Thứ sáu, 29/03/2024 12:11 (GMT+7)

Thâm nhập đường dây “cò” bảo kê xe quá tải ở Hải Dương (Kỳ 2)

NHÓM PHÓNG VIÊN -  Thứ năm, 25/01/2018 08:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để xe quá tải được hoạt động “suôn sẻ” trên địa bàn, nhiều “cò” và cả cán bộ thuộc lực lượng chức năng đã tham gia vào quá trình tổ chức “bảo kê” khi xe đi qua các trốt trạm và địa bàn.

Trong quá trình tìm hiểu việc mua bán “logo vua” của hàng loạt xe tải chạy trên địa bàn tỉnh Hải Dương, PV đã tiếp tục phát hiện ra nhiều hoạt động ngầm hết sức tinh vi của “cò” và cán bộ một số đơn vị nhằm liên kết với lực lượng chức năng để “thu phế”, “bảo kê” xe quá tải.
Theo thông tin từ một “cò”, mỗi địa bàn huyện, thị thường có 1 người đứng ra “gom” các đầu xe tải muốn hoạt động yên ổn. Nếu chỉ hoạt động trên địa bàn thuộc tỉnh Hải Dương thì sẽ được “cấp” logo TT, với xe chở đất đá, cát sỏi phải đóng 3 triệu đồng/ tháng; xe than là 5 triệu đồng/ tháng (áp dụng với lực lượng CSGT).
Nếu xe hoạt động liên tỉnh, đi qua địa bàn Hải Dương thì không cần “cấp” logo mà chỉ phải “đóng luật” đối với từng lực lượng cần “lo”, sau đó “báo số” và giờ chạy…thì có thể yên tâm hoạt động, không lo bất kỳ lực lượng nào.

Những chiếc xe quá khổ quá tải bon bon trên đường

 Trong vai một doanh nghiệp vận tải có nhu cầu hoạt động xe quá tải đi qua địa bàn, PV đã tiếp cận một “cò” tên Ng. (trú tại huyện Kinh Môn-PV), được cho là có mối quan hệ anh em, “người nhà” với một cán bộ đang công tác tại lực lượng TTGT thuộc Sở GTVT Hải Dương.
Trò chuyện với PV Ng. thẳng thắn cho biết, các xe quá tải, xe than muốn qua địa bàn tỉnh Hải Dương thì bắt buộc phải “làm luật”. Ở các tuyến đường huyết mạch thường có nhiều “chốt” của “chim lợn” soi. Nếu có các xe lạ (xe chưa báo biển số và lịch chạy trước-PV) sẽ biết ngay và báo cho chốt chặn hoặc lực lượng tuần tra, kiểm soát lùng bắt đưa về trạm cân và xử lý rất nặng.
“Gì chứ xe than thì các sếp (lực lượng tuần tra kiểm soát, trạm cân…-PV) thích lắm, không thoát được đâu”, “cò” này nhấn mạnh.

Một trong những "cò" bảo kê xe quá khổ quá tải trên đất Hải Dương 


Cũng theo “cò” này, để giải quyết vấn đề xe quá tải, xe container hoán cải chở than (lái xe thường gọi với tên “công cắt nóc”) được chạy trên đường thuận lợi, không bị xử lý là khá dễ dàng vì có quan hệ mật thiết với các cán bộ thuộc lực lượng TTGT, CSGT trên nhiều địa bàn.
“Cò” Ng. cũng không ngần ngại cho biết, giá “làm luật” chung các xe chở than (container than) với lực lượng TTGT địa bàn các huyện thì 300 nghìn đồng/chuyến hoặc 3 triệu đồng/ tháng; với trạm cân là 4 triệu đồng/ tháng. Còn với lực lượng CSGT thì chỉ tính theo chuyến với “giá” 500 nghìn đồng/ chuyến chứ không “thu” theo tháng. Thường thì các lái xe sẽ tự động xuống “đóng luật” vì đây là giá chung.

Khi PV thắc mắc về độ tin cậy của việc “làm luật” này, “cò” Ng. quả quyết: “Anh cứ yên tâm, em làm trong lĩnh vực này hơn 3 năm rồi, các đội (CSGT, TTGT - PV) em đều có mối quan hệ thân thiết như anh em với nhau. Còn với các “sếp” bên thanh tra (lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT-PV) thì anh không phải lo vì nhất cử nhất động em đều có người báo ngay khi các sếp ra khỏi cơ quan”.
Như để khẳng định thêm độ tin tưởng, “cò” Ng. mở phần tin nhắn trong điện thoại ra, kéo những danh sách dài các xe đã “báo biển” (gửi biển số xe tải đã “đóng luật” đi qua các tuyến đường cho các lực lượng chức năng, địa bàn để “bỏ qua”, không tiến hành kiểm tra nữa).
Tiếp tục “lân la” với một “cò” tên H. (tên nhân vật đã được thay đổi-PV) bày tỏ lo ngại việc các xe than giá trị lớn, hoạt động nhiều nên cần đảm bảo “an toàn” khi đi qua các chốt, trạm.
H. trấn an: “Các “cò” có mối liên hệ mật thiết với một người tên Tr., đang làm bảo vệ tại một trụ sở của lực lượng TTGT tại Km58 – QL5 (khu vực đặt Trạm kiểm tra kiểm soát tải trọng xe trên QL5 thuộc địa phận tỉnh Hải Dương).
Khi các “sếp” ra khỏi cơ quan, đi hướng nào đều có người theo sau, thông báo ngay cho “cò” và các đơn vị địa bàn để bố trí cho các xe đã “làm luật” tránh né hoặc tạm dừng.
H. cho biết, mỗi tháng đều phải chi cho bảo vệ này từ 10-15 triệu đồng để có được những thông tin “quý báu” như trên, nhằm đối phó với việc kiểm tra đột xuất của các “sếp”.
Cũng theo “cò” H., các “cò” và lực lượng chức năng đều có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, thông tin mật thiết với nhau. “Cò” thì đứng ra gom xe, thông tin cho lực lượng thanh, kiểm tra trên các địa bàn những xe đã “làm luật” và phát hiện những xe không chịu “đóng luật” để kịp thời “xử lý”. Bên cạnh đó, một số cán bộ thuộc lực lượng chức năng cũng đứng ra thu phí, “bảo kê” xe quá tải, xe chở hàng, than lậu…
Từ một số đầu mối “cò” bảo kê “xe vua”, xe quá tải, PV đã tiếp cận một cán bộ thuộc lực lượng TTGT của Sở GTVT Hải Dương có biệt danh “S. bạc”. Vị cán bộ này cho biết, mình không tham gia các hoạt động “giúp đỡ” các xe quá tải, xe than lậu…nhưng sẽ bảo “anh em” liên hệ, đồng thời khẳng định sẽ lo được các địa bàn hiện cán bộ này đang quản lý.
Đúng như những gì trao đổi với cán bộ “S. bạc”, một người tên Th. (có số điện thoại là 0902.452.7xx) đã gọi điện liên hệ với PV, xưng là “lính” của anh S. và cho biết, đồng ý với các nội dung “giúp đỡ” xe quá tải qua các địa bàn Chí Linh, Nam Sách và TP Hải Dương như “anh S.” đã trao đổi, với chi phí là 3 triệu đồng/ địa bàn/ xe. Th. cũng khẳng định, khi gặp bất kỳ vấn đề gì thì cứ gọi cho anh này để xử lý.
Thực tế cho thấy, đường dây “cò”, bảo kê xe quá tải trên nhiều địa bàn của tỉnh Hải Dương được hoạt động hết sức tinh vi, không chỉ có sự tham gia của nhiều “cò” tại các địa bàn mà cao hơn cả là sự móc nối của một số cán bộ thuộc lực lượng chức năng của tỉnh này…
Sự việc sẽ diễn biến tiếp như thế nào khi nhóm PV chúng tôi thâm nhập vào sâu trong đường dây này? Mời bạn đọc tiếp tục đón đọc ở loạt bài tiếp theo.
Kỳ 3: “Mắt xích” đứng sau “logo Vua”, bảo kê xe tải là ai?

Bạn đang đọc bài viết Thâm nhập đường dây “cò” bảo kê xe quá tải ở Hải Dương (Kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới