Thứ sáu, 29/03/2024 21:26 (GMT+7)

Thầm lặng giữ rừng

MTĐT -  Thứ hai, 12/09/2016 07:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Không ngại gian khó, hiểm nguy, nhiều kiểm lâm viên đã âm thầm đem lại sự bình yên cho các cánh rừng nguyên sinh.

Vườn Quốc gia Bạch Mã nằm giữa ranh giới của huyện Đông Giang với các huyện Phú Lộc, Nam Đông (Thừa Thiên Huế). Nơi đây được đánh giá có hệ sinh thái đa dạng bậc nhất miền Trung. Nhận nhiệm vụ nơi rừng thiêng nước độc này, ngành kiểm lâm gần như chỉ bố trí cán bộ, nhân viên trẻ, có sức khỏe đi rừng. Trạm Kiểm lâm núi Mang (thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã) đứng chân tại xã Sông Kôn (Đông Giang) quản lý, bảo vệ rừng 4 xã vùng cao của huyện Đông Giang là Tà Lu, Sông Kôn, Ating và xã Tư. Đơn vị thành lập hơn 8 năm, quản lý 3.017ha, nhưng diện tích rừng đều nằm trên đỉnh núi cao hẻo lánh, địa hình phức tạp luôn thử thách sức chịu đựng của lực lượng giữ rừng. Là người có thâm niên bảo vệ Vườn Quốc gia Bạch Mã, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm núi Mang Lê Văn Trèn chia sẻ, cơ sở vật chất của trạm thiếu thốn trăm bề nhưng đơn vị động viên cán bộ, nhân viên vượt khó để hoàn thành công việc. Kiểm lâm tuần tra, ăn ngủ trong rừng như chuyện thường ngày. Vất vả nhưng đồng nghiệp thương yêu nhau như người thân. Ai đã lên đây rồi thì khó có cơ hội về xuôi. Trạm kiểm lâm chỉ là nơi chỉ huy lực lượng, chứ hàng ngày anh em phải chia địa bàn ra tuần tra, truy quét. Có nhiều tiểu khu, muốn tiếp cận hiện trường, kiểm lâm viên phải cuốc bộ nửa ngày.

Do nằm đơn độc giữa rừng, lực lượng giữ rừng lại mỏng nên cán bộ kiểm lâm của trạm thường gặp phải sự chống đối của lâm tặc khi phát hiện, xử lý các vụ xâm hại rừng. “Năm 2010, anh Võ Trọng Hảo bị lâm tặc tấn công khi đi làm nhiệm vụ. Hay năm 2014, tổ bảo vệ rừng ở thôn Pazíh, xã Ating bị một số đối tượng lâm tặc tấn công khi tuần tra, hai người trong tổ bảo vệ rừng là ông Pơloong Nai, Clâu Crơi bị khống chế đánh đập dã man” - kiểm lâm Trèn nhớ lại.  Những cơn sốt rét ở vùng cao bây giờ ít xuất hiện, song vẫn còn đó những dãy địa hình cách trở. Chỉ một chút bất cẩn khi tuần tra, truy quét kiểm lâm có thể đối mặt với tai nạn nghề nghiệp bất cứ lúc nào, nhất là vào những ngày thời tiết mưa gió. Tuần tra rừng nguy hiểm nhất là gặp các trận mưa đột ngột, ngầm suối sẽ dâng cao, đe dọa an toàn khi qua lại. Nhưng, điều làm cán bộ kiểm lâm sợ nhất là… sự cô đơn. Các anh bộc bạch, tuần tra dài ngày trong rừng sâu thiệt thòi nhất là không sóng điện thoại, mù tịt thông tin và thiếu hơi ấm gia đình.

Quảng Nam là một trong số ít địa phương còn nhiều cánh rừng nguyên sinh đẹp, bảo tồn được nhiều loại gỗ quý hiếm. Thời gian qua, lâm tặc khắp nơi đổ về tàn phá rừng với hình thức tinh vi, trắng trợn, thậm chí sẵn sàng “phản đòn” với lực lượng kiểm lâm. Không ít kiểm lâm đã tử nạn hoặc bị đánh trọng thương khi đang làm nhiệm vụ. Vì màu xanh rừng mà nước mắt, máu và cả sinh mạng của những người kiểm lâm đã đổ xuống. Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa hết xót đau bởi sự ra đi đột ngột của kiểm lâm viên Trần Văn Quý (24 tuổi, quê xã Tam Phú, Tam Kỳ). Trong lúc tuần tra rừng, Quý phát hiện nhiều bè gỗ nằm dưới dòng sông Bung hung dữ. Khi trục vớt gỗ, bất ngờ Quý bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi, trước sự bất lực của đồng nghiệp. Và nhiều trường hợp kiểm lâm trong tình trạng “thập tử nhất sinh” khi bị lâm tặc tấn công. Nhiều kiểm lâm chịu thiệt thòi xa gia đình, phố phường để bảo vệ thiên nhiên. Mấy năm nay, người dân các xã Tà Lu, Sông Kôn, Ating và xã Tư đã có nhiều chuyển biến tích cực trong xóa đói giảm nghèo nhờ chính sách chia sẻ lợi ích cộng đồng do rừng ở đây mang lại. Ngoài bảo vệ, quản lý, người dân được khai thác một số lâm sản ngoài gỗ từ rừng đặc dụng như mây, măng, mật ong, nấm linh chi, heo rừng, hạt ươi và hưởng lợi từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để phát triển sinh kế bền vững.

Theo báo Quảng Nam

Bạn đang đọc bài viết Thầm lặng giữ rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới