Thứ ba, 19/03/2024 17:26 (GMT+7)

Thái Nguyên đóng góp ý kiến Dự thảo Nghị định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020

MTĐT -  Thứ tư, 20/10/2021 09:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Hiện tại, Bộ TN&MT đã giúp Chính phủ soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2020.

Để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết, Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam xin giới thiệu toàn văn góp ý của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên:

I. Về dự thảo Nghị định:

1. Đối với chương II

* Tại Điểm a Khoản 2, Điều 4: có quy định "Thực trạng phân bố các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện phát sinh chất ô nhiễm môi trường nước trong vùng tác động; nguy cơ ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới:
+ Việc phân loại các nguồn ô nhiễm điểm là khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất… có loại hình, quy mô thuộc đối tượng lập báo cáo ĐTM, khu đô thị, dân cư có hệ thống xử lý nước thải tập trung
+ Nguồn diện là các vùng canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làng nghề chưa có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có loại hình, quy mô không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…(điểm b)".

Tuy nhiên, việc phân chia này chưa hợp lý, cần phân chia thành:
+ Nguồn điểm là các khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư, đô thị… có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
+ Nguồn diện là các nguồn còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 
* Tại điểm e khoản 5 và khoản 6 Điều 4: Xem và chỉnh sửa lại các nội dung bị trùng lặp.

* Tại Mục 2. Bảo vệ môi trường đất:

Ngoài việc xem xét nguồn gây ô nhiễm đất là kim loại nặng và hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, cần quan tâm đến việc đánh giá các yếu tố ô nhiễm khác cũng gây ô nhiễm, thoái hóa đất. Vì vậy, trong Quy chuẩn Việt Nam về chất lượng đất cần bổ sung thêm các thông số khác cũng gây ô nhiễm đất dẫn đến thoái hóa suy giảm chất lượng đất (hiện nay mới quy định giới hạn cho phép của hóa chất bảo vệ thực vật và một số kim loại trong môi trường đất).

* Tại Điều 10, Điều 11 của Luật BVMT 2020 có quy định Bảo vệ môi trường nước dưới đất và Bảo vệ môi trường nước biển. Do đó, trong chương này, đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét bổ sung quy định về Bảo vệ môi trường nước dưới đất và Bảo vệ môi trường nước biển.  

tm-img-alt
Cần xem xét bổ sung quy định về Bảo vệ môi trường nước dưới đất và Bảo vệ môi trường nước biển. Ảnh minh hoạ

2. Đối với chương III - Về Đánh giá tác động môi trường

* Tại điểm a, Khoản 4 Điều 25: quy định trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chủ dự án bắt buộc phải đăng tải thông tin về dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường trên trang thông tin điện tử của cơ quan thường trực thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định trong thời gian ít nhất 30 ngày. Về vấn đề này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo tính khả thi, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án nằm trong các khu, cụm công nghiệp đã sẵn có hạ tầng và nhà xưởng.

* Tại điểm a, Khoản 1 Điều 25: có quy định đối tượng tham vấn, gồm: cộng đồng dân cư khu vực bị chiếm dụng, trong phạm vi tác động trực tiếp, trong khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn. Trên thực tế có những dự án đối tượng cần tham vấn có số lượng khá lớn, vì vậy đề nghị bổ sung rõ quy định mức tối thiểu số lượng thành phần tham dự trong tổng số đối tượng thống kê thuộc các nhóm trên để đảm bảo tính đại diện, tránh tình trạng một số dự án chỉ mời một vài đối tượng mang tính chất đối phó.

* Tại điểm b, Khoản 4 Điều 25: quy định sau thời điểm bắt đầu đăng tải trên trang thông tin điện tử, chủ dự án chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã nơi thực hiện dự án niêm yết báo cáo đánh giá tác động môi trường tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo thời gian, địa điểm tổ chức họp tham vấn lấy ý kiến các đối tượng trước thời điểm họp tham vấn lấy ý kiến tối thiểu 05 ngày làm việc nhưng chưa làm rõ cơ chế kiểm soát việc niêm yết của chủ dự án (làm thế nào để xác định chủ dự án đã thực hiện việc niêm yết hay chưa?). Do đó, cần phải bổ sung quy định chứng nhận của UBND nơi niêm yết).

* Tại Khoản 1 Điều 26: quy định trong thời hạn tối đa 24 tháng, kể từ ngày có thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và gửi cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Về vấn đề này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét đối chiếu với các quy định về thời hạn thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư sau khi được cấp chứng nhận đầu tư để đưa ra thời hạn yêu cầu chủ dự án hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp sau khi có thông báo kết quả thẩm định.

* Tại khoản 2, Điều 26: đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các trường hợp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường khi có sự thay đổi so với BC ĐTM đã được phê duyệt, đó là các trường hợp: Thay đổi địa điểm thực hiện dự án ; thay đổi công nghệ xử lý chất thải so với báo cáo ĐTM được phê duyệt.
3. Đối với chương IV - Về Giấy phép môi trường

* Tại Điểm b, Khoản 7, Điều 38: quy định cơ quan chuyên môn về môi trường cấp tỉnh, huyện có trách nhiệm giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án. Tuy nhiên, chưa có nội dung hướng dẫn cụ thể việc giám sát, quy trình giám sát, cách thức giám sát, nội dung giám sát, có thực hiện lấy mẫu đối chứng không, nếu có, nguồn kinh phí được bố trí như thế nào? 

* Tại Khoản 2, Điều 29: đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thời gian tối thiểu cho việc công khai nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép môi trường; quy định hình thức và việc giải quyết phản ánh của tổ chức cá nhân đối với báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của doanh nghiệp.

4. Đối với chương VIII. Quan trắc môi trường

* Tại khoản 3, Điều 102 (quy định đối tượng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường) cần sửa lại Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thay bằng Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ. Do Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định số 120/2020/NĐ-CP. 

* Tại Khoản 3 Điều 118, “Các dự án, cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này đã đi vào vận hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải hoàn thành việc truyền trực tiếp số liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 12 năm 2023”. 

Về vấn đề này, đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét lại thời hạn cho phép các cơ sở phải hoàn thành việc lắp đặt và truyền dữ liệu quan trắc tự động về cơ quan chức năng trước 31/12/2023. Việc quy định thời hạn này được coi như là lần gia hạn thứ 4, như vậy sẽ không đảm bảo sự công bằng với các đơn vị đã lắp ngay theo quy định tại NĐ 38 và nghị định 40. 

* Tại Khoản 1, Điều 103 (Điều kiện về năng lực quan trắc môi trường của tổ chức):  

- Cần xem lại sự mâu thuẫn giữa điểm b và điểm d, cụ thể là: Theo Điểm b: đơn vị có năng lực thực hiện quan trắc môi trường đối với tối thiểu một trong các nền mẫu môi trường bao gồm: nước mặt lục địa; nước thải; nước dưới đất; nước biển; không khí xung quanh; khí thải; đất; trầm tích; bùn; chất thải rắn….. Đối với mỗi nền mẫu môi trường (trừ mẫu khí thải) mà tổ chức đề nghị chứng nhận, tổ chức phải có năng lực thực hiện cả hoạt động quan trắc hiện trường và hoạt động phân tích môi trường. Tuy nhiên, theo điểm d lại quy định là: Đối với năng lực phân tích mẫu không khí (không khí xung quanh hoặc khí thải công nghiệp) mà tổ chức đề nghị chứng nhận: tổ chức phải có đủ năng lực phân tích môi trường đối với các thông số cơ bản theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường bao gồm: SOx, NOx, CO, bụi tổng (TSP). 

- Tại điểm d về năng lực phân tích mẫu không khí (không khí xung quanh hoặc khí thải công nghiệp, cần xem xét sửa đổi SOx thành SO2 vì trong các quy chuẩn hiện hành hiện nay không có quy định quan trắc khí SOx. Cần tách riêng năng lực phân tích mẫu không khí xung quanh và khí thải công nghiệp ra, vì trong không khí xung quanh không quy định thông số NOx mà chỉ quy định NO2, còn khí thải công nghiệp có quy định khí NOx.

- Cần xem lại quy định của điểm c đối với năng lực phân tích mẫu nước (nước mặt lục địa hoặc nước thải hoặc nước dưới đất hoặc nước biển) mà tổ chức đề nghị chứng nhận phải có đủ năng lực phân tích đối với thông số cơ bản theo quy định trong Quy chuẩn quốc gia bao gồm BOD5, COD, TSS, Tổng P, tổng N. Đối với vấn đề này, đề nghị Ban soạn thảo nên tách riêng năng lực phân tích đối với từng môi trường nền nước vì quy định này chưa thật sự phù hợp do môi trường nước dưới đất, nước biển quy chuẩn không quy định giới hạn cho phép của các thông số BOD5, COD, TSS, Tổng P, tổng N như trên.

- Hơn nữa, trong nội dung quy định của Điều này cũng cần xem xét bổ sung thêm quy định năng lực kiểm soát các kim loại trong môi trường đất, trầm tích…

* Tại Khoản 3, Điều 103 (quy định Điều kiện đối với hoạt động quan trắc hiện trường): 

+ Cần bổ sung khái niệm các thông số ô nhiễm dạng hạt trong khí thải  vào Điều 3. Giải thích từ ngữ.

+ Tại điểm a, đề nghị Ban soạn thải xem xét căn cứ để đưa ra quy định các tổ chức đăng ký hoạt động lấy mẫu hiện trường đối với các thông số ô nhiễm dạng hạt trong khí thải thì phải có tối thiểu 04 cán bộ chuyên trách thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường. 

* Tại Khoản 4, Điều 103 (Điều kiện hoạt động phân tích môi trường):

- Tại điểm a, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định yêu cầu đối với cán bộ chuyên trách thực hiện hoạt động phân tích môi trường phải có đủ năng lực thực hiện quan trắc hiện trường đối với các thông số đăng ký. Liệu đây có phải là lỗi chế bản do bị nhầm. Nếu không phải bị nhầm thì nội dung này nên được quy định lại là: "cán bộ phòng phân tích chuyên trách thực hiện phân tích môi trường phải có đủ năng lực thực hiện phân tích các thông số đã đăng ký và nắm được quy trình thực hiện quan trắc hiện trường đối với các thông số phân tích đã đăng ký".

Bên cạnh đó, trong chương này, đề nghị Ban soạn thảo cũng cần xem xét lại quy định về định mức sử dụng diện tích nhà xưởng, thiết bị và biên chế cho trạm quan trắc môi trường. Vì theo quy định tại Nghị định này thì số biên chế cán bộ được quy định thấp hơn số biên chế theo quy định hiện hành tại Thông tư 18/2010/TT-BTNMT Quy định về định mức sử dụng diện tích nhà xưởng, thiết bị và biên chế cho trạm quan trắc môi trường, cụ thể là: theo Thông tư 18/2010/TT-BTNMT, số biên chế quan trắc hiện trường đối với nước mặt là 08 người, mẫu không khí 04 người, mẫu chất thải rắn 04 người; số biên chế phân tích trong phòng thí nghiệm đối với quan trắc mẫu nước là 07 người, mẫu không khí 05 người, mẫu chất thải rắn 05 người…

* Tại Điểm a, Khoản 2 Điều 119 (quy định Quan trắc khí thải công nghiệp):  quy định lưu lượng và thông số ô nhiễm đặc trưng được quy định tại Cột 5 Phụ lục 73 ban hành kèm theo Nghị định này. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại các quy định về thông số quan trắc môi trường không khí đối với ngành nghề Sản xuất clinke tại STT số 10 của Phụ lục 73 như sau: nếu chỉ quy định thực hiện quan trắc tự động đối với lò nung là không đủ để kiểm soát các nguồn phát thải trong quá trình sản xuất xi măng, do đó, đề nghị bổ sung quan trắc tại thiết bị Nghiền than (nếu có), Nghiền xi, Làm nguội  bổ sung quan trắc tại thiết bị Nghiền than (nếu có), Nghiền xi, Làm nguội. Hơn nữa, với mỗi loại nhiên liệu sử dụng cho lò nung khác nhau thì thông số phát thải cũng sẽ khác nhau, do đó, đề nghị quy định rõ các thông số quan trắc cụ thể đối với tưng loại nhiên liệu sử dụng trong hoạt động của lò nung.

* Tại Điểm b Khoản 2 Điều 119 có quy định: "thông số ô nhiễm khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường. Việc lựa chọn thông số khác được thực hiện theo các tiêu chí sau: thông số đặc trưng của loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chất lượng môi trường không khí xung quanh của khu vực, nguồn tiếp nhận; quy mô, lưu lượng bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường". 

Tuy nhiên, về vấn đề này, đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ các thông số cơ bản như: Nhiệt độ, Áp suất đối với tất cả các nguồn thải thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động, liên tục để đảm bảo sự công bằng đối với các đơn vị đã thực hiện lắp đặt. Kèm theo đó, việc kiểm soát thông số Nhiệt độ, Áp suất cũng là  một phần căn cứ trong quá trình theo dõi, phát hiện những bất thường của nguồn thải.

5. Chương XI - Công cụ kinh tế và nguồn lực cho công tác BVMT

* Tại Khoản 2, Điều 180 (Nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường): có quy định "2. Ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường thực hiện các nội dung chi theo quy định tại Điều 178 Nghị định này, trừ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này."

Đề nghị sửa thành:

"2. Ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường thực hiện các nội dung chi theo quy định tại Điều 178 và điểm i, khoản 9 Điều 179 Nghị định này, trừ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này." Vì lý do là:  Chi đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường cần được bố trí ở cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo phân cấp và cần phải có sự gắn kết, thống nhất giữa các điều của Nghị định này và với quy định có liên quan. Do đó, cần xem xét lại các quy định tại các điều sau:

+ Điều 178 dự thảo Nghị định này chỉ quy định Hoạt động bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của Trung ương; Điều 179 dự thảo Nghị định này quy định Hoạt động bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của địa phương.

+ Điểm a, khoản 1, Điều 187 Nghị định này quy định vốn điều lệ của Quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh do ngân sách địa phương cấp từ nguồn đầu tư công.
+ Khoản 2, Điều 151 Luật bảo vệ môi trường đã quy định thẩm quyền thành lập quỹ bảo vệ môi trường 

" a) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam;

" b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh"

+ Theo Luật Ngân sách số 83/QH13 quy định tại Khoản 11, Điều 8. Nguyên tắc quản lý ngân sách Nhà nước: “Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.”. 

+ Theo Luật đầu tư công số 39/2019/QH14 quy định tại khoản 6, Điều 5 Đối tượng đầu tư công. "6. Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ"

Đối với Chương Điều khoản chuyển tiếp

* Tại Khoản 3 và khoản 5 Điều 196 (điều khoản chuyển tiếp) bị trùng lặp, đề nghị chỉnh sửa lại.

II. Về Phụ lục

* Tại mục 16, Phụ lục 6: đề nghị tách riêng quy mô giết mổ gia súc và quy mô giết mổ gia cầm để xác định quy mô cho phù hợp với loại hình chăn nuôi. Hơn nữa nên xem xét đưa ra quy định về quy mô chăn nuôi theo cách tính đơn vị chăn nuôi của Luật Chăn nuôi.

* Tại mục 17, Phụ lục 6: đề nghị tách riêng quy mô của sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử để thành mục riêng để đưa ra quy đinh về quy mô cho phù hợp với loại hình.

III. Một số ý kiến khác

* Tại Điều 123. Công khai thông tin môi trường
- Tại Điểm 5, Khoản 6: Đề nghị BST xem xét lại thời gian quy định đối với việc công khai thông tin kết quả quan trắc báo cáo định kỳ không quá 05 ngày sau khi báo cáo được ban hành và được cơ quan chuyên môn nghiệm thu.

* Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ một số khái niệm, một số cụm từ được sử dụng trong Nghị định như:  

- Cần xem xét lại tiêu chí quy định Cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài trong khu dân cư, làng nghề là cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư, làng nghề có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải hoặc chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường lặp lại nhiều lần, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không khắc phục được.

Tuy nhiên như thế nào là nhiều lần thì không được định nghĩa rõ, nên điều chỉnh lại là cơ sở có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải hoặc chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường từ 2 lần trở lên. 

- Làm rõ việc xác định yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại khoản 6, Điều 24, cụ thể là:

+ Tiêu chí xác định thế nào là khu dân cư nông thôn tập trung, nội thành, nội thị.
+ Làm rõ xả trực tiếp hay gián tiếp vào nguồn nước mặt dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khoảng cách từ vị trí xả thải đến vị trí sử dụng nguồn nước cấp cho sinh hoạt bao nhiêu m ?
- Giải thích thêm từ ngữ về hành vi xả thải ra ngoài môi trường.
- Theo Điểm c Khoản 6 Điều 52 Luật BVMT, ”UBND cấp tỉnh ban hành lộ trình di dời cư dân sinh sống (nếu có) ra khỏi cụm công nghiệp”. Đề nghị bổ sung quy định thời hạn phải hoàn thành hoặc lộ trình hoàn thành việc di dời vào Nghị định.

- Khoản 3 Điều 62 nêu Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, ”Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh chủ trì rà soát .... yêu cầu về khoảng cách an toàn theo quy định về quy hoạch xây dựng và quy định chuyên ngành. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản gửi đến chủ cơ sở không đáp ứng yêu cầu khoảng cách an toàn về môi trường theo kết quả rà soát trước ngày 31 tháng 12 năm 2022; Thông báo bằng văn bản gửi đến chủ cơ sở không đáp ứng yêu cầu khoảng cách an toàn về môi trường trước ngày 31 tháng 12 năm 2023 trong đó nêu rõ lộ trình thực hiện.

Đề nghị bổ sung quy định về cơ chế, nguồn kinh phí, cách thức xác định lộ trình đối với một số loại hình cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao đã tồn tại từ lâu trong trường hợp các cơ sở không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường (như luyện thép, giấy, xi măng, nhiệt điện, xử lý chất thải công nghiệp… thuộc danh mục tại Phụ lục 6 kèm theo Nghị định).

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên đóng góp ý kiến Dự thảo Nghị định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.
Đề xuất ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực báo chí
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang dự thảo Thông tư quy định quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT

Tin mới

Quảng Ninh tăng cường kiểm soát khống chế bệnh dại
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để kiểm soát khống chế bệnh dại trên địa bàn, đặc biệt việc thành lập tổ xử lý chó thả rông, chó chưa tiêm phòng vắc xin, xử lý chủ nuôi nếu cố tình không chấp hành các qu
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...