Thứ sáu, 26/04/2024 00:23 (GMT+7)

Thái Bình: Trang trại nuôi lợn “tra tấn” môi trường

Ngọc Tuấn - Phạm Khánh -  Thứ bảy, 14/11/2020 10:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm qua người dân xã Dương Hồng Thủy, huyện Thái Thụy (Thái Bình) luôn phải sống trong một môi trường “không đáng sống” bởi ô nhiễm nặng nề từ một trang trại nuôi lợn gây ra.

Qua tìm hiểu, Công ty Cổ phẩn phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Indo VinaViệt Nam (sau đây viết tắt là Công ty) được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi (sau đây viết tắt là Trang trại) với quy mô nuôi 450 heo nái đẻ/năm, 10 con heo đực giống/năm, mỗi năm trung bình sản xuất được 8.320 con heo giống nuôi thịt/năm, nuôi cá, trồng rau xanh, một phần làm thức ăn cho cá, một phần để kinh doanh, trồng cây dược liệu. Công ty bắt đầu đi vào hoạt động chăn nuôi từ tháng 10/2017 với công suất thực tế 8.430 con lợn/năm. Tổng diện tích đất Công ty đang sử dụng là 44.724,4m2.

Toàn cảnh trang trại của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp Indo VinaViệt Nam

Mặc dù mới đi vào hoạt động được 3 năm, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường mà Trang trại gây ra luôn là vấn đề nhức nhối, khiến người dân địa phương bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn B người dân sống gần Trang trại cho biết: "Kể từ khi Trang trại đi vào hoạt động người dân chúng tôi liên tục bị “tra tấn” bằng mùi hôi thối phát tán từ trại lợn rất kinh khủng, nhà tôi cách cả gần cây số mà vẫn thường xuyên ngửi thấy mùi nồng nặc, còn những hộ gia đình ở cạnh thì gần như phải “ăn chung ngủ chung” với mùi phân của hàng chục nghìn con lợn”.

Cũng theo ông Phạm Văn B: “Vào những ngày nắng nóng, thời tiết oi bức, mùi hôi thối lại càng kinh khủng hơn, những người khoẻ mạnh còn không chịu nổi huống hồ trẻ nhỏ và người già như chúng tôi. Hiện tượng người dân ở đây luôn cảm thấy nhức đầu và buồn nôn diễn ra thường xuyên".

Chị Nguyễn Thị H, người sống cạnh Trang trại phản ánh việc trại lợn xả thải trực tiếp ra môi trường với PV

Còn chị Nguyễn Thị H, sống ngay phía sau Trang trại chỉ tay về phía con sông nhỏ than thở: "Con sông kia là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu của người dân địa phương, nhưng hiện nay đã bị ô nhiễm nặng bởi mỗi ngày phải “oằn mình” hứng chịu khối lượng lớn chất thải của Trang trại tuồn thẳng ra sông. Có lần phân lợn nổi kín mặt sông khiến nhiều người nhìn cảnh đấy về không dám ăn cơm”.

Để làm rõ nội dung phản ánh trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc với UBND xã Dương Hồng Thủy. Tại buổi làm việc, ông Hùng -  Phó Chủ tịch xã nêu khó khăn trong việc quản lý: “Do Trang trại này giáp ranh với xã Thụy Tân,  phía xã Dương Hồng Thủy chúng tôi chỉ quản lý một phần về địa giới hành chính nên rất khó kiểm tra, xử lý. Hơn nữa Trang trại này thực hiện việc khử khuẩn rất nghiêm ngặt nên rất khó vào trong kiểm tra”.

Cũng theo ông Hùng: “Dự án này là do UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt nên chính quyền xã không nắm được thông tin cụ thể về các giấy tờ pháp lý”.

Tiếp đó, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng TN&MT huyện Thái Thuỵ về sự việc trên. Ông Nguyễn Mạnh Hùng xác nhận: “Năm 2018, trong những lần tiếp xúc cử tri, bà con cũng đã có phản ánh về tình trạng ô nhiễm từ trang trại này. Sau đó cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình tiến hành kiểm tra, đã phát hiện nhiều sai phạm, và có quyết định xử phạt hành chính đồng thời yêu cầu đơn vị khắc phục những vi phạm. Kể từ đó đến nay chưa có đoàn kiểm tra mới nào về kiểm tra Trang trại này”

Ở một diễn biến liên quan, theo tài liệu mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử thu thập được cho thấy: Ngày 27/09/2018, Sở TN&MT Thái Bình ban hành Kết luận kiểm tra số 49/KL-STNMT về việc chấp hành pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường đối với Trang trại trên. Kết quả kiểm tra đã chỉ ra nhiều tồn tại vi phạm liên quan đến môi trường của Trang trại, cụ thể:

Mặc dù đi vào hoạt động từ tháng 10/2017 nhưng Công ty chưa báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của Trang trại gửi UBND tỉnh để kiểm tra, xác nhận hoàn thành trước khi đưa vào vận hành chính thức, vi phạm khoản 2 Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Công ty chưa lập phương án bảo vệ môi trường theo quy định tại điều 21 Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

Thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ; không gửi kết quả giám sát chất thải định kỳ cho cơ quan đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Xả nước thải có chứa các thông số thông thường vào môi trường với lưu lượng 24,78m3/ngày vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 1,07 lần, vi phạm điểm a khoản 1 Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Không gửi báo cáo công tác quản lý CTNH đến Sở TN&MT, vi phạm khoản 6 Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT.

Ngoài ra, Công ty còn xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng trên 05m3/ngày đêm nhưng chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, vi phạm khoản 3 Điều 37 Luật Tài nguyên nước năm 2012, Điều 16 Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Từ những sai phạm đã được chỉ ra ở trên, ngày 18/09/2018, Chánh thanh tra Sở TN&MT đã ký Quyết định số 41/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với Công ty.

Sai phạm đã được chỉ rõ nhưng thực tế có khắc phục được những tồn tại, vi phạm này hay không lại phụ thuộc và ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư Trang trại. Ngoài ra, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn như Thanh tra, Phòng Tài nguyên nước - khoáng sản, Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN&MT và các đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra, giám sát Công ty khắc phục sai phạm sau thanh tra được thực hiện đến đâu, có làm hết trách nhiệm hay không mà tại sao tình trạng gây ô nhiễm từ Trang trại trên vẫn diễn ra như chưa hề có bản kết luận tranh tra nào?

Còn đối với người dân địa phương, họ đã và đang phải sống trong một môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề kể từ khi Trang trại trên đi vào hoạt động. Và, thời gian tới họ có được sống lại với môi trường trong lành vốn nó đã tồn tại trước đó hay không, lại phụ thuộc vào quyền và trách nhiệm của các ngành chức năng tỉnh Thái Bình.

Ở một diễn biến khác, theo nội dung phản ánh thì Trang trại này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn “dính” nhiều vi phạm liên quan đến hoạt động quản lý đất đai, xây dựng của chủ đầu từ Trang trại này. Sự việc sẽ được Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử thông tin trong bài báo sau.

Bạn đang đọc bài viết Thái Bình: Trang trại nuôi lợn “tra tấn” môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.