Thứ tư, 17/04/2024 04:58 (GMT+7)

Thanh Hóa: Tăng cường thực hiện các giải pháp, xâm nhập mặn

Duy Thịnh -  Thứ bảy, 10/12/2022 15:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 24/11, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 17574/UBND-NN về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2022-2023.

Theo công văn nêu rõ: Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023 khu vực tỉnh Thanh Hóa có lượng mưa ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm và phổ biến từ 150 - 300 mm; lượng dòng chảy trên dòng chính sông Mã, sông Chu giảm dần ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20 - 50%, có nơi trên 50%.

tm-img-alt

Công văn của UBND Thanh Hóa về việc tăng cường thực hiện các giải  pháp, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2022-2023.

Để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, đảm bảo an toàn cho sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi 3 và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty Khai thác công trình thủy lợi: Xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023, trong đó cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể, phù hợp; gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 09/12/2022 để tổng hợp, theo dõi, chỉ đạo và báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng thủy văn, kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng đáp ứng nguồn nước của từng công trình đầu mối (trạm bơm, hồ, đập) cho các nhu cầu dùng nước, ưu tiên nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; xác định cụ thể vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để có kế hoạch bố trí lịch thời vụ phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, kiên quyết không cấy cưỡng đối với diện tích không đủ nguồn nước.

Lập lịch tưới luân phiên cho tất cả các cấp kênh trong từng hệ thống tưới, tuyên truyền rộng rãi, công khai lịch tưới để người dân biết và thực hiện; phối hợp các cấp chính quyền để dẫn nước tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau, đặc biệt trong thời kỳ căng thẳng về nguồn nước, tránh tình trạng tranh chấp nguồn nước; điều hòa phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí; tăng cường công tác quản lý, vận hành, kiểm tra, giám sát nhằm giảm tổn thất nước trên kênh, cân đối giảm định mức tưới cho một ha; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn; tuyệt đối không tháo cạn nước kênh, ao, hồ,… để thi công công trình hoặc bắt cá vào dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đóng, mở cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn; kiểm soát chặt chẽ độ mặn để lấy nước tưới đảm bảo yêu cầu, có biện pháp xử lý nhiễm mặn kịp thời ở các vùng triều.

Làm tốt công tác tu sửa, bảo dưỡng trạm bơm đảm bảo sẵn sàng bơm tưới, căn cứ vào tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn và kinh nghiệm trong quản lý tưới, làm tốt công tác dự báo, tăng cường bơm nước vào giờ thấp điểm, tranh thủ bơm nước trữ vào đồng để tránh tình trạng gây hạn giả tạo trong suốt vụ Đông Xuân năm 2022-2023, đặc biệt vào thời kỳ đổ ải tập trung, thời kỳ khô hạn cuối tháng 3 đầu tháng 4/2023 và kéo dài cho đến đầu vụ Mùa năm 2023.

Duy trì các máy bơm dã chiến chống hạn đã lắp đặt các năm trước, có kế hoạch lắp đặt bổ sung máy bơm dã chiến, tận dụng mọi nguồn nước để chủ động bơm chuyền, bơm tiếp nguồn phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh, đặc biệt là vùng tưới của các công trình đang tổ chức thi công, chưa đưa vào vận hành khai thác; các vùng cao xa cục bộ có diện tích nhỏ nên sử dụng máy bơm dầu để bơm kịp thời tránh lãng phí nước.

Tổ chức, huy động lực lượng toàn dân ra quân làm thủy lợi mùa khô trên địa bàn trong thời gian từ ngày 25/11/2022 đến ngày 25/12/2022: Nạo vét hệ thống kênh mương từ kênh liên huyện, liên xã đến mặt ruộng, nạo vét các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm, khơi thông toàn bộ các ách tắc trên các tuyến kênh nhằm đảm bảo tưới, tiêu hiệu quả và tiết kiệm nước. Khối lượng nạo vét thủy lợi mùa khô trên địa bàn toàn tỉnh là 1.288.234,47 m3, trong đó nạo vét kênh liên huyện, liên xã là 357.082,59 m3; nạo vét kênh nội đồng là 931.151,88 m3 (Có phụ lục chi tiết kèm theo); báo cáo kết quả làm thủy lợi mùa khô trên địa bàn về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 05/01/2023.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn tới người dân, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả.

Chủ động bố trí nguồn kinh phí của địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; nếu vượt quá khả năng, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi 3 chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Sông Chu, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam sông Mã và các đơn vị có liên quan trên cơ sở mực nước hồ hiện có, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cung cấp nước vụ Đông Xuân năm 2022-2023 cho cả vụ, từng tháng, từng đợt tưới đảm bảo đủ nước tưới, chống hạn vụ Đông Xuân và đầu vụ Mùa năm 2023.

Sở Nông nghiệp và PTNT, theo dõi sát diễn biến thời tiết, thủy văn, kịp thời thông tin, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.Tập trung chỉ đạo công tác ra quân làm thủy lợi mùa khô đảm bảo theo kế hoạch đề ra; tổng hợp, báo cáo kết quả cụ thể với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 18/01/2023. Tổng hợp kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và nhu cầu hỗ trợ kinh phí của các đơn vị, địa phương, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, trình các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các Nhà máy thủy điện có kế hoạch điều tiết nước hợp lý để đảm bảo nguồn nước cho hạ du phục vụ sản xuất và dân sinh; ưu tiên cấp đủ nguồn, chất lượng điện đặc biệt cho các trạm bơm đầu mối lớn, trạm bơm bị ảnh hưởng thuỷ triều, xâm nhập mặn; đảm bảo cấp điện 24h/ngày để chủ động bơm khi đủ điều kiện về nguồn nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo triển khai công tác đo mặn; tăng cường dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan, địa phương liên quan để thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, tăng thời lượng, kịp thời thông báo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh để các cấp, các ngành và nhân dân biết, chủ động ứng phó, khắc phục có hiệu quả bất lợi do thời tiết gây ra, bảo đảm giành thắng lợi toàn diện trong sản xuất vụ Đông Xuân năm 2022-2023 và vụ Mùa năm 2023./.

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Tăng cường thực hiện các giải pháp, xâm nhập mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.