Thái Bình: Phát triển nền kinh tế toàn diện và vững chắc
Năm 2022, bên cạnh các khó khăn do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thái Bình phải đối mặt với nhiều khó khăn không lường trước được như giá cả một số mặt hàng tăng cao, tình hình kinh tế và chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp ngoài dự báo
Mặc dù vậy, Thái Bình đã tranh thủ tốt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế. - xã hội, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 21/23 chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, nền kinh tế của tỉnh có sự phát triển toàn diện, vững chắc và đúng hướng, đồng đều ở cả 3 khu vực.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng sản phẩm (GRDP, theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh ước đạt 63.000 tỷ đồng, tăng 9,52% so với năm 2021. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 190.530 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2021; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,5%; khu vực dịch vụ tăng 8,9%. Về cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,2%; Công nghiệp và xây dựng chiếm 42,9%; Dịch vụ chiếm 29,6% và Thuế sản phẩm chiếm 6,3%.
Phát huy truyền thống của một địa phương nông nghiệp, trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi phức tạp, giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao..., song sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh vẫn duy trì ổn định. Giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp ước đạt 29,141 tỷ đồng, trong đó: giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước đạt 12.178 tỷ đồng, tăng 1,1% ; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 10.069 tỷ đồng, tăng 4,0% ; giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 5.755 tỷ đồng, tăng 3,2%. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng, ngay từ đầu năm, tỉnh đã tổ chức các hoạt động gặp mặt, động viên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; khởi công, động thổ và khánh thành một số dự án lớn, trọng điểm, tạo không khí sôi nổi, thi đua sản xuất kinh doanh và quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh. Ban hành và triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành Công thương, điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp của tỉnh; ban hành quy định tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; tiếp tục thành lập mới, mở rộng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế và các khu công nghiệp...
Cùng với đó, tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, giải quyết dứt điểm nút thắt, vướng mắc của một số dự án (cưỡng chế giải phóng mặt bằng, bảo vệ thi công tại các điểm nghẽn, nút thắt...); chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công (tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 đạt khá và luôn thuộc tốp đầu cả nước). Kết quả giá trị sản xuất khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2022 ước đạt 128.430 tỷ đồng, trong đó giá trị ngành công nghiệp ước đạt 95.614 tỷ đồng, tăng 17% và giá trị ngành xây dựng ước đạt 32.816 tỷ đồng, tăng 7,9%.
Hoạt động thương mại - dịch vụ phục hồi nhanh và tăng trưởng khá với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 59,613 tỷ đồng, tăng 19,6%; giá trị sản xuất khu vực dịch vụ ước đạt 32.959 tỷ đồng, tăng 8,9%. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng cao so với kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.427 triệu USD, tăng 13,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.095 triệu USD, tăng 20,1%. Hoạt động vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân, doanh thu ước đạt 7.229 tỷ đồng, tăng 24,8%. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được quan tâm chỉ đạo thực hiện; tổng lượng khách du lịch ước đạt 705.567 lượt, tăng 140% (chủ yếu khách nội địa), doanh thu ước đạt 423 tỷ đồng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tăng cường. Tình hình sản xuất và cung ứng điện được thực hiện tốt, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Công tác quản lý tài chính, ngân sách được tỉnh chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm trên cơ sở đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất và điều hành chi ngân sách linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định; thực hiện tiết kiệm triệt để chi ngân sách địa phương. Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 27.902,8 tỷ đồng, đạt 155% dự toán, tăng 26,7% so với năm 2021. Trong đó thu nội địa 12.468,6 tỷ đồng, đạt 147,5% dự toán, tăng 18,4%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 3.000 tỷ đồng, đạt 187,5% dự toán, tăng 58,7%. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 23.077,5 tỷ đồng, đạt 152% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển 11.032,9 tỷ đồng, đạt 179% dự toán, tăng 57%.
Đối với các hoạt động ngân hàng; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp; chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; công tác quản lý tài nguyên, môi trường và phòng chống thiên tai đều được Tỉnh ủy, UBND, HĐND quan tâm, chỉ đạo sát sao, đúng hướng và đạt nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được tỉnh thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định. Đã hỗ trợ 220.961 người dân và người lao động của 3.294 đơn vị, doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid-19 với số tiền 93 tỷ đồng; hỗ trợ giảm đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động của 2.628 đơn vị (166.997 lao động) với số tiền 87,2 tỷ đồng; hỗ trợ tiền mặt cho 186.462 người lao động với số tiền 442 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà 1.283 người lao động (79 doanh nghiệp) với số tiền 1,8 tỷ đồng... Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện cho vay học sinh, sinh viên mua thiết bị học trực tuyến và trang trải chi phí học tập 9,2 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm 100 tỷ đồng; cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội 34,06 tỷ đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 0,74 tỷ đồng...
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Thái Bình đã vượt kế hoạch đề ra nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, một số ngành chưa đạt kế hoạch; dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; thu hút khách du lịch đến tỉnh còn hạn chế. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương, tiến độ thực hiện một số dự án giao thông, thu tiền sử dụng đất, đấu thầu dự án nhà ở còn chậm so với tiến độ đề ra; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản ở cấp xã còn cao...
Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Để bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025, năm 2023 tỉnh đặt ra chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 11% trở lên so với năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn đạt 14.152 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 65,2 triệu đồng...
Theo dự báo, tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh năm 2023 tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức khó lường. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan, địa phương, đơn vị phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, quyết tâm bứt phá vươn lên. Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong tháng 12/2022, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu: Cần tập trung tháo gỡ ngay những vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn, đặc biệt là trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết kịp thời, hiệu quả các thủ tục, hồ sơ cho các dự án đầu tư; sớm hoàn thành đầy đủ các quy hoạch, kế hoạch, quy định, chính sách từ đó tạo nền tảng cho phát triển. Tập trung cao cho những nhiệm vụ trọng tâm, trọng yếu của nhiệm kỳ như: xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng; thu hút đầu tư; phát triển các khu đô thị, dịch vụ ở thành phố Thái Bình và các huyện: Tiền Hải, Hưng Hà, Quỳnh Phụ… Tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung cao cho công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, những cách làm sáng tạo, đi vào thực chất, bám sát cơ sở, huy động sức mạnh cơ sở, từ đó tạo ra sức mạnh chung, tổng thể để vươn lên mạnh mẽ.