa chỉ tại xã Đông Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) về việc vận chuyển công dân hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại Trung đoàn 568.

tm-img-alt
Hợp đồng giữa Công ty Hoàng Hà và Trung Đoàn 568 về việc vận chuyển công dân hết thời gian cách ly tập trung về nơi cư trú.

Nội dung hợp đồng thể hiện, Công ty Hoàng Hà sử dụng các loại xe từ 4 – 45 chỗ để vận chuyển công dân hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại Trung đoàn 568 về nơi cư trú. Toàn bộ kinh phí thuê xe do công dân chi trả cho bên B (Công ty Hoàng Hà), kinh phí đã bao gồm: chi phí xăng dầu, bến bãi, phí đường bộ, công tác phòng chống dịch. Và tiền sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ của lái xe do công dân thanh toán.

Liên quan đến sự việc trên, thời gian gần đây đường dây nóng của Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của nhiều công dân về việc, sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại Trung đoàn 568 họ bắt buộc phải sử dụng dịch vụ xe taxi, xe khách của Công ty Hoàng Hà để về nơi cư trú. Doanh nghiệp này có dấu hiệu lợi dụng việc ký hợp đồng “độc quyền” vận chuyển trên để “chặt chém” khách hàng, khi nâng giá dịch vụ thuê xe tăng cao gấp nhiều lần so với giá ngày thường. Cụ thể:

Theo phản ánh của công dân Trần Thị H: sau khi chúng tôi về nước tại tại cảng Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh thì được đưa về cách ly tập trung tại Trung đoàn 568. Ngày 12/9/2021, sau khi hết thời gian cách ly tôi và 2 người bạn cùng quê đã thuê xe 07 chỗ mang BKS: 17A- 047.43 của Công ty Hoàng Hà để về huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, quãng đường di chuyển khoảng 270km (theo phiếu ghi nợ thuê xe của Công ty Hoàng Hà). Tổng kinh phí chúng tôi phải chi trả chuyến xe này cho Công ty Hoàng Hà là 5.100.000 đồng.

tm-img-alt
Chứng từ của khách hàng Trần Thị H (trú tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) phải thanh toán cho Công ty Hoàng Hà số tiền 5.100.000 đồng cho quãng đường khoảng 270km.

Đây được cho là mức chi phí quá cao so với ngày thường, bởi theo tìm hiểu của PV thì giá thuê 1 chiếc xe 07 chỗ đi từ Thái Bình lên huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ vào ngày thường chỉ vào khoảng hơn 2.500.000 đồng.

Trường hợp khác, ngày 12/09/2021, chị Nguyễn Thị D (trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là khách hàng đi ghép xe 24 chỗ từ Trung đoàn 568 về huyện Nghi Xuân với chiều dài khoảng 270 km phải chi trả xấp xỉ 1.500.000 đồng cho Công ty Hoàng Hà. Tính ra mức chi phí này cao gấp 6,5 lần so với giá vé xe khách ngày thường chạy tuyến cố định Thái Bình - Nghi Xuân (ngày thường giá vé là 230.000 đồng/01 hành khách – PV).

Trên đây là đơn cử các khách hàng cư trú ngoài tỉnh Thái Bình phải chi trả dịch vụ thuê xe của Công ty Hoàng Hà. Vậy đối với các công dân là người địa phương có được doanh nghiệp này “ưu ái” hay không cũng là vấn đề mà dư luận quan tâm.

tm-img-alt
Chứng từ của khách hàng Trần Văn K (trú tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) phải trả cho Công ty Hoàng Hà số tiền 1.700.000 đồng cho quãng đường khoảng hơn 40 km

Và đây là chia sẻ của công dân Trần Văn K, trú tại xã Đông Long, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Trao đổi qua điện thoại với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, anh K cho biết: sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại Trung đoàn 568, tôi và 2 người nữa cùng quê ở huyện Tiền Hải đã thuê một chiếc xe taxi 4 chỗ của hãng  Hoàng Hà với giá 1.700.000 đồng. Khoảng cách từ Trung Đoàn 568 về đến nhà tôi vào khoảng hơn 40 km.

Như vậy, số tiền mà anh K và 2 người bạn đi cùng sẽ phải chi trả cho chuyến taxi của Công ty Hoàng Hà số tiền hơn 42.000 đồng/1 km. Đây cũng là đơn giá quá cao so với giá dịch vụ đã niêm yết là 12.000 đồng/km mà công ty này áp dụng ngày thường cho loại xe taxi 4 chỗ.

Rõ ràng, doanh nghiệp vận tải Hoàng Hà áp dụng mức thu “trên trời” như trên không chỉ gây bức xúc cho khách hàng, mà còn khiến cho dư luận hoài nghi về việc đơn vị này đã lợi dụng dịch bệnh và sự độc quyền trong dịch vụ vận chuyển hành khách để thổi giá dịch vụ lên cao như trên.

Câu hỏi đặt ra ở đây là việc thu phí dịch vụ của Công ty Hoàng Hà có được cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Thái Bình cho phép hay đây là vấn đề riêng, tự ý của đơn vị này. Để tránh gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, thiết nghĩ các ngành chức năng của tỉnh Thái Bình cần vào cuộc làm sáng tỏ sự việc trên.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Trong bài viết trên có nội dung thông tin về việc chị Hoàng Thị L (trú tại TP.Yên Bái) cùng 03 khách hàng khác thuê xe taxi 8 chỗ của Công ty Hoàng Hà từ Trung đoàn 568 về TP.Yên Bái. Đây là thông tin do người nhà chị L cung cấp nhưng không chính xác. 

Bởi sau khi phóng viên xác nhận lại trực tiếp với chị Hoàng Thị L thì được biết chị này thuê xe ngoài để di chuyển về tỉnh Yên Bái chứ không phải thuê xe của Công ty Hoàng Hà. 

Vì vậy Ban Biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam xin gỡ bỏ toàn bộ nội dung liên quan đến chị Hoàng Thị L trong bài viết trên. Chúng tôi thành thật xin lỗi về sơ suất này, rất mong Công ty Cổ phần Hoàng Hà và bạn đọc thông cảm.

Bài 2: Công ty Hoàng Hà btố lợi dụng dịch bệnh “móc túi” khách hàng: "Vẽ" nhiều chi phí?

Bạn đang đọc bài viết Thái Bình: Công ty Hoàng Hà bị tố lợi dụng dịch bệnh “móc túi” khách hàng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.