Thứ sáu, 29/03/2024 06:58 (GMT+7)

Thanh Hóa: “Đắp chiếu” dự án làng nghề, dân sống với ô nhiễm

MTĐT -  Thứ ba, 09/05/2017 08:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm qua, các hộ dân thuộc các thôn 7, 8, 9, 10 xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá phải đối mặt với mùi hôi thối từ việc xả thải ra môi trường của làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô.

Năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hoá đã quy hoạch làng nghề này, dự kiến hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai, dự án hiện đang trong tình trạng “đắp chiếu”.

Dân kêu trời vì ô nhiễm

Hiện làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô có 26 cơ sở và 1 công ty chuyên ươm tơ, dệt nhiễu. Hầu hết các cơ sở đều không có hệ thống xử lý nước thải và cơ sở hạ tầng đồng bộ. Vì vậy, trong quá trình sản xuất các cơ sở trực tiếp xả thải ra môi trường, nên người dân nơi đây đang phải chống chọi với tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi có mặt tại một hồ rộng lớn của thôn 7 – nơi chứa nước thải của làng nghề. Trong cái nắng 36 – 37 độ C, một thứ mùi hôi thối đặc trưng khiến chúng tôi không khỏi đau đầu.

Một người dân ngao ngán: “Nước đen kịt, đặc quánh bốc mùi hôi thối như thế này thì làm sao mà chịu được. Cũng nhiều lần ý kiến trong các lần hội họp thôn, xóm nhưng biết làm sao khi các hộ sản xuất không đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Hàng xóm nói mãi cũng ngại…”.

Không chỉ có nước thải làng nghề mà toàn bộ nước thải trong sinh hoạt đến chăn nuôi của người dân cũng tuồn ra ao lớn rồi đổ ra kênh Nông Giang ngay trước làng. Ông T. một người dân thôn 8 cho biết: “Ở đây quanh năm có muỗi, nhặng xuất hiện. Người dân đã sử dụng nhiều loại thuốc diệt côn trùng nhưng không ăn thua. Chúng tôi đã già cả, sống chung với ô nhiễm lâu rồi cũng đành quen nhưng lo cho con cháu, tuổi nhỏ thường xuyên mắc phải các bệnh về ngoài da, hô hấp…”.

Dự án dang dở vì thiếu kinh phí?

Bao đời nay, làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô được xem là nguồn thu nhập chính của người dân. Các cơ sở này hiện đang mang lại nguồn thu nhập, giải quyết việc làm đáng kể cho hàng trăm lao động. Đặc biệt, kể từ khi có chủ trương khôi phục làng nghề thì số hộ cũng như số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển sang trồng dâu nuôi tằm càng tăng lên, làng nghề dần hồi sinh.

Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, đến nay vẫn chưa hề có một quy hoạch, giải pháp cụ thể nào về vấn đề môi trường làng nghề. Trong khi, hầu như tất cả các cơ sở sản xuất, công ty đều có diện tích rất nhỏ hẹp, chưa có công nghệ xử lý môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải… khiến hàng trăm hộ dân từng ngày vẫn phải sống chung với ô nhiễm.

Dân sống chung với ô nhiễm ở làng dệt Hồng Đô (Ảnh: Văn Thanh)

Trước thực trạng trên, trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, các hộ dân mong muốn xây dựng làng nghề với hoạt động, sản xuất quy mô, có đầy đủ cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải…

Chính vì thế, tháng 8/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt một cụm làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô tập trung trên diện tích trên 25.000m2, từ nguồn kinh phí của UBND tỉnh, huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Đô. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, sau những tháng ngày chờ đợi, dự án làng nghề cũng chỉ mới hoàn thành khoảng 50% khối lượng. Nguyên nhân được cho là thiếu kinh phí.

Theo phản ánh của người dân, dự án cụm làng nghề đã “đắp chiếu” gần 8 tháng nay khiến người dân vô cùng bức xúc. Người dân cho biết, khi quy hoạch làng nghề, các xe chở nguyên vật liệu đã làm hư hỏng đường giao thông nông thôn của người dân, bây giờ dự án dừng triển khai, đơn vị thi công không có biện pháp duy tu mà để ổ voi, ổ trâu lởm chởm, xe cộ đi lại mù mịt.

Qua quan sát, hệ thống tường bao, sân bãi cỏ cây mọc um tùm; nguyên vật liệu xây dựng tại khu dự án cụm làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô đang phơi sương, phơi gió dần hư hỏng…

Bà T. – người dân thôn 8 bức xúc: “Khi đi họp nghe cán bộ triển khai là có dự án xây dựng, khôi phục làng nghề với quy hoạch quy mô lớn ra khỏi khu dân cư ai cũng vui mừng, hồ hởi. Những tưởng năm 2015 hoàn thành, nhưng tới nay đã bước sang năm 2017 vẫn “đắp chiếu” một cách khó hiểu, lãng phí”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đã nhiều lần UBND huyện Thiệu Hóa gửi tờ trình xin chủ trương điều chỉnh dự án (Tờ trình số 731/TTr-UBND ngày 12/92014), cũng như văn bản cam kết cam kết vốn đầu tư và dự kiến tổng mức đầu tư sau điều chỉnh (Tờ trình số 03/TTr-UBND ngày 7/1/2015) và gần đây là Tờ trình số 255/TTr-UBND ngày 2/7/2015 về việc xin hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô.

Ngày 11/9/2015 UBND tỉnh đã có Văn bản số 9300/UBND-THKH đồng ý chủ trương tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho công trình… Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì công trình vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”?

Với mong muốn tìm hiểu sâu hơn về dự án cụm làng nghề đang dang dở, sau nhiều lần cố gắng, phóng viên đã liên hệ, ông Lê Thế Ký – Chủ tịch UBND xã trả lời khá gay gắt: “Vấn đề ô nhiễm tại làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô người dân phản ánh nhiều và vô cùng bức xúc. Cụm làng nghề mới tập trung trên diện tích trên 25.000m2 được phê duyệt, từ nguồn kinh phí của UBND tỉnh, huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Đô. Số kinh phí giao cho xã, chúng tôi sắp hoàn thành, phần còn lại là nguồn kinh phí của tỉnh và huyện. Cụm làng nghề tập trung là do huyện là chủ đầu tư. Chúng tôi đang cố gắng tháng 9 tới đưa các cơ sở ra ngoài khu dân cư!? Người dân không thể chịu được nữa rồi”.

Trái với những gì ông Ký nói, ông Hoàng Viết Chọn, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: “Cụm làng nghề là do xã Thiệu Đô làm chủ đầu tư chứ không phải của huyện, huyện chỉ đạo thôi, xã (ông Ký) nói vớ nói vẩn… Số vốn của tỉnh đã cấp đủ, của huyện chúng tôi đã giải ngân còn vài trăm triệu nữa thôi, còn lại là số vốn của xã. Trước mắt huyện đang đôn đốc xã đẩy nhanh tiến độ để chuyển các cơ sở ra khu mới, trong khi chờ đợi tất cả cống rãnh phải đậy nắp để hạn chế mùi hôi thối phát tán”.

Khi người dân hàng ngày đang phải sống trong bầu ô nhiễm nặng nề, với cách trả lời dửng dưng đổ trách nhiệm cho nhau của Chủ tịch xã và huyện, không biết nguồn kinh phí lúc nào mới có, dự án cụm làng nghề tới khi nào mới hoàn thành vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: “Đắp chiếu” dự án làng nghề, dân sống với ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.