Thứ bảy, 20/04/2024 00:57 (GMT+7)

Tham vấn về dự thảo quy định EPR theo Luật Bảo vệ môi trường 2020

Bùi Phương -  Thứ bảy, 30/01/2021 10:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 29/1, Bộ TN&MT phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo tham vấn về dự thảo quy định chi tiết trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. EPR lần đầu tiên được giới thiệu vào nhữngnawm 1970 tại Châu Âu. ERP yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ.

EPR là một công cụ chính sách thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, được xem là một cách tiếp cận mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải và tăng cường tái chế, giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường.

Tại Việt Nam, cách đây 15 năm, EPR lần đầu tiên được quy định trong Luật BVMT năm 2005 và được kế thừa trong Luật BVMT năm 2014, tuy nhiên quy định này chưa thực sự hiệu quả, mới dừng ở một số ít các chương trình mang tính tự nguyện.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) chia sẻ tại Hội thảo

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) cho biết: Luật BVMT được Quốc hội thông qua cuối năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Luật BVMT năm 2020 có nhiều cải cách, thay đổi lớn trong tiếp cận chính sách môi trường, và một trong những thay đổi đó là quy định EPR. EPR lần này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay, từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế và là nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Chia sẻ nội dung quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020 liên quan đến EPR, ông Phan Tuấn Hùng cho biết Luật BVMT năm 2020 đã quy định nhà sản xuất có 2 trách nhiệm: Trách nhiệm tái chế chất thải (Điều 54) và trách nhiệm xử lý chất thải (Điều 55).

Theo nội dung dự thảo Nghị định quy định chi tiết trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập cảnh, với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất phải tái chế các sản phẩm hoặc bao bì đóng gói sản phẩm của mình đưa ra thị trường theo một tỷ lệ và quy cách bắt buộc. Cụ thể, có 6 sản phẩm nằm trong danh mục phải được tái chế là: Pin và ắc quy, thiết bị điện tử, dầu nhớt, xăm lốp, phương tiện giao thông và các loại bao bì. Để thực hiện trách nhiệm của mình, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong 4 hình thức: Tự mình thực hiện tái chế; thuê các đơn vị có chức năng tái chế; liên kết với nhau thành lập tổ chức đại diện thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để tổ chức hoạt động tái chế; đóng góp kinh phí cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để tổ chức tái chế.

Quang cảnh hội thảo.

Đối với trách nhiệm xử lý, nhà sản xuất phải đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải rắn trong trường hợp sản xuất, đưa ra thị trường các bao bì chứa sản phẩm độc hại hoặc không có khả năng tái chế hoặc khó thu gom, xử lý. Trong đó, các sản phẩm sẽ được áp dụng là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, sơn, keo; kẹo cao su; thuốc lá điếu; tã bỉm, khăn ướt dùng 1 lần và một số sản phẩm có sử dụng thành phần chất dẻo tổng hợp khó thu gom.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí với các nội dung trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, nhà nhập khẩu của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần xác định cụ thể tỷ lệ tái chế được xác định như thế nào, cách xử lý đối với những sản phẩm nhập khẩu không chính hãng và cần xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp với thực tế Việt Nam.

Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã tích cực, chủ động phối hợp với các bên liên quan trong quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định EPR trong Luật BVMT năm 2020 và hiện nay đề xuất các nội dung chi tiết về EPR trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT. Theo kế hoạch, Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 10 năm 2021 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2022.

Bạn đang đọc bài viết Tham vấn về dự thảo quy định EPR theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...