Thứ sáu, 19/04/2024 05:07 (GMT+7)

Thanh Hoá: Quá thời hạn hơn nửa năm nhưng công trình trái phép tại Mai Lâm vẫn chưa bị xử lý

Xuân Bắc -  Thứ năm, 30/03/2023 17:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đã quá 6 tháng buộc tháo gỡ (kể từ ngày 4/8/2022) nhưng đến nay công trình trái phép của ông Lê Hồng Luân và ông Nguyễn Sỹ Nhạc tại phường Mai Lâm, TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật.

Trong thời gian vừa qua, dư luận rất bức xúc về việc một cá nhân cố tình xây dựng công trình trái phép trên đất công và lấn, chiếm đất hộ khác. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, yêu cầu đình chỉ, tháo gỡ công trình vi phạm nhưng đến nay các công trình này vẫn được chủ sở hữu sử dụng.

Theo ghi nhận của phóng viên, công trình trái phép kiên cố trên khuôn viên hàng nghìn mét vuông do hộ gia ông ông Lê Hồng Luân và ông Nguyễn Sỹ Nhạc thường trú tại tổ dân phố Hải Lâm, phường Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa xây dựng.

Trước đó, báo chí cũng có nhiều lần phản ánh về việc xây dựng trái phép của hai hộ gia đình nêu trên. Sau đó, UBND thị xã Nghi Sơn ra Quyết định số 7143/QĐ-KPHQ ngày 04/8/2022 của về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính đối với ông Lê Hồng Luân.

Theo Quyết định này, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với ông Lê Hồng Luân, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ, thời gian thực hiện là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Hết thời hạn quy định tại khoản 5 Điều 1 Quyết định này mà ông Lê Hồng Luân không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

tm-img-alt
Quyết định số 7143/QĐ-KPHQ của UBND thị xã Nghi Sơn về việc buộc khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính đối với ông Lê Hồng Luân. Tuy nhiên đã hơn 7 tháng trôi qua, công trình trái phép này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Như vậy, tính đến nay đã hơn 7 tháng trôi qua, ngày buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép nhưng ông Luân sử dụng, vẫn chưa có động thái khắc phục hậu quả, tự tháo dỡ sai phạm. Điều khó hiểu hơn là chính quyền phường Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn và các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá vẫn chưa biện pháp quyết liệt cưỡng chế tháo gỡ theo Quyết định số 7143/QĐ-KPHQ của UBND thị xã Nghi Sơn.

Mặc dù ban hành quyết định tháo gỡ công trình vi phạm nhưng trong Quyết định số 7143/QĐ-KPHQ lại chỉ đề cập đến ông Lê Hồng Luân mà không hề nhắc tới về việc kiểm tra, xử lý sai phạm của ông Nguyễn Sỹ Nhạc.

Một điểm cần phải bàn đến nữa là ông Luân và ông Nhạc xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm đất công và đưa vào sử dụng trong nhiều năm nhưng chính quyền sở tại vẫn không hề hay biết. Chỉ đến khi có vào cuộc của các cơ quan báo chí phản ánh thì UBND thị xã Nghi Sơn mới kiểm tra và ra Quyết định cưỡng chế tháo dỡ.

tm-img-alt
tm-img-alt
Các công trình xây dựng trái phép tại Mai Lâm.

Và sau khi ra Quyết định số 7143/QĐ-KPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với ông Lê Hồng Luân, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;…. Thế nhưng đến nay công trình vi phạm của ông Lê Hồng Luân và ông Nguyễn Sỹ Nhạc vẫn tồn tại như chưa có chuyện gì xảy ra, ngang nhiên thách thức dư luận và pháp luật.

Qua vụ việc này dư luận đặt ra nghi vấn ông Luân và ông Nhạc là ai mà mà vẫn vô tư phớt lờ các quyết định xử lý của chính quyền, xem thường pháp luật về các quy định liên quan đến trật tự xây dựng? Trách nhiệm kiểm tra và thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá cũng như thị xã Nghi Sơn ở đâu khi để cho sai phạm xảy ra kéo dài?

Trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý trật tự xây dựng

Ngày 03 tháng 3 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, Nghị định đã quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý trật tự xây dựng, cụ thể:

Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh: Chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý trật tự xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn (trừ công trình bí mật nhà nước); ban hành các quy định về: quản lý trật tự xây dựng; phân cấp, ủy quyền quản lý trật tự xây dựng cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn; phân cấp, ủy quyền tiếp nhận thông báo khởi công kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng, trường hợp công trình thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng theo quy định.

UBND tỉnh có trách nhiệm ban hành quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị cho từng khu vực để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng trong đô thị, trong khu chức năng và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn; chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; chỉ đạo, tổ chức thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật; giải quyết những vấn đề quan trọng, phức tạp, vướng mắc trong quá trình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Trách nhiệm của UBND cấp thị xã, cấp phường: Chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh; tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hoá: Quá thời hạn hơn nửa năm nhưng công trình trái phép tại Mai Lâm vẫn chưa bị xử lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.