Thứ năm, 25/04/2024 07:09 (GMT+7)

Thận trọng nguồn vốn cho điện than trong Quy hoạch Điện VIII

MTĐT -  Thứ năm, 30/09/2021 09:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một số dự án điện than lớn tại Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng từ phong trào rút lui khỏi ngành điện than nước ngoài của Trung Quốc, bao gồm dự án nhà máy điện Nam Định 1, Sông Hậu 2, Vĩnh Tân 3...

Thông cáo hôm nay (29.9), của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA), một tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ, đã đánh giá: một số dự án điện than lớn tại Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng từ phong trào rút lui khỏi ngành điện than nước ngoài của Trung Quốc, bao gồm dự án nhà máy điện Nam Định 1, Sông Hậu 2, An Khánh Bắc Giang, Công Thanh, và Vĩnh Tân 3.

Trong thông cáo của mình, IEEFA cho rằng: Dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam (QHĐ VIII) cần thận trọng với kỳ vọng về nguồn vốn cho điện than. Các xu hướng tài chính toàn cầu đang định hình lại dòng vốn đầu tư vào ngành điện.

Gần 19GW/30GW điện than không chắc chắn nguồn vốn

Theo IEEFA, Dự thảo QHĐ VIII mới đây củaViệt Nam đã gây bất ngờ khi tăng mức công suất lắp đặt mục tiêu cho nhiệt điện than lên tổng cộng 40GW vào năm 2030, và triển khai bổ sung thêm 10GW cuối cùng trước năm 2035. Kế hoạch này có thể đứng trước nhiều rủi ro về nguồn vốn và triển khai xây dựng, đặc biệt là sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng tài trợ vốn cho các dự án điện than ở nước ngoài.

Phân tích của IEEFA xem xét cả nguồn tài trợ từ nước ngoài và khả năng tự cấp vốn của Việt Nam cho các dự án nhiệt điện than phát triển mới theo quy hoạch.

Đối với nguồn vốn từ bên ngoài, IEEFA cho rằng những thay đổi chính sách theo hướng siết lại dòng vốn "chảy" vào các dự án điện than từ các nguồn mà Việt Nam dựa vào trước đây sẽ khiến cho lượng công suất điện than dự kiến bổ sung trong thập kỷ tới theo QHĐ VIII “chắc chắn sẽ rất khó khả thi”.

“Động thái này là một bước ngoặt bất ngờ trong quá trình xây dựng QHĐ VIII suốt năm vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh các chuyên gia quốc tế đều đồng thuận rằng Việt Nam hiện ở vị thế sẵn sàng hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư có thể giúp giảm giá thành cho năng lượng tái tạo quy mô lớn,” báo cáo viết.

Thận trọng nguồn vốn cho điện than trong Quy hoạch Điện VIII
Mặt bằng để xây dựng nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 đã được san gạt bằng phẳng từ năm 2018. Ảnh: Báo Thanh Niên

Trong giai đoạn 2015-2021, có tới 10 trong số 12 dự án nhà máy nhiệt điện than đã hoàn thành ký kết thoả thuận vay vốn tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ ba nhà tài trợ hàng đầu là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của IEEFA, trong số 30GW công suất nhiệt điện than dự kiến xây mới tới năm 2035, có thể chỉ có chưa đến 12GW là có thể thực hiện được do thuộc các dự án hiện đã trong quá trình thi công xây dựng hoặc đã có quyết định cuối cùng về tài chính.

Gần 19GW công suất còn lại sẽ phải đối mặt với sự không chắc chắn về nguồn cung cấp vốn, do những thay đổi trong chính sách tài trợ điện than của các nhà đầu tư lớn và chính phủ các nước mới ban hành thời gian gần đây.

Sau các chính sách hạn chế điện than từ nhiều nhà tài trợ đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21.9.2021 đã chính thức tuyên bố chấm dứt tài trợ xây dựng nhiệt điện than mới ở nước ngoài. Do đó, theo IEEFA, việc trông chờ vào nguồn vốn từ các ngân hàng Trung Quốc và các nhà thầu thiết bị của nước này đối với các dự án sắp tới có thể là một sự đặt cược đầy rủi ro cho Việt Nam.

Bên cạnh tuyên bố của ông Tập Cận Bình mới đây, một loạt động thái từ phía chính phủ Trung Quốc thời gian gần đây đều cho thấy sự thay đổi chính sách theo chiều hướng bớt chú trọng các dự án gây hại cho môi trường. Thay vào đó là quan tâm hơn tới các khoản đầu tư xanh và hài hòa hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.

Chính quyền trung ương của Trung Quốc đang dồn sự tập trung vào các thị trường mới dành cho các nhà cung cấp thiết bị năng lượng tái tạo có giá thành rất cạnh tranh của nước này. Dữ liệu tổng hợp cho thấy các hoạt động đầu tư vào ngành than và nhiệt điện than nước ngoài của Trung Quốc đã liên tục giảm từ năm 2015, và đặc biệt không có một khoản đầu tư đáng kể nào được thực hiện trong nửa đầu năm 2021.

Vào tháng bảy vừa qua, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) - ngân hàng lớn nhất ở quốc gia này, đã tuyên bố rút khỏi dự án điện than trị giá 3 tỷ USD ở Zimbabwe, đánh dấu lần đầu tiên “một ngân hàng Trung Quốc chủ động rút lui khỏi một dự án điện than”.

Mất cơ hội đầu tư vào năng lượng sạch

Đánh giá của IEEFA, một số dự án điện than lớn tại Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng từ phong trào rút lui khỏi ngành điện than nước ngoài của Trung Quốc, bao gồm dự án nhà máy điện Nam Định 1, Sông Hậu 2, An Khánh Bắc Giang, Công Thanh, và Vĩnh Tân 3. Đây là các dự án vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng có chủ đầu tư hoặc cam kết về vốn vay từ các ngân hàng Trung Quốc.

Thận trọng nguồn vốn cho điện than trong Quy hoạch Điện VIII
Mô hình Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang. Ảnh: Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Báo cáo của IEEFA cũng lưu ý, mọi dự định về việc tự triển khai xây dựng các nhà máy điện than cũng cần được xem xét cẩn trọng.

Khác với các doanh nghiệp cùng ngành tại Indonesia hay Philippines, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không có điều kiện tiếp cận thị trường vốn quốc tế để vay vốn giá rẻ, do mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam còn thấp. Hơn nữa, các nhà đầu tư quốc tế có thể sẽ không mặn mà hỗ trợ EVN triển khai các dự án điện than khi các giải pháp năng lượng sạch với chi phí cạnh tranh đang sẵn có để khai thác ở Việt Nam.

Các ngân hàng trong nước của Việt Nam cũng đóng vai trò rất hạn chế trong việc xây dựng các nhà máy điện than ở trong nước. Nguyên nhân đến từ việc các ngân hàng thường bị hạn chế về nguồn vốn dài hạn, lãi suất cho vay cao, và hạn mức cho vay thấp.

Nguồn tín dụng toàn cầu dành riêng cho phát triển bền vững ngày một dồi dào và có tiềm năng đem lại dòng vốn cần thiết để Việt Nam mở rộng phát triển năng lượng tái tạo và hạ tầng lưới điện để mang lại nguồn điện ổn định với chi phí hợp lý.

Nhận định của IEEFA, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu thứ 26 (COP26) đang đến gần, bản dự thảo QHĐ VIII đặt ra câu hỏi nhức nhối về việc liệu các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam có đang đánh giá đúng đắn các xu thế chính trị và tài chính toàn cầu.

Với lựa chọn bổ sung thêm công suất điện than, có thể dẫn tới hệ lụy là Việt Nam mất cơ hội nhận được sự đầu tư từ các nhà đầu tư vào năng lượng sạch, các doanh nghiệp có uy tín trên thế giới, có khả năng hoàn thành các dự án điện với mức chi phí cạnh tranh.

“Để giải quyết bài toán duy trì giá điện rẻ, thay vì chú trọng phát triển nguồn điện chạy nền với các nhà máy điện than mới, Việt Nam cần ban hành các chính sách thúc đẩy các nhà đầu tư đem lại nguồn điện tái tạo với giá thành cạnh tranh hơn,” báo cáo nhận định.

Bạn đang đọc bài viết Thận trọng nguồn vốn cho điện than trong Quy hoạch Điện VIII. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người Đô Thị

Cùng chuyên mục

Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành