Thứ sáu, 19/04/2024 08:20 (GMT+7)

Thắm nghĩa tình quân dân từ các vụ cháy rừng nơi 'chảo lửa' xứ Nghệ

MTĐT -  Thứ ba, 25/06/2019 14:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong hỏa hoạn, tình quân dân càng thắm đượm bởi họ không quản ngại thời tiết nắng nóng kèm sức nóng từ các vụ cháy rừng.

Nhiều ngày qua, thông tin các vụ cháy rừng liên tiếp ở "chảo lửa" xứ Nghệ khiến nhiều người lo lắng. Trong hỏa hoạn, tình quân dân càng thắm đượm bởi họ không quản ngại thời tiết nắng nóng kèm sức nóng từ các vụ cháy rừng.

Liên tiếp cháy rừng

Quân khu 4 với 6 tỉnh trải dài từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, địa bàn hẹp, nhiều đồi núi, khí hậu lại khắc nghiệt, vào mùa khô thường có gió Lào nên nhiệt độ ở đây có những lúc lên đến trên 40 độ trở thành một trong những khu vực xảy ra cháy rừng nhiều nhất trong cả nước.

Trong thời gian qua, từ giữa tháng 6 đến nay, trên địa bàn Quân khu đã xảy ra rất nhiều vụ cháy lớn, từ huyện Nam Đàn, Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cho đến huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh rồi Thừa Thiên Huế... hậu quả hàng trăm ha rừng đã bị phá hủy, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, thậm chí đã có thiệt hại về người; có những nơi, chỗ này chưa dập hết chỗ khác đã lại xảy ra cháy, tính riêng trong ngày 28/6, tại Hà Tĩnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng tại 3 huyện Nghi Xuân, Hương Sơn và Can Lộc.

Liên tiếp xảy ra cháy rừng trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh.

Để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của thiên tai, LLVT Quân khu 4 đã huy động hàng ngàn bộ đội và hàng trăm phương tiện để cùng với chính quyền nhân dân các địa phương dập tắt các đám cháy, trong đó cán bộ chiến sĩ Sư đoàn bộ binh 324 đã có những đóng góp không nhỏ.

Nhiệt độ luôn dao động ở mức từ 37 – 42 độ, Nghệ An được ví là “chảo lửa” của cả miền Trung, suốt một tháng qua người dân phải quay quắt trong cái nắng khủng khiếp.

Đóng quân trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, Sư đoàn bộ binh 324 là Sư đoàn chủ lực của Quân khu, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và nhiều nhiệm vụ đột xuất khác, Sư đoàn đã làm tốt công tác chuẩn bị và tham gia chữa cháy có hiệu quả.

Ngay khi các vụ cháy rừng xảy ra, sư đoàn đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ cùng nhiều phương tiện tham gia cùng với chính quyền nhân dân địa phương ở các huyện, không kể ngày đêm, điều kiện khô hạn khắc nghiệt của thời tiết, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn đã góp phần khống chế thành công các đám cháy, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhân dân.

Là một trong những người tham gia chỉ huy chữa cháy tại khu vực rừng thông ở Hố Lở thuộc xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, Trung tá Lê Huy Nghĩa, Phó Tham mưu Trưởng Sư đoàn 324 cho biết: “Biết được đặc điểm của địa bàn đơn vị đóng quân rất hay xảy ra cháy rừng nên Thường vụ Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan đơn vị thường xuyên nắm chắc tình hình, làm tốt mọi công tác chuẩn bị về vật chất, phương tiện và đặc biệt là quán triệt, giáo dục xây dựng bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ chiến sĩ đối với nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...do đó, khi xảy ra thiên tai nói chung, cháy rừng nói riêng, cán bộ chiến sĩ toàn Sư đoàn đã kịp thời cơ động, nhanh chóng phối hợp với các đơn vị trong Quân khu tham gia hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Trung tá Lê Huy Nghĩa, Phó Tham mưu Trưởng Sư đoàn 324.

Trong hiểm nguy mới thấy tình quândân thắm thiết

Vụ cháy rừng xảy ra tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thanh vào khoảng 17 giờ ngày 22/6. Nhận được tin báo, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng và người dân cùng có mặt tại hiện trường chữa cháy. Nhưng việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều tuần nay. Nguồn nước ở xa; giao thông đi vào vùng rừng khó khăn...

Do địa hình cộng với thời tiết nắng nóng nhiều tuần qua nên lửa càng lúc càng bùng phát, nguy cơ cao lan đến nhiều diện tích rừng khác. Lực lượng quân đội đã được huy động tham gia chữa cháy. Riêng Sư đoàn 324 (Quân khu 4) đã cử 200 cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia chữa cháy rừng.

Đến khoảng 02h sáng 23/6, đám cháy đã được dập tắt nhưng sau đó lại tiếp tục bùng phát trở lại. Sau gần 10h nỗ lực chữa cháy, đến khoảng gần 7h sáng nay, ngọn lửa cơ bản đã được khống chế hoàn toàn.

Trước thời tiết nắng nóng hiện nay, nguy cơ cháy rừng rất cao, Sư đoàn 324 cũng đã có các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, nắm tình hình thời tiết, theo dõi sát sao các vụ cháy, sẵn sàng phối hợp, hiệp đồng với địa phương tổ chức lực lượng tham gia cháy rừng, khắc phục đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng phương tiện ứng phó với các tình huống cháy nổ đúng chương trình huấn luyện về công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn”.

Phải nói trong hiểm nguy, mới thấy được nghĩa tình quân - dân thật thắm thiết. Trong cái nóng ngột ngạt của lửa, khói, tàn bụi phủ kín khắp vùng, nhưng các chiến sỹ bộ đội, công an, nhân viên kiểm lâm, dân quân tự vệ…  tay dao, tay vỉ, nhễ nhại mồ hôi và lấm lem khói bụi, liều mình cắt rừng chữa cháy.

Đặc biệt, có những thời điểm gió Tây Nam thổi mạnh, những ngọn lửa khổng lồ đang cuồn cuộn tràn đến nhà dân. Các chiến sỹ cứu hỏa sẵn sàng cầm “vòi rồng” vây quanh nhà dân chịu đựng sức nóng khủng khiếp, quyết tâm dìm giặc lửa bảo vệ bằng được những ngôi nhà dân. Trong lúc hiểm nguy cận kề, các chiến sỹ bộ đội băng qua những cánh rừng, nhanh chóng di dời và mang, vác đồ đạc cho người dân ra vùng nguy hiểm, cõng người già, trẻ em sơ tán ngay đến nơi an toàn.

Những vụ cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến môi trường, dù cháy đã được dập tắt, tuy nhiên khói bụi vẫn dày đặc trên những ngọn núi. Mỗi lần có gió to, bụi bay tung trời, bà con sống gần bìa rừng vô cùng ngột ngạt. Thậm chí một số người đã phải đi ở nhờ nhà người thân để tránh ô nhiễm.

Để phòng chống cháy rừng hiệu quả, mỗi người cần có trách nhiệm bảo vệ rừng, bên cạnh đó phối hợp nhiều cách bảo vệ rừng như sau:

Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục cho người dân về pháp luật phòng chống và chữa cháy rừng. Tuyên truyền trên loa truyền thanh thường xuyên. Các huyện và cơ sở tổ chức họp dân, vận động ký cam kết khi dọn đốt nương rẫy không để cháy lan vào rừng.

Những chủ rừng thì cần phải có cam kết phòng chống cháy rừng khi tham gia trồng rừng mới và khoanh nuôi tái sinh. Quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy. Vận động, tuyên truyền cho người dân không đốt rừng làm nương rẫy bừa bãi. 

Khi xảy ra cháy rừng cần phải chủ động xử lý nhanh chóng, kịp thời. Làm rõ được nguyên nhân, xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm về luật phòng chống và chữa cháy rừng. Khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích trong phòng, chữa cháy rừng. Có chế độ khen thưởng cho cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong việc phòng chống và chữa cháy rừng. 

Các hạt kiểm lâm huyện cần phải tăng cường kiểm soát các biện pháp phòng chống chữa cháy rừng của từng đơn vị, địa phương.

Giám sát, kiểm tra chặt chẽ người ra vào rừng. Phát hiện sớm và xử lý nhanh chóng những vụ cháy khi vừa phát sinh. Phân công, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, gác trực vào mùa cao điểm, nắng nóng, hanh khô. Theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết thường xuyên sẽ giúp dự đoán được cấp cháy rừng nếu xảy ra. Từ đó, chỉ đạo, bố trí lực lượng, có các cách xử lý phù hợp, kịp thời.

Bạn đang đọc bài viết Thắm nghĩa tình quân dân từ các vụ cháy rừng nơi 'chảo lửa' xứ Nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Quang Thành

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.