Thứ tư, 24/04/2024 13:05 (GMT+7)

Thanh Hóa: Vì sao Cty TNHH Long Sơn sai phạm thời gian dài?

DUY THỊNH -  Thứ hai, 24/05/2021 08:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc chấp thuận đất một đường lại sử dụng một nẻo, Công ty Xi măng Long Sơn đang cố tình thách thức pháp luật hay có thế lực chống lưng?

Theo ông Lê Ngọc Hà, Phó phòng thanh Tra Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: Sau khi các cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng ô nhiễm, sử dụng không đúng với mục đích được UBND tỉnh cho thuê; Ngày 12/5/2021 Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3560/STNMT-TTr về việc kiểm tra, xác minh và làm rõ thông tin phản ánh. Trên cơ sở kiểm tra kết quả ngày 28/4/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin sự việc như sau: Công ty TNHH Long Sơn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1018/QĐ-UBND ngày 23/3/2016, được UBND tỉnh cho thuê đất tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn để sử dụng vào mục đích xây dựng Trung tâm tiêu thụ xi măng Long Sơn theo Quyết định số 1416/QĐ-UBND ngày 19/4/2019. Khu đất có diện tích 32.759,2 m2, có tường rào xây bao quanh, cổng vào, có 01 nhà 02 tầng xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, gara ô tô (nhà khung sắt, lợp mái tôn), tại thời điểm kiểm tra có 05 ô tô đang sửa chữa, diện tích bãi tập kết than khoảng 2 ha, khối lượng than khoảng 5 nghìn tấn, theo đơn vị báo cáo là tập kết tạm.

Việc chấp thuận đất một đường lại sử dụng một nẻo, Công ty xi măng Long Sơn đang cố tình thách thức pháp luật hay có thế lực chống lưng?

Việc công ty TNHH Long Sơn tập kết than tại khu vực được UBND tỉnh cho thuê đất để sử dụng vào mục đích Trung tâm tiêu thụ xi măng Long Sơn là không đúng với mục đích sử dụng đất được nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư và thuê đất. Tuy nhiên, tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không quy định việc xử lý vi phạm hành chính trong hành vi này.

Theo quy định của pháp luật, dự án Trung tâm tiêu thụ xi măng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường được UBND thị xã Bỉm Sơn phê duyệt. Tuy nhiên Công ty TNHH Long Sơn không có kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định, vi phạm điểm d, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty TNHH Long Sơn dừng ngay việc tập kết than tại khu vực nêu trên, di chuyển bãi tập kết than ra khỏi khu đất trước ngày 15/6/2021, đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính số 24/BB-VPHC ngày 28/4/2021 và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường số 15/QĐ-XPHC ngày 29/4/2021 với hành vi không có kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định. Mức sử phạt tiền áp dụng 5.000.000 đồng, biện pháp khắc phục hậu quả: Yêu cầu công ty TNHH Long Sơn lập kế hoạch bảo vệ môi trường dự án trung tâm tiêu thụ xi măng trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định.

Khi PV muốn tiếp cận một số biên bản xử phạt đối với công ty TNHH Long Sơn thì ông Hà né tránh không cung cấp bảo phải có chỉ đạo của giám đốc thì mới cung cấp được.

Còn ông Phùng Đình Ảnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Sau khi có thông tin phản ánh, Sở đã thành lập đoàn đi kiểm tra. Còn em cần thông tin gì làm công văn gửi Sở anh sẽ bảo anh em cung cấp.”

Công văn số 3560 của Sở tài nguyên và môi trường Thanh Hóa về việc kiểm tra, xác minh và làm rõ thông tin phản ánh.

Tuy nhiên, trong công văn báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa còn rất chung chung so với những phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí. Cụ thể: chưa nói lên được bãi tập tập kết than từ năm nào, có gây ô nhiễm môi trường hay không. Hai là, Công ty TNHH Long Sơn đã xây dựng các công trình, rồi tập kết than trong một thời gian dài mà chưa có Kế hoạch bảo vệ môi trường được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Vậy tại sao trong những lần kiểm tra trước đó Sở Tài nguyên và Môi trường không chỉ ra những sai phạm đó? hay Sở Tài nguyên và Môi trường cố tình làm ngơ cho Công ty TNHH Long Sơn xây dựng và hoạt động Trung tâm tiêu thụ xi măng khi chưa đầy đủ thủ tục kế hoạch bảo vệ môi trường?!

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam có bài phản ánh “Được chấp thuận đất một đường lại sử dụng một nẻo Công ty xi măng Long Sơn có đang thách thức pháp luật”.  Mặc dù được chấp thuận chủ trương xây dựng Trung tâm tiêu thụ xi măng Long Sơn, tại phường Đông Sơn, TX Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Nhưng  công ty đang sử dụng đất đó vào mục đích tập kết than trái phép, ô nhiễm môi trường, đang thách thức chính quyền nơi đây.

Nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty TNHH Long Sơn đang tập kết một lượng lớn than trên đất được chấp thuận sử dụng vào mục đích khác, ô nhiễm môi trường. Phóng viên đã có mặt tại địa điểm khu phố Trường Sơn, Phường Đông Sơn, TX Bỉm Sơn nơi tập kết than của Công ty TNHH Long Sơn để tìm hiểu. Theo quan sát khu đất rộng chừng vài héc ta, một lượng than lớn khoảng vài nghìn tấn tập kết thành đống như một ngọn núi, xe ô tô ra vào lấy than tấp tập, bụi bay mù mịt, than rơi vãi ra tuyến đường công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù công ty có dùng xe tưới nước nhưng với lượng xe ra vào nhiều như vậy thì lượng tưới nước đó không đủ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Một số hộ dân sống gần khu vực tập kết bãi than chia sẻ: "Bãi than của công ty đã hoạt động được một thời gian lâu rồi, hằng ngày xe ra vào đổ than khi trời nắng thì bụi lắm, mưa thì nước than chảy ra đường đen thui. Hằng ngày chúng tôi phải hứng chịu với khói bụi bủa vây từ nhà máy, rồi bụi từ bãi tập kết than nữa cuộc sống người dân dường như bị đảo lộn".

Trao đổi qua điện thoại với ông Dương Văn Đông, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã Bỉm Sơn cho biết: “Sự việc mà người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường và Công ty TNHH Long Sơn đang sử dụng sai mục đích sử dụng đất là có thật. Cho tới thời điểm này công ty đang trình hồ sơ với các cơ quan ban ngành Tỉnh để hoàn thiện thủ tục. “

Còn ông Nguyễn Duy Chinh, Chủ tịch Phường Đông Sơn cho biết: “Việc ô nhiễm từ trong tập kết than không tránh khỏi được. Trong thời gian tới phường sẽ giám sát chặt chẽ hơn và yêu vầu công ty nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ về thủ tục đất đai, di chuyển hết số than vào trong nhà máy trong thời gian sớm nhất tránh ô nhiễm môi trường. Mong các anh thông cảm.”

Đại diện phòng Tổ chức - Hành chính Công ty TNHH Long Sơn phân trần: Đúng là trong quá trình hoạt động khó tránh khỏi vấn đề bụi bặm được. Công ty cũng đã hạn chế mức thấp nhất về ô nhiễm. Còn chỗ tập kết than, hồ sơ về đất đai, môi trường cơ bản đã trình dưới tỉnh đang chờ tỉnh phê duyệt. Công ty đang xây dựng dây chuyền 3 sắp tới sẽ chuyển hết số than vào khu nhà máy.

Được biết khoảng tháng 3/2020 các cơ quan ban ngành tỉnh Thanh Hóa đã thanh, kiểm tra về việc chấp hành bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của nhà máy, trong đó có bãi than này. Đồng thời các ban ngành đã yêu cầu Công ty dừng ngay việc hoạt động tập kết than tại khu vực này và di chuyển hết số lượng than vào khu nhà máy. Đồng thời hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về đất đai, bảo vệ môi trường đối với vị trí đã được UBND tỉnh chấp thuận.

Theo tìm hiểu ngày 23/03/2016 UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 1018/ QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương địa điểm đầu tư dự án Trung tâm tiêu thụ xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn, TX Bỉm Sơn (Thanh Hóa).  Nội dung trong chấp thuận chủ trương nêu rõ: chủ đầu tư là Công ty TNHH Long Sơn, địa chỉ số 06, đường Voi Phục, phường Trung Sơn, TX Tam Điệp, Tỉnh Ninh Bình. Mục tiêu xây dựng, xây dựng trung tâm xây dựng xi măng để phục vụ bán hàng, giới thiệu sản phẩm và tập kết phương tiện chở hàng. Quy mô dự án, xây dựng gara sửa chữa ô tô, nhà trưng bầy hình ảnh, giới thiệu giây truyền sản xuất xi măng, nhà giới thiệu sản phẩm, nhà tiếp thị và bán hàng, nhà nghỉ ca cho nhân viên, nhà ăn và căng tin, nhà để xe …diện tích 3,3 ha….

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Vì sao Cty TNHH Long Sơn sai phạm thời gian dài?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.